“Các thuật toán của Facebook hoàn toàn có thể định hướng dư luận và chính trị”- ông Francois Chollet, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) của Google và là tác giả của thư viện học tập máy tính nổi tiếng Kreas khẳng định.
Trong một bài đăng trên Twitter được chia sẻ rộng rãi, ông Chollet lập luận rằng Facebook có khả năng “định hướng” người dùng trên phương diện chính trị, mặc dù công nghệ trí tuệ nhân tạo của nó không cần quá tinh vi.
Những dịch vụ như hoàn toàn có thể định hướng suy nghĩ của chúng ta. Ảnh: The Verge. |
Thực tế, cuộc sống của chúng ta ngày một gắn liền với mạng trực tuyến. Vì vậy, theo quan điểm của ông này, Facebook hoàn toàn có thể định hướng suy nghĩ của chúng ta thông qua những gì hiển thị trên bảng tin. Nó gây tác động lên bộ não “tĩnh” của con người.
Công nghệ AI ngày một thông minh, trong khi nhiều người đang muốn lợi dụng nó cho mục đích riêng. Chollet đặc biệt chỉ đích danh Facebook, chứ không phải Google, Amazon hay Apple là kẻ “phá sản về đạo đức” sau những vụ bê bối công ty này gây ra trong suốt thời gian qua.
Ông Chollet cũng bổ sung thêm, rõ ràng Facebook không có sức mạnh chính trị nhưng nó đã gián tiếp can thiệp vào lĩnh vực nhạy cảm này. Dựa vào mạng xã hội, các tổ chức chính trị có thể thao túng người dân. Đây là vấn đề cần giải quyết ngay lập tức, trước khi chúng ta bị chìm đắm trong mù quáng thông tin quá lâu.
Nhưng nếu lật ngược lại vấn đề, Facebook có phải nguồn tin tức duy nhất mà chúng ta tiếp cận? Rõ ràng là không phải. Theo nghiên cứu của Brendan Nyhan, giáo sư khoa học chính trị trường Đại học Dartmouth (Mỹ), “mù quáng thông tin” không thực sự phổ biến như chúng ta nghĩ. Theo nhiều nghiên cứu, nhóm bị tác động thông tin nhiều nhất là nhóm người cao tuổi, mà số này lại ít tiếp cận với Internet. Thay vì đó, nghiên cứu cũng chỉ ra sức tác động của truyền hình còn cao hơn Internet.
Trong một email trả lời The Verge, ông Nyhan khẳng định “nhìn chung để thuyết phục là rất khó. Suy nghĩ của người dân thường khó thay đổi một cách rộng rãi như vậy đối với các vấn đề chính trị quan trọng hay khi bầu cử cho các ứng cử viên vị trí cấp cao.”
Có quá nhiều thứ đang cố gắng tác động lên chúng ta: truyền hình, Internet, quảng cáo, truyền thông, báo chí,… Tất nhiên suy nghĩ, quan điểm của chúng ta ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Nhưng theo nhà tâm lý học Jonathan Haidt, nhiều khi niềm tin của con người là cảm xúc và trực quan. Tự bản thân chúng ta đưa ra những lý do để phủ nhận thực tế.
Thật lạ là người ta chỉ chỉ trích mỗi Facebook. Trong khi rõ ràng nội dung trên Facebook mang tính cá nhân hơn YouTube rất nhiều. Google, Amazon hay những hãng khác không bị lôi vào vụ bê bối bầu cử này, nhưng không có nghĩa là công nghệ của họ không có chút can thiệp nào.
Thuật toán tìm kiếm phổ biến của Google hiện nay có thể phần nào vô tình tác động tới các sự kiện chính trị. Những kết quả tìm kiếm, câu trả lời giả mạo, thu thập dữ liệu người dùng có thể giúp các công ty này cung cấp quảng cáo thương mại dựa trên dữ liệu đó.
Chương trình Alexa của Amazon có thể truy cập vào những dữ liệu cá nhân của người dùng. YouTube cũng vậy, nó không những chứa một số nội dung độc hại mà còn đề xuất những tìm kiếm mang tính cực đoan.
Điều này dễ hiểu tại sao bài chia sẻ của Chollet (một người nhà của Google) được chia sẻ rộng rãi đến thế. Facebook không có quyền lực mạnh mẽ đến vậy. Nếu có, thì các công ty công nghệ khác như Google, Amazon cũng hoàn toàn có thể làm những điều tương tự.
Tóm lại, dù có đổ lỗi cho Facebook hay bất kỳ ứng dụng nào, thì cách tốt nhất để bảo vệ mình khỏi những “định hướng” tiêu cực là bảo vệ thông tin cá nhân và hạn chế chia sẻ dữ liệu riêng tư. Bởi có thể một ngày nào đó, chính những thông tin vô tình chia sẻ ra bên ngoài lại là nguồn dữ liệu chống lại chúng ta.