Không đâu ứng cử vào Quốc hội dễ như Việt Nam

Nhiều ý kiến băn khoăn về sức khỏe, tâm lý của ứng viên ĐBQH, việc tự ứng cử và cơ cấu bầu cử trong phiên làm việc ngày 5/11 của Quốc hội.

Trong phiên làm việc chiều 5/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân (HĐND).
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng để lựa chọn được đại biểu chất lượng thì cần từ hai phía, tổ chức đề cử và người đi bầu cử.
Cử tri cần được biết thông tin đầy đủ về các ứng cử viên để sau khi bầu không phải ân hận vì mình đã bầu nhầm người không xứng đáng.
Vì vậy, cần quy định rõ hình thức thông tin, tuyên truyền làm sao vừa bình đẳng giữa các ứng cử viên, vừa đầy đủ và trung thực thông tin đến với cử tri, nhất là cử tri vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) nói ông không thấy khác nhau mấy giữa tiêu chuẩn ứng cử Quốc hội với HĐND cấp xã. “Như vậy là không ổn, từng cấp phải có quy định tiêu chuẩn khác nhau”. Theo ông Lịch, tiêu chuẩn bầu cử được đề cao nhất là sự trung thành với Đảng, với nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.
 Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.
“Không nơi nào tự ứng cử dễ dàng như ở VN”
Về việc tự ứng cử, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị quy định rõ tiêu chuẩn người tự ứng cử.
“Những người được đề cử thì do các cơ quan, tổ chức đảm bảo; người tự ứng cử thì ai sẽ đảm bảo, sẽ chịu trách nhiệm, trừ chính người đó?” - bà Hà đặt vấn đề.
Cùng vấn đề này, ông Phạm Quang Nghị - bí thư Thành ủy Hà Nội - nhận xét: “Có thể nói rằng không nơi nào mà thủ tục tự ứng cử lại dễ dàng như ở VN”.
Ông Nghị cho rằng với những người được đề cử thì đã qua quá trình sàng lọc, có các tổ chức, đơn vị giới thiệu đánh giá về tư cách đạo đức, năng lực trình độ, phẩm chất.
Nhưng với người tự ứng cử thì chỉ do họ tự cảm nhận thấy mình đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội rồi nộp hồ sơ thì được ghi tên.
“Trên thế giới, người tự ứng cử phải thu thập được bao nhiêu chữ ký theo quy định thì mới đủ điều kiện vào danh sách bầu cử. Có những nước quy định ứng cử viên phải có nghĩa vụ tài chính, tức là nộp một khoản chi phí tài chính phục vụ bầu cử nếu như anh không vượt qua được một tỉ lệ phiếu nào đó” - ông Nghị cho biết.
Ông Nghị khẳng định việc quy định tự do ứng cử là tiến bộ, dân chủ nhưng cần phải nghiên cứu để quy định tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục chặt chẽ, nhằm lựa chọn được những người tốt nhất để cử tri bầu ra đại biểu cho mình.
Đừng bắt gánh quá nhiều cơ cấu
Bà Trương Thị Mai (chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng cơ cấu là một trong những tiêu chí cần thiết trong việc bầu cử Quốc hội, nhưng vấn đề là trong cơ cấu phải lựa chọn được người tốt nhất đại diện cho cơ cấu đó thì mới đáp ứng được mong mỏi của người dân.
“Một người gánh quá nhiều cơ cấu gánh sao nổi. Mà có khi gánh nhiều quá thì lại... rớt. Mà người ta cũng tự hỏi tại sao cùng lúc mình phải gánh nhiều như vậy, nào là trẻ, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, y tế, giáo dục. Cho nên một người chỉ nên gánh từ hai cơ cấu trở xuống” - bà Mai nói.
Đại biểu Ngô Đức Mạnh (phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) cho biết một trong những điểm mới của dự thảo luật là quy định việc thành lập hội đồng bầu cử quốc gia.
Theo ông Mạnh, Hiến pháp cũng đã quy định hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
Đồng tình với việc thành lập hội đồng bầu cử quốc gia, tuy nhiên ông Mạnh băn khoăn dự thảo luật chưa quy định rõ hội đồng này hoạt động thường xuyên hay kiêm nhiệm? “Theo tôi đã đến lúc chúng ta cần có một cơ quan bầu cử chuyên môn, độc lập.
Có ý kiến nói là năm năm chỉ bầu cử một lần, nếu thành lập cơ quan chuyên trách thì lãng phí. Tuy nhiên việc tổ chức bầu cử năm năm một lần chỉ là một trong những nhiệm vụ của hội đồng, ngoài ra hội đồng còn có các nhiệm vụ khác” - ông Mạnh nói.
Ông Mạnh giải thích hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ chính là tổ chức bầu cử năm năm một lần.
Ngoài ra hằng năm xuất hiện những đơn vị bầu cử bị khuyết đại biểu do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như bị Quốc hội bãi miễn, không đủ sức khỏe để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đại biểu... chính vì vậy cần có hội đồng để đứng ra tổ chức bầu cử ở những đơn vị khuyết đại biểu.
Việc bầu cử bổ sung đó sẽ giúp cử tri ở các đơn vị khuyết đại biểu tiếp tục có người đại diện cho mình ở cơ quan dân cử, tạo sự công bằng giữa các đơn vị bầu cử.
Ứng cử viên phải được khám sức khỏe tâm thần
Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã dành khá nhiều thời gian để thảo luận vấn đề tiêu chuẩn về sức khỏe và tâm lý của ứng cử viên đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Trần Du Lịch đánh giá: “Nếu cứ chung chung thế này thì một người mới từ bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được”. Bà Phạm Khánh Phong Lan (phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) đề nghị ứng cử viên phải khám sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải luật hóa về tiêu chuẩn sức khỏe. “Khám sức khỏe để ứng cử đại biểu Quốc hội không phải như khám để thi bằng lái xe. Tôi đề nghị phải trắc nghiệm về trình độ, thần kinh, tâm lý. Sau đó đạt chuẩn mới cho ứng cử” - ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa nói nhiệm kỳ Quốc hội năm năm là rất dài, nếu thần kinh, tâm thần không ổn định sẽ rất khó lường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau đó, bà Phạm Khánh Phong Lan nói cần có những bài kiểm tra của các chuyên gia tâm lý với ứng cử viên, để đảm bảo rằng tinh thần, thần kinh họ luôn vững vàng, hạn chế những xáo trộn do lời nói, hành động tại Quốc hội khi gánh trên mình trọng trách đại diện cho cử tri.
Đại biểu Võ Thị Dung (chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM) cũng nói trong quá trình làm công tác hiệp thương, bà đã gặp không ít trường hợp bị bệnh, tâm thần không ổn định đi ứng cử. Khi phát hiện kịp thời thì cũng loại được, nhưng vì không có quy định nên buộc phải chờ ý kiến từ tổ dân phố, nơi công tác, rất mất thời gian và dễ bị kiện cáo nếu làm không khéo léo, tế nhị.

Quốc hội Việt Nam có thêm chức danh Tổng thư ký

Dự thảo Luật quy định chức danh Tổng thư ký Quốc hội thay cho Đoàn thư ký kỳ họp hiện nay. Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu.

Theo Chủ nhiệm VP Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, mô hình này đã có từ trước, nay là tái lập lại, đây chính là hòa nhập sâu với thế giới. Mô hình này là chung của thế giới, còn nội hàm thì mỗi nước khác nhau.

Sáng nay, 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp cho ý kiến về dự thảo Luật tổ chức Quốc hội. Theo ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội thì Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2013) có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội nên yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật tổ chức Quốc hội cho phù hợp.

Dự thảo Luật quy định đại biểu Quốc hội không quá 500 người.
Dự thảo Luật quy định đại biểu Quốc hội không quá 500 người. 
Một số quy định của Luật hiện hành về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội còn quá chung, tính khả thi còn thấp, như việc trình dự án luật, kiến nghị về luật của đại biểu Quốc hội, việc đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng, việc bỏ phiếu tín nhiệm, việc tổ chức trưng cầu ý dân...

Dự thảo Luật quy định chức danh Tổng thư ký Quốc hội thay thế cho Đoàn thư ký kỳ họp hiện nay. Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, giúp cho Tổng thư ký Quốc hội có các Ủy viên thư ký. Tổng thư ký Quốc hội là người phát ngôn của Quốc hội, có nhiệm vụ tham mưu dự kiến chương trình, kế hoạch và chỉ đạo tổ chức phục vụ các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cuộc họp do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức, đồng thời là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội.

Theo ông Phan Trung Lý, việc lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội thực chất là sắp xếp, bố trí lại công việc cho hợp lý hơn; tổ chức của Văn phòng Quốc hội không thay đổi, không kéo theo việc tăng tổ chức và nhân sự, bảo đảm gắn kết giữa các bộ phận của bộ máy giúp việc để phục vụ tốt hơn hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Mô hình này cũng tương tự như mô hình tổ chức bộ máy giúp việc nghị viện của nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, quy định Tổng thư ký là mới nhưng nội hàm chưa có gì cả, cần phải xem xét thêm. Tuy nhiên theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì mô hình này đã có từ trước nay là tái lập lại, đây chính là hòa nhập sâu với thế giới. Mô hình này là chung của thế giới, còn nội hàm thì mỗi nước khác nhau.

Góp cho ý Điều 33 cho dự thảo Luật việc quy định công dân có thể tham dự các kỳ họp công khai của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đặt câu hỏi liệu quy định trên là tiến bộ nhưng vấn đề liệu có thực hiện được không. Cũng cho ý kiến về Điều 33, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng dùng từ khách mời tham dự kỳ họp quốc hội là không phù hợp. "Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, thành viên Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước được mời dự các kỳ họp Quốc hội đều do Quốc hội bầu, dùng từ khách nghe xa lạ quá" - ông Hiển nêu quan điểm.

Về quy định công dân tham dự các kỳ họp công khai của Quốc hội, ông Hiển cho rằng tham dự là được quyền phát biểu, có ý kiến, nên dùng từ dự khán, để theo dõi như vậy sẽ phù hợp hơn.

Ngày đầu Quốc hội họp tại hội trường Diên Hồng

Gần 500 đại biểu Quốc hội nhóm họp trong hơn một tháng tại Nhà Quốc hội để bàn về nhiều vấn đề kinh tế - xã hội trọng đại của đất nước.

Sáng 20/10, trước giờ khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các đại biểu và đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 Sáng 20/10, trước giờ khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các đại biểu và đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đọc nhiều nhất

Tin mới