Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank, KLB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 với tổng thu nhập giảm gần 24% về mức 283 tỷ đồng.
Trong đó chủ yếu giảm mạnh gần 22% từ thu nhập lãi thuần do nhà băng này triển khai các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của NHNN.
Đồng thời, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư không phát sinh trong khi cùng kỳ ghi nhận hơn 35 tỷ đồng do Kienlongbank tăng đầu tư trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch sử dụng vốn.
Vì thế, mặc dù cắt giảm mạnh tổng chi phí 15% về còn 242 tỷ đồng nhưng Kienlongbank vẫn chỉ lãi ròng hơn 33 tỷ đồng trong quý 3, suy giảm mạnh gần 52% so cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 3/2020 của Kienlongbank |
Luỹ kế 9 tháng, tổng thu nhập của Kienlongbank chỉ giảm nhẹ gần 4% về mức 989 tỷ đồng.
Trong đó chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm 11%, mua bán chứng khoán đầu tư giảm gần 10%, duy chỉ hoạt động khác tăng vọt 301% do phát sinh thu nhập từ chuyển nhượng nhà kho cho thuê của công ty con.
Sau cùng, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của Kienlongbank sụt giảm 38% về mức gần 116 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 9 tháng 2020 của Kienlongbank |
Nợ xấu "ngập ngụa" lên tới 6,63% do đâu?
Sở dĩ lợi nhuận của Kienlongbank sụt giảm mạnh một phần do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng "ngốn" hết 83 tỷ đồng, tăng vọt 96% so cùng kỳ chủ yếu do trích lập dự phòng cụ thể của các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của một ngân hàng khác theo phương án xử lý nợ được NHNN phê duyệt.
Kienlongbank cho biết, những ảnh hưởng này chỉ mang tính chất tạm thời, sau khi xử lý xong tài sản bảo đảm đối với các khoản vay trên (dự kiến trong quý 4/2020), căn cứ nguồn tiền thu được, ngân hàng sẽ ghi nhận hoàn nhập dự phòng góp phần tăng thu nhập trong năm 2020.
Tại thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản có của Kienlongbank tăng khá gần 4.500 tỷ lên mức 55.592 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng ghi nhận 33.414 tỷ đồng, tăng 0,69% so đầu kỳ. Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn tăng vọt từ 831 tỷ của đầu kỳ lên tới 3.545 tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng cũng tăng khá 21,4% lên mức 39.990 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, nợ xấu của Kienlongbank đột nhiên nhảy vọt lên 2.241 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ.
Trong đó, đáng chú ý là nợ có khả năng mất vốn chiếm chủ yếu tới 2.133 tỷ đồng, ghi nhận tăng 792% so đầu kỳ. Trong số dư nợ có khả năng mất vốn này thì có 1.883 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với nhóm khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5.
Do đó, tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank vọt từ mức 1,02% của đầu kỳ lên tới 6,63%.
Liên quan đến vấn đề này, hồi tháng 2/2020, Kienlongbank đã thông báo lần 2 về chào bán tài sản đảm bảo là gần 176.4 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) với giá khởi điểm 21,600 đồng/cp.
Đây là số cổ phiếu Sacombank thuộc sở hữu của các cá nhân trong nước, được thế chấp tại Kienlongbank nên ngân hàng này muốn rao bán để thu hồi nợ.
Trong lần chào bán này, KienLongBank hạ giá khởi điểm 21,600 đồng/cp, thấp hơn mức giá 24,000 đồng/cp ở lần thông báo trước đó. Tương ứng, tổng giá trị KienLongBank dự kiến muốn thu về khoảng 3.810 tỷ đồng.