Kính cường lực chung cư HAGL phát nổ, chuyên gia nói gì?

(Kiến Thức) - Sự việc kính cường lực bỗng dưng phát nổ tại căn hộ cao cấp Hoàng Anh Gia Lai (40 Hùng Vương, TP Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk) đã khiến nhiều người sử dụng loại kính này trong xây dựng, đồ gia dụng lo lắng. Các chuyên gia đã vào cuộc lý giải nguyên nhân gây nổ...  

Chất lượng kính kém gây nổ
Theo ban quản lý căn hộ cao cấp Hoàng Anh Gia Lai (40 Hùng Vương, TP Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk), nguyên nhân cửa kính tại khu này phát nổ có thể do mặt kính thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên khi gặp mưa bất thường khiến nhiệt độ trên tấm kính thay đổi đột ngột dẫn đến phát nổ. 
Bàn về ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Bộ môn Silicat, Viện Kỹ thuật hóa học, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nguyên nhân gây nổ kính có nhiều trong đó bao hàm cả nguyên nhân tiếp xúc ánh sáng và thay đổi nhiệt độ. Tuy nhiên, nếu kính chất lượng tốt thì khả năng chịu nhiệt sẽ cao, chỉ có kính bị lỗi mới nổ như trên.
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng giải thích: Khi sản xuất kính cường lực người ta đã tính toán, cân đối lực tác động, sự thay đổi nhiệt độ hơn kính bình thường từ 5 - 7 lần. Kính chỉ nổ đột ngột khi bị tích tụ ứng suất. Trong điều kiện này, vật liệu không tốt sẽ tiềm ẩn ứng suất cao trong đó. 
"Ứng suất của kính là mọi điểm đều có sự phân bố đồng đều về lực. Chỉ cần một điểm nào đó trên vật có sự co kéo sẽ tạo nên ứng suất khác đi. Trong trường hợp kính bị chiếu ánh nắng vào sau đó gặp mưa sẽ tạo nên sự giãn nở các phân tử từ đó tạo ứng suất không cân bằng gây nên vỡ", PGS.TS Nguyễn Anh Dũng cho hay. 
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Văn Toàn, Công ty kính cường lực Gia An cho hay, hiện tượng kính cường lực hay còn gọi là kính chịu lực, kính an toàn nổ không phải là hiếm mà thậm chí là xảy ra rải rác ở nhiều khu vực. Các thiết bị sản xuất kính chịu lực như cửa, vách, giá đựng, bồn rửa mặt, bàn bếp... tất cả đều đã xảy ra sự cố, tuy nhiên chưa có trường hợp nào gây nguy hiểm nặng cho người sử dụng. 
Nguyên nhân kính cường lực bị nổ có nhiều yếu tố như bề mặt kính có khoảng bị cắt, mẻ sau đó phát triển thành phạm vi lớn. Kính được đóng trong khung áp lực, độ đàn kém tạo áp lực căng lên bề mặt kính. Bản thân kính có khiếm khuyết trong quá trình tôi. Độ dày kính không đủ chống lại tải trọng gió. 
 
Dán phim an toàn cho kính
Theo các chuyên gia, kính khiếm khuyết cũng có nhiều điều đáng bàn như độ đồng nhất của kính không cao, có chất niken sunfua, tôi chưa đủ nhiệt... "Nhà sản xuất không chủ động đưa chất niken sunfua vào quá trình tôi kính. Mà nó là một phần trong những phụ gia được sử dụng để loại bỏ bọt khí, tạo độ trong cho kính. Ngoài ra, có thể do chính vật liệu tôi kính như sản phẩm thép không gỉ thôi ra chất này. Khi kính cường lực chứa niken sunfua có thể tạo nên sự giãn nở khác thường so với bình thường", ThS Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh. 
Kính cường lực khi nổ sẽ tạo ra các hạt tròn nên nhìn chung an toàn cho người dùng. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan bỏ qua các yếu tố kỹ thuật khi lắp đặt kính. Cụ thể, người dân khi lắp kính cường lực phải tìm hiểu nguồn gốc sản xuất, các tiêu chuẩn an toàn như mức chịu lực, độ bền, hình dáng. 
Để an toàn khi sử dụng kính cường lực, người dân nên dán phim an toàn lên bề mặt kính. Bằng cách này, kính nếu bị nổ vỡ sẽ không tạo ra các các hạt nhỏ bắn vào người. Tránh đi trên hạt kính, thay vào đó nên lót bìa, khăn để đi qua khu vực kính vỡ. 
Cách đây không lâu, một bồn rửa mặt bằng thủy tinh của gia đình chị ở nhà bà N.T.H.Yến (42 tuổi, ngụ trên đường Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM) bỗng nhiên phát nổ. Tại hiện trường, những mảnh vỡ thủy tinh bay tung tóe khắp phòng.

Hiệu ứng lá sen khiến nước không dính trên kính ô tô


Hỏi: Tôi đi một số xe ô tô thấy hiện tượng khi mưa, hạt nước mưa được gom lại trôi tuột xuống hoặc bay lên khiến kính không bị mờ. Xin hỏi, hiệu ứng trên do yếu tố nào tạo nên? - Nguyễn Văn Thiện (Khánh Hòa).

Ông Trần Văn Hùng, Gara ô tô New Autoway (Hà Nội) cho biết: Hiện tượng nước mưa vo tròn, chảy nhanh xuống giúp kính sáng trong khi mưa còn được gọi là hiệu ứng lá sen. Hiệu ứng này được tạo ra do chủ xe sử dụng dung dịch phủ lên kính dạng nano. Dung dịch này có tác dụng giúp nước mưa chảy nhanh, không bị đọng nước và bụi lại nước trên bề mặt kính, giọt nước được vo tròn...

Vì thế, dù đi dưới mưa kính lái vẫn trong nên an toàn cho người lái. Còn nước chảy ngược lên là do khi xe vận hành, tốc độ gió cao sẽ đẩy giọt nước bay ngược lại. Có thể phủ dung dịch này lên cả kính chiếu hậu của xe ô tô để giúp nhìn dễ dàng hơn.  

Vì sao kính cường lực tự nhiên nổ?

(Kiến Thức) - Sự việc nổ kính cường lực, khiến 1 cháu bé 7 tháng tuổi ở Buôn Ma Thuật,  Đắk Lắk bị thương đang khiến dư luận xôn xao. Nguyên nhân vì đâu?

Sự việc xảy ra vào khoảng 7h30 ngày 12/9, chị Phạm Thị Thùy Nhiên trong lúc bế con tắm nắng đã tựa nhẹ đầu và phần lưng vào tấm kính cường lực tại căn hộ Hoàng Anh Gia Lai, TP Buôn Ma Thuột. Khi chị vừa chạm vào thì tấm kính cường lực bỗng phát nổ lớn, hạt kính bắn tung tóe khắp nơi, khiến con chị là bé Trần Bảo Như bị thương ở vùng đùi và lưng.

Lý giải nguyên nhân cửa kính tại khu căn hộ phát nổ, ông Nguyễn Phong Nam, đại diện Ban quản lý khu căn hộ cho rằng, có thể do mặt kính thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên khi gặp mưa bất thường khiến nhiệt độ trên tấm kính thay đổi đột ngột nên phát nổ.

Đọc nhiều nhất

Tin mới