Những ngày đầu hoạt động Liên hiệp Hội Việt Nam
GS.TSKH.NGND Nguyễn Thiện Phúc kể lại, giai đoạn mà ông được gần gũi với GS.VS Trần Đại Nghĩa nhiều nhất là trong công tác Hội.
Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam ra đời muộn hơn khoảng một năm so với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội. Lúc đó, với trách nhiệm là chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội nhiệm kỳ đầu tiên, ông tham gia một số việc chuẩn bị cho Đại hội thành lập Liên hiệp Hội Trung ương, tiến hành sau đó khoảng một năm.
Tại Triển lãm hoạt động của Hội Kiến thức Matxcơva tổ chức tại CLB Thanh niên, HN (Từ trái qua: Tham tán sứ quán Liên Xô tại VN; GS. Trương Tùng; PCT Hội Kiến thức Matxcơva; GS. Nguyễn Thiện Phúc; GS Vũ Hoan). Ảnh: VUSTA. |
GS. Trương Tùng, Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội, đồng thời là Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội (LHH) Hà Nội, đã rất nhiệt tình tìm cách cấp trụ sở làm việc cho Liên hiệp Hội Việt Nam, tại số nhà 30B Bà Triệu, rất gần hồ Hoàn Kiếm.
Thời gian này GS.VS Trần Đại Nghĩa không ít niềm ưu tư, nhưng vẫn tập trung làm rất nhiều việc, thường rất muộn mới ra về. Đôi khi GS bảo ông lên xe cùng về nhà ở Hàng Chuối, lúc đó các đường quanh Hồ Gươm đã lên đèn. Dọc đường trên xe lại tiếp tục câu chuyện dang dở ở cơ quan.
Ngay sau khi thành lập, LHH Hà Nội đã nhanh chóng kết nghĩa với Hội Kiến thức của thành phố Matxcơva. Nhờ sự hợp tác đó, LHH Hà Nội đã nhanh chóng tổ chức được các câu lạc bộ khoa học, khai trương một triển lãm ở nhà thuyền trên hồ Thiền Quang và bắt đầu có các trang thiết bị như ô tô, máy ghi băng các bài giảng phổ biến khoa học…
Đồng thời qua đấy, ông và các nhà khoa học đã trở thành cầu nối để LHH Việt Nam hợp tác với Hội Kiến thức toàn Liên bang Xô Viết.
Trong quá trình hợp tác đó, ông được chứng kiến, với các ấn tượng đẹp, trong nhiều cuộc tọa đàm giữa GS.VS Trần Đại Nghĩa và các nhà khoa học và các nhà hoạt động hội khoa học kỹ thuật của Liên bang Xô Viết.
“Thầy Nghĩa thường nhắc chúng tôi phải học tập kinh nghiệm của bạn trong hoạt động phổ biến nâng cao kiến thức khoa học cho quần chúng và cần nhận thức về vai trò cực kỳ quan trọng của quần chúng lao động, những người trực tiếp biến các thành tựu khoa học thành của cải vật chất cho xã hội”, GS.TSKH.NGND Nguyễn Thiện Phúc kể lại. Với ông, GS.VS Trần Đại Nghĩa là người thầy lớn.
Trong trí nhớ của GS. Nguyễn Thiện Phúc, GS.VS Trần Đại Nghĩa rất trăn trở về vấn đề quản lý kinh tế ở các địa phương. Lần đi dự hội nghị ở LHH Hải Phòng, ông thấy Thầy Nghĩa thường đem theo bộ sách quản lý kinh tế của Tây Âu và giới thiệu với họ.
Danh hiệu "quốc gia" không phải để xin kinh phí đầu tư...
Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất của GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc với GS.VS Trần Đại Nghĩa là dịp ông cùng người thầy của mình vào dự đại hội thành lập LHH TP Hồ Chí Minh.
Đêm hôm trước ngày Đại hội, Ban tổ chức đã đến báo cáo tình hình chuẩn bị với GS. Trần Đại Nghĩa. Sau buổi làm việc đó, GS. Trần Đại Nghĩa có vẻ ưu tư lắm và dường như không ngủ được.
Các đại biểu tham dự đại hội thành lập LHH Tp.Hồ Chí Minh (người mặc áo vét sẫm mầu là GS Trần Đại Nghĩa, người mặc áo vét nhạt màu là GS.TSKH.NGND Nguyễn Thiện Phúc). Ảnh: NVCC. |
Thầy Nghĩa gọi ông sang, pha một ấm chè và hai thầy trò nói chuyện với nhau đến rất khuya. Câu chuyện bắt đầu từ việc sửa sang, chỉnh lý lại 2 bài phát biểu để Thầy và ông sẽ đọc vào sáng mai. Sau đó, Thầy hỏi thăm về tình hình hoạt động khoa học ở Trường ĐH Bách khoa. Rồi cả về cách thức triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học ở các trường của Nga Thầy rất tâm tư về vấn đề đầu tư cho khoa học ở ta.
“Tôi cũng rất muốn được tiếp tục câu chuyện về mối quan hệ giữa sức mạnh của tính du kích linh hoạt và xu thế tự động hóa trong công nghiệp quốc phòng, nhưng cứ ngại để Thầy thức quá khuya, nên lại phải nhắc Thầy đi nghỉ. “Không sao! Tôi ngủ ít nhưng sáng mai vẫn sẽ tỉnh táo”, thấy Thầy nói vậy, tôi không dám nhắc nữa.
Từ đêm hôm đó, 2 điều Thầy căn dặn, tôi vẫn nhớ mãi. Thầy bảo, khi giảng dạy người ta phải chia nhỏ kiến thức thành các môn học để cho sinh viên tiếp thu được, nhưng để làm được việc, phải làm sao cho họ biết vận dụng kiến thức tổng hợp.
Ngạc nhiên hơn, Thầy còn nhắc: “Trường Bách khoa các anh tự gọi là ĐH Bách khoa Hà Nội đấy chứ, chắc là để dễ phân biệt với các trường bách khoa mới mở sau này, còn theo quyết định lúc thành lập năm 1956 thì chỉ ghi là Đại học Bách khoa thôi.
Nói như thế, không phải là cốt giành lấy cái danh hiệu quốc gia để xin được thêm kinh phí đầu tư, mà ở chỗ cần phải tự xác định vị trí của mình để ý thức được phải dạy với trách nhiệm quốc gia và phải học với ý thức tự tôn của một dân tộc!”. Tôi nhớ mãi lời dạy đó và đã truyền đạt lại đến lãnh đạo Trường”, GS.TSKH.NGND Nguyễn Thiện Phúc nhớ lại.
Buổi tối sau Đại hội có buổi liên hoan tại 43 Nguyễn Thông. Có hơi khác với các buổi liên hoan của các hội ở phía Bắc thời đó, bữa tiệc rất phong phú, các món ăn đều do các nữ hội viên tự nấu nướng, có cả các tiết mục văn nghệ do các nhà khoa học tuy đã đứng tuổi nhưng vẫn cùng nhau ca hát, tự chơi đàn, đánh trống.
Trong căn phòng xinh xắn các bàn tiệc xếp liên tiếp tạo thành sân khấu bên trong. Tất cả điều đó gây ấn tượng về một tập thể năng động, hay phát biểu, tranh luận.
Từ phía đối diện xa xa, một phụ nữ rất duyên dáng nhìn về phía ông và GS.VS. Trần Đại Nghĩa nói: “Ly rượu của hai đại diện của sỹ phu Bắc Hà vẫn còn nguyên”. Ông bật dậy “Trước hết là xin cám ơn, ngồi từ xa thế mà vẫn quan tâm đến chúng tôi. Tôi và Thầy Nghĩa có nâng cốc nhưng không uống vì hôm qua vào đây thấy trên báo Sài Gòn giải phóng có nhắc đến tin đồng chí bí thư thành ủy Phạm Hùng, nhắc nhở không uống rượu trong hội họp ở cơ quan”. Tất cả cười vui vẻ.
Liền sau đó Thầy Nghĩa đứng dậy: “Tôi là người con của Miền Nam và là người con của Miền Bắc. Bây giờ đất nước đã thống nhất, Nam Bắc một nhà. Trong Liên hiệp Hội Việt Nam không phân biệt Nam Bắc, tất cả hoạt động đều vì sự phát triển khoa học của Việt Nam thống nhất”. Tất cả mọi người vỗ tay hoan nghênh.
Mời quý độc giả xem video: "Trần Đại Nghĩa không sáng chế súng Bazooka, vậy thì ông làm gì?". Nguòn:QPVN.