Du khách đến Mũi Né phần lớn đều đi tham quan Suối Tiên, để ngắm nhìn và chiêm ngưỡng sự kỳ diệu của Suối Tiên mà tạo hóa đã ban tặng.
Suối Tiên được nhiều du khách yêu thích. Có lẽ khi đã được trực tiếp đến đây bạn sẽ có câu hỏi sao màu nước tại suối Tiên lại có màu đỏ cam đặc biệt đến vậy. Con suối len lỏi qua địa hình một bên là dãy nhũ đá đỏ cháy bị gió thổi phong hóa với đủ mọi hình thù, một bên là rừng cây xanh tốt.
Sự đối lập về màu sắc đã tạo nên một nét độc đáo rất riêng cho suối Tiên. Đó cũng chính là yếu tố thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Dòng chảy của nước như người thợ vô hình điêu khắc miệt mài tạo nên những tác phẩm nghệ thuật thiên nhiên sống động. Ảnh: B.B.T |
Điều kỳ diệu là dọc theo suối một bên là những đồi cát cao 15-20m. Nhiều đụn cát trắng đông cứng như đá bị phong hóa tạo nên hình thù đa dạng; bờ suối bên kia là vườn dừa, vườn cây ăn trái trĩu quả. Đẹp nhất là sau cơn mưa rào dòng chảy của nước như người thợ vô hình điêu khắc miệt mài tạo nên những tác phẩm nghệ thuật thiên nhiên sống động.
Những nhũ cát được bào mòn qua năm tháng có màu trắng ngà, nhọn hoắt chọc thẳng lên trời xanh tựa như những tòa lâu đài hiện đại. Sắc màu đa dạng của cát và sự kiến tạo của thiên nhiên đã tạo nên bức tranh toàn cảnh thật diệu kỳ.
Điều thú vị nữa là nguồn nước Suối Tiên trong vắt, song chảy trên nền cát vàng pha đỏ nên ta có cảm giác như nước suối chuyển màu, trộn lẫn phù sa. Mỗi ngày, nước từ động cát tuôn trào. Kể cả lúc khô hạn nhất, nắng kéo dài 3 đến 4 tháng liền dòng nước mát Suối Tiên vẫn không ngừng chảy.
Nước không nhiều, chảy không xiết, du khách xách đôi dép trên tay, xoắn ống quần quá đầu gối, cứ thế lội ngược theo dòng nước để tìm cội nguồn dòng suối lạ giữa vùng sa mạc cát nóng bỏng.
Suối Tiên như chốn “bồng lai tiên cảnh” trên vùng “sa mạc” Mũi Né. Suối không dài, từ điểm cuối cùng đổ ra biển ngược lên cội nguồn chỉ khoảng 4 cây số, nhưng mỗi ngày hai bên bờ Suối Tiên lại biến đổi, bởi sắc màu của cát và hình hài đổi thay của các khối nhũ.