Cụ thể, UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Binh đã đình chỉ 2 khu du lịch của bà Hồ Thị Đoan và bà Hồ Thị Đăng (cùng ở xã Ngân Thủy, Lệ Thuỷ) khi tự ý xây dựng khu du lịch sinh thái trên đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ tại xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) để đón khách vào tắm suối Nước Lạnh.
Theo chính quyền địa phương, 2 hộ dân này đã tự ý xây dựng các lán trại, nhà kiên cố trái phép trên đất rừng sản xuất để đón khách vào tắm khe Nước Lạnh, thuộc đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ xã Trường Xuân.
Được biết, một trong hai điểm du lịch trên thuộc đất rừng sản xuất dọc suối Nước Lạnh do ông Nguyễn Văn Xay quản lý, được bà Hồ Thị Đoan thuê lại với thời hạn 10 năm.
Sau khi thuê, bà Đoan không trồng rừng mà xây 2 nhà dài ở bên phải suối Nước Lạnh, phía bờ trái của con suối (thuộc rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh), bà Đoan cho dựng 4 cái lán lớn. Các công trình này đều thuộc “khu du lịch Suối Bản - View Triệu Đô” do bà Đoan tự đặt tên, cho phát quang đường đi để đón khách từ đầu năm 2024.
Theo đó, du khách đến đây phải trả phí gửi xe ô tô 10.000 đồng, mỗi người vào cửa phải nộp cho nhân viên 30.000 đồng. Thời điểm nắng nóng, nơi đây thu hút đến hơn 1.500 khách/ngày.
Trước đó, chiều ngày 30/4, ông Lê T.Đ. (SN 1972, trú xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) được cho là đã đến khu du lịch tự phát thuộc suối Nước Lạnh để tắm, không may đuối nước tử vong. Khi tắm, ông Đ. không mặc áo phao, khu vực này cũng không có lực lượng cứu hộ.
Người đàn ông đuối nước được đưa lên bờ nhưng đã tử vong. |
Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho hay, sáng 1/5, lực lượng chức năng đã đến khu vực người đàn ông đuối nước kiểm tra hiện trường cũng như các hoạt động du lịch ở đây để có phương án xử lý.
Khu vực Khe Nước Lạnh đã được UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép thử nghiệm du lịch. Tuy nhiên đoạn suối xảy ra sự việc đuối nước (hạ lưu khe Nước Lạnh) không thuộc phạm vi được cấp phép khai thác du lịch.
Chủ tịch huyện Quảng Ninh cũng cho biết, vì 2 điểm du lịch này tự phát nên sắp tới chính quyền 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy sẽ làm việc để có phương án xử lý thống nhất trong sử dụng, khai thác ở khu vực giáp ranh này.
Theo Luật sư, Thạc sỹ Nguyễn Văn Đạt (Đoàn luật sư TP Hà Nội), hoạt động kinh doanh du lịch không có giấy phép được quy định tại khoảng d, điểm 14, Điều 7, Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Cụ thể, doanh nghiệp sai phạm sẽ bị phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành không phép. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hạ cho người chịu thiệt hại.