|
Tài xế Hoàng Văn T. kể về câu chuyện người bố ở Nam Định đưa tro cốt con trai ra công viên. Ảnh: TG |
Lời hứa của người cha
Nằm trong chuỗi dịch vụ dành cho người đã khuất, việc đưa tro cốt người quá cố, nhất là tro cốt trẻ em sau khi hỏa thiêu về với gia đình họ cũng là cả một câu chuyện dài và chất chứa những nỗi niềm tâm sự của người trong cuộc. Cánh tài xế taxi chuyên làm dịch vụ này đã kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện mà những người ngoài cuộc đôi khi cảm thấy rất khó tin.
Tài xế Hoàng Văn T. (39 tuổi, lái taxi hãng taxi S.V ở khu vực cổng Đài hóa thân Hoàn Vũ – thuộc Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội) kể lại câu chuyện thấm đẫm nước mắt về tình cảm của hai cha con ở Hải Hậu, Nam Định. Khi đó khoảng tháng 6 năm 2013, trong lúc đang chờ khách, anh được một người đàn ông ngoài 30 tuổi tay ôm chiếc tiểu sành chứa tro cốt người đã khuất vẫy xe. Khi đi qua vườn hoa TP Phủ Lý (Hà Nam), vị khách đề nghị anh dừng xe, chờ khoảng 30 phút. Khi xe dừng, người đàn ông này ôm chiếc tiểu sành bước xuống xe rồi đi vào khu vui chơi của vườn hoa.
Lúc này, anh T. thoáng giật mình vì thấy người đàn ông còn chưa trả tiền taxi, nhỡ họ đi luôn thì sao? Thế nhưng một linh cảm mách bảo khiến anh có niềm tin kỳ lạ với vị khách mới gặp này.
Tranh thủ lúc chờ đợi, anh T. cho xe vào khu vực được phép dừng đỗ rồi ra ngoài hút thuốc. Anh quan sát thấy người đàn ông ôm chiếc tiểu sành đi từ khu vui chơi này sang điểm giải trí khác thuộc khuôn viên vườn hoa. Khoảng 30 phút sau, anh này trở lại xe luôn miệng cảm ơn tài xế taxi đã chờ đợi và đề nghị đi tiếp về nhà.
Thấy lạ, anh T. hỏi chuyện. Sau mấy phút trầm ngâm, vị khách nghẹn ngào chia sẻ: “Thứ Bảy vừa rồi, tôi hứa đưa con trai đi vườn hoa Phủ Lý chơi. Thế nhưng do mải uống rượu với mấy người bạn cũ, tôi say mềm người rồi về nhà ngủ. Con trai 5 tuổi của tôi cứ lay bố dậy đòi đi chơi nhưng tôi cáu gắt và ngủ tiếp. Vì đã hứa với con nhiều lần, thế nên mẹ nó quyết định lấy xe máy đưa cháu sang Phủ Lý (Hà Nam) chơi. Không may do hôm ấy trời mưa, đường trơn trượt khiến vợ tôi mất lái lao vào vệ đường. Con tôi bị đập đầu vào thành bê tông và ra đi mãi mãi. Vợ tôi cũng bị thương nặng giờ vẫn đang điều trị ở bệnh viện đa khoa tỉnh…”.
Đau lòng trước cái chết của con trai và tự oán trách sự thất hứa của mình, sau khi gia đình đưa thi thể cháu bé từ Nam Định ra Đài hóa thân Hoàn Vũ ở Hà Nội làm lễ hỏa táng, người đàn ông này đã bảo gia đình đi ô tô về còn anh đón taxi đưa tro cốt của con về sau. Trên đường về nhà, anh quyết định thực hiện lời hứa đối với đứa con trai 5 tuổi trong nước mắt …
Mình làm việc tốt, cớ gì họ quấy nhiễu?
Thông thường những người làm tài xế hay e ngại, thậm chí kiêng kỵ khi chở tro cốt, thi hài người chết. Vậy nhưng, tại khu vực nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội) lại có những tài xế luôn túc trực để làm việc này. Không phải vài ba người mà ngay trước cổng Đài hóa thân hoàn vũ thuộc nghĩa trang này luôn có 12-15 bác tài dừng xe đứng đợi. Và, câu chuyện của họ với PV GĐ&XH cũng nhuốm màu liêu trai...
Ngoài câu chuyện của anh T., trong giới taxi chuyên chở tro cốt người đã khuất còn có nhiều chuyện khác, hư hư thực thực, khiến những người yếu bóng vía mắt tròn, mắt dẹt. Câu chuyện của tài xế Tạ Hữu H. (sinh năm 1972 quê ở Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), thuộc hãng M.K taxi là một ví dụ. H. bảo, với cánh lái xe trẻ mới vào nghề, họ rất sợ bị "vong ám". Anh H. kể cho chúng tôi nghe về trường hợp một đồng nghiệp là anh L: “Một bữa nọ, sau khi L chở tro cốt một cháu bé chết đuối về huyện Đan Phượng (Hà Nội) thì suốt những ngày sau đó, anh không đón thêm được một khách nào. Thậm chí, có khách vẫy xe bên đường mình chạy sang thì họ lại không đi nữa hoặc lên xe khác. Việc này lặp đi, lặp lại khiến anh L suy đoán là mình đang bị "vong đuổi khách”. Làm ăn không thuận lợi, L quyết định rao bán xe, nhưng sau khi biết chuyện xe của L hay chở khách ở cổng Đài hóa thân Hoàn Vũ thì cả 5 khách đến xem xe đều lắc đầu không mua", anh H. kể.
Tài xế H. kể thêm rằng, một lần anh cố đánh xe vào tận cửa khu nhận cốt trong Đài hóa thân Hoàn Vũ để đón khách, nhưng chẳng hiểu sao khi người nhà bê tro cốt lên xe thì xe bỗng nhiên không nổ máy được. Anh xin lỗi gia chủ rồi bảo họ đón xe khác, nhưng khi họ vừa bước xuống thì xe lại nổ máy bình thường. "Chắc là do vong quấy nhiễu đấy”, anh H. nói.
Câu chuyện của tài xế Lê Hoàng K. (SN 1986, quê ở Thanh Trì, Hà Nội, lái xe của hãng H.Đ) cũng na ná như các câu chuyện trên. K cho hay, tháng trước anh có nhận chở 3 người mang theo hài cốt của một cô gái vừa mới hỏa thiêu tại Hoàn Vũ về quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên K chở và cũng không yêu cầu gia đình họ phải trả thêm tiền. "Cả hành trình từ Văn Điển theo QL1 về Phú Xuyên thì không có vấn đề gì xảy ra, nhưng lúc về, nhất là những đoạn đường vắng thì tôi có cảm giác rờn rợn, lạnh sống lưng, cứ như có người ngồi ghế sau chằm chằm nhìn vào mắt tôi thông qua kính chiếu hậu. Hôm sau đi làm, cả buổi không một khách nào chịu đi xe của tôi, bất chấp việc anh em đồng nghiệp nhường cho số thứ tự đến lượt chở khách. Thậm chí có khách còn bảo: Xe này nặng âm khí lắm, gọi xe khác, đắt tiền hơn cũng được”, anh K. kể.
Đem những gì anh H., anh K. kể, chúng tôi gặp các bác tài xế có thâm niên trong nghề. Những người này cho rằng, tất cả chỉ là “thần hồn nát thần tính” hoặc do sự trùng hợp mà thôi. "Tôi hỏi ông nhé, đi bán xe mà nói xe chở người chết, ai dám mua? Taxi bây giờ đầy đường, người ta vẫy, ông chưa kịp đến thì họ bắt xe khác, chuyện đó có gì là lạ? Còn chuyện xe không nổ máy rồi lại nổ được, điều này quá bình thường. Trời lạnh, xe cũ, có khi ông đề 2-3 phát mới nổ, lái xe nào chẳng biết cái nguyên lý ấy. Nếu nói "vong quấy nhiễu" “không làm ăn được” thì chắc mấy ông lái xe tang hay xe cấp cứu thất nghiệp suốt à? Tâm lí của mấy ông tài xế này duy tâm, nên giải thích sự việc theo kiểu mê tín mà thôi. Tôi nghĩ, chở tro cốt người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng là làm việc thiện. Mình làm làm việc tốt thì hà cớ gì người ta quấy nhiễu mình? Hay là do "chặt chém" quá nên bị quấy nhiễu...", bác tài chừng năm mươi tuổi nheo nheo mắt vừa cười vừa trò chuyện với chúng tôi.
Chuyên gia bắt "vong" hiện hình
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Nhà nghiên cứu tâm lý Phan Hùng Sơn cho biết, ông từng tiếp xúc với nhiều trường hợp cứ khăng khăng cho là mình bị "ma ám" với rất nhiều hiện tượng "bí ẩn". Tuy nhiên, ông Sơn lý giải rằng, điều này thường xuất phát từ yếu tố tâm lý. “Với những tài xế thần kinh yếu mà lại phải thường xuyên tiếp xúc với người chết sẽ có ảo giác về những hiện tượng xung quanh. Khi gặp những chuyện không may, trục trặc họ sẽ cho rằng do vong hồn quấy nhiễu. Suy nghĩ này gây tổn hại cho chính bản thân họ mà họ không hề hay biết. Đó là chưa kể đến việc nhiều người đang tự làm mồi cho thầy bói phán bừa, trục lợi”, vị chuyên gia lý giải.