Theo tờ Wantchina Times đưa tin hôm 17/9 cho hay, Quân đội Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận trên không lớn nhất từ trước tới nay, tại một căn cứ nằm ở một sa mạc phía tây bắc Trung Quốc hồi đầu tháng này. Được biết, cuộc tập trận là nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng phi công lái máy bay chiến đấu của nước này.
Tiêm kích J-10 tham gia cuộc tập trận. |
Kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho hay, có tổng cộng 170 phi công máy chiến đấu đến từ 19 trung đoàn không quân và từ 7 Đại quân khu tham gia vào cuộc tập trận trên. Bên cạnh đó, Quân đội Trung Quốc đã điều động hơn 100 máy bay các loại bao gồm: J-10, J-11, Su-27 và Su-30MKK.
Xu Liqiang – Phó chỉ huy một trung đoàn không quân máy bay chiến đấu nói với CCTV rằng, ông này đã bay cặp với một phi công trẻ khác trong một phần hoạt động trong cuộc diễn tập trên. Khả năng của các phi công chiến đấu sẽ được đánh giá qua các bài bay cặp trên không trong nhiều nhóm nhiệm vụ khác nhau như: tác chiến tầm xa, tác chiến tầm trung hay tác chiến tầm gần và tác chiến điện tử trên không.
Không quân Trung Quốc tuy sở hữu nhiều máy bay chiến đấu, nhưng vẫn bị đánh giá có kinh nghiệm kém hơn nhiều nước khác trong khu vực. |
Các phi công cũng sẽ được học cách xử lý các tình huống trên không, khi máy bay của họ được mang theo đầy đủ vũ khí. Tất cả 170 phi công sẽ cạnh tranh với nhau trong suốt cuộc tập trận trên, nhằm tìm ra người sẽ giành được danh hiệu mũ bay vàng. Một phần thưởng danh giá của Không quân Trung Quốc trao tặng cho phi công máy bay chiến đấu xuất sắc nhất.
Phần thưởng Mũ bay vàng được trao lần đầu tiên vào năm 2011, và tiếp theo sau đó đã có 11 phi công máy bay chiến đấu Trung Quốc được trao danh hiệu trên vào năm 2012. Vào năm 2013 chỉ có 8 phi công dành được danh hiệu này trong tổng số 128 phi công. Đại Quân khu dành được danh hiệu Mũ bay vàng nhiều nhất là Thẩm Dương, dựa theo kết quả mà Không quân Trung Quốc công bố.
Trong những năm gần đây Không quân Trung Quốc không ngừng tăng cường huấn luyện phi công máy bay chiến đấu của mình với các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn trước. Việc này nhằm đuổi kịp trình độ với các phi công lái máy bay chiến đấu của Phương Tây, đặc biệt là Mỹ.