Ngày 28/11/2013 đánh dấu một sự kiện quan trọng đối với quá trình duy trì sự thống trị đại dương của Hải quân Mỹ - tàu khu trục DDG-1000 Zumwalt đầu tiên đã được hạ thủy. Zumwalt được mệnh danh là “tàu khu trục tương lai” bởi thiết kế thủy động lực học có “1-0-2” của nó.
DDG-1000 Zumwalt đã thiết lập một tiêu chuẩn kỹ thuật mới của của các loại tàu chiến hiện đại. Tàu khu trục này được đánh giá gần như không có đối thủ ở mọi đại dương. Sở dĩ tàu khu trục Zumwalt được đánh giá cao như vậy là nhờ hệ thống vũ khí cực kỳ tối tân của nó, trong đó phải kể đến là pháo hải quân AGS-155mm.
Siêu hạm tàng hình DDG-1000 hạ thủy. |
AGS-155mm được đánh giá là chương trình phát triển pháo hải quân hiện đại đình đám nhất thế giới hiện nay. AGS bắn đạn có điều khiển LRLAP được mạnh danh là “kỷ nguyên mới” của pháo hải quân hiện đại.
LRLAP (Long Range Land Attack Projectile), tạm dịch là đạn pháo tấn công mặt đất tầm xa. Chương trình LRLAP được phối hợp phát triển giữa tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ và cơ sở của BAE system Anh tại Mỹ. Chương trình pháo hải quân AGS được khởi xướng từ năm 2002, đến năm 2005 thực hiện thử nghiệm đầu tiên.
AGS sử dụng cỡ nòng 155mm, đây là loại pháo hải quân cỡ nòng lớn nhất được trang bị cho tàu chiến hiện nay. Pháo có thiết kế hoàn toàn khác lạ so với các pháo hải quân truyền thống, tháp pháo được thiết kế dạng hình hộp chữ nhật chứ không có dạng hình tròn như truyền thống. Khi không hoạt động nòng pháo được gập gọn vào bên trong tháp pháo để tăng khả năng tàng hình cho pháo cũng như của tàu khu trục Zumwalt.
AGS là một sự kết hợp giữa đạn pháo truyền thống và tên lửa cho phép đạt tầm bắn xa hơn trong khi chi phí sử dụng thấp hơn. Đạn pháo được bắn ra khỏi nòng pháo nhờ vào một động cơ tên lửa, giải pháp này giúp đạn pháo có tầm bắn xa hơn so với liều phóng truyền thống.
Đạn LRAP đạt tầm bắn xa hơn một vài loại tên lửa hành trình chống tàu trên thế giới. |
Đầu đạn được trang bị 4 vây ổn định ở phía trước cùng 8 vây lái ở phía sau giúp giữ được sự ổn định về khí động học cho phép tăng tầm bắn. Các vây này được gập vào trong thân đầu đạn, nó sẽ bung ra khi đầu đạn rời khỏi nòng pháo. Hệ thống vây lái này cũng được sử dụng cho nhiệm vụ lái đầu đạn đến mục tiêu. Đầu đạn được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp giữa dẫn hướng quán tính và hệ thống định vị toàn cầu GPS.
Hệ thống pháo AGS hoạt động hoàn toàn tự động, khoang tiếp đạn có thể chứa tới 750 viên đạn, pháo có hệ thống nạp đạn tự động được làm mát bằng nước cho phép nâng tốc độ bắn lên tới 10 phát/phút. Theo đánh giá của các nhà thiết kế, hai tàu khu trục DDG-1000 với 4 pháo AGS có khả năng chi viện hỏa lực tương đương với một tiểu đoàn pháo binh thông thường(tương đương với 12 khẩu pháo).
Bắn thử nghiệm hệ thống pháo hải quân tối tân AGS trên đất liền. |
Đạn pháo có điều khiển LRLAP có hiệu quả cao trong việc chống lại một loạt các mục tiêu khác nhau như tàu chiến đối phương, các mục tiêu ven biển, thậm chí là các mục tiêu nằm sâu trong đất liền. Do đạn pháo được điều khiển nên xác suất tiêu diệt mục tiêu rất cao qua đó giảm số lượng đạn cần sử dụng cho một mục tiêu vừa tiết kiệm chi phí vừa tạo tâm lý hoang mang cho đối phương. Pháo hải quân AGS được coi là một cuộc cách mạng trong pháo binh, một giải pháp thay thế hiệu quả với chi phí thấp so với các tên lửa đang được sử dụng hiện nay.
Tầm bắn thiết kế của đạn pháo LRLAP lên đến 154km (tương đương với một tên lửa chống hạm), bán kính lệch mục tiêu (CEP) dưới 50m, tầm bắn thử nghiệm kỷ lục được thiết lập trong năm 2005 đạt 109km, hai lần thử nghiệm vào tháng 08/2011 đạt tầm bắn 81km.
Quá trình sản xuất quy mô nhỏ pháo hải quân AGS đã được triển khai trong năm 2013, hệ thống sẽ đi vào hoạt động cùng với tàu khu trục DDG-1000 Zumwalt từ năm 2016. Như vậy khi đi vào hoạt động, AGS bắn đạn pháo có điều khiển LRLAP sẽ là loại pháo hải quân vô địch thế giới và gần như không có đối thủ.