Tốt nghiệp đại học, tôi giữ lời hứa về quê đón Út lên thành phố. Mấy đứa em giữa tôi và Út học hành dở dang rồi đi làm công nhân, nên tôi hứa với ba má là sẽ cho Út học hành tới nơi tới chốn.
Năm đó út mới học lớp 9. Kế hoạch của tôi là năm cuối cấp II Út cố gắng bắt kịp áp lực học hành của học trò thành phố để sang năm thi được vào trường cấp III công lập. Lương cử nhân mới ra trường mà đủ thứ tiền phải chi nên ngoài tám tiếng ở cơ quan, tôi phải làm thêm đủ thứ như thời sinh viên, dạy kèm và cả dọn dẹp nhà cửa theo giờ…
Ban đầu, chưa quen với phòng trọ chật chội và thấy tôi vất vả, lại thêm nhớ nhà, Út khóc hoài, điện thoại cho ba má mà cứ thổn thức… Rồi tôi nghe Út khoe “chị Hai đi làm mặc váy đẹp lắm, xức nước hoa thơm phức” mà không kể về công việc dọn dẹp nhà cửa. Tôi mừng vì biết út đã “bắt nhịp” được rồi, biết cách nói cho ba má yên lòng.
Ảnh minh họa. |
Anh là con của bà chủ nhà tôi vẫn đến dọn dẹp theo giờ từ thời còn sinh viên. Coi như chúng tôi biết nhau đã lâu, chẳng cần phải tìm hiểu thêm gì nữa, cả mẹ anh cũng biết rõ về tôi. Tôi e ngại về khoảng cách giàu nghèo thì mẹ anh khen tôi có ý chí và nghị lực.
Được yêu và được trân trọng, tôi thấy mình may mắn. Tuy nhiên, cưới nhau rồi, tôi mới biết anh khá chi ly. Nghĩ là có anh thì cuộc sống không cần phải tính toán từng chút, tôi tự cho phép mình chăm sóc Út thoải mái hơn. Ngoài đồng phục đi học, tôi sắm thêm cho Út vài bộ váy áo, vì Út cũng đã lên lớp 11 rồi, tới tuổi thích xí xọn với bạn bè rồi. Trong khi tôi tự hào ngắm em mình xinh xắn hẳn lên trong bộ váy áo đẹp thì anh cau mày. Chiếc xe máy anh mua cho tôi, mỗi khi Út đụng tới là anh nói “chưa đủ tuổi”. Lý do rất chính đáng đó vang lên bằng giọng mà người nghe cần phải hiểu theo cách khác. Khi Út ôm hộp quà hớn hở đi dự sinh nhật bạn, anh nói như bâng quơ: “Út không giống em hồi đó”.
Hồi đó quá thiếu thốn nên tôi đành chịu, còn bây giờ… Tôi muốn nói với anh nhưng lại thôi. Các chị trong cơ quan tôi thường kể chuyện chồng con và câu nói hay lặp đi lặp lại là “giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”, rồi tự an ủi “nhân vô thập toàn”.
Cuộc sống bươn chải từ rất sớm đã giúp tôi biết cách làm hài lòng người khác. Khi có anh ở nhà, tôi thường làm ra vẻ bận rộn, sai Út làm việc này việc kia, cho anh thấy nếu không có Út thì người phải xăn tay áo lên mà làm những việc đó chính là anh. Đến khi tôi có thai, Út thật sự là người cáng đáng mọi việc. Những cơn nôn mửa dữ dội khiến tôi không thể vào bếp. Đi làm về, thấy tôi nằm bẹp trong phòng, Út vội cất cặp sách lao vào bếp, làm món này cho bà bầu dễ ăn, món kia anh rể thích… Rồi thì liên miên những công việc không tên trong nhà… Trong khi tôi lo lắng Út không có thời gian để học bài thì anh tỏ vẻ dễ chịu hơn, thấy Út mượn máy tính của tôi, anh không còn nhăn mặt nữa, còn vui vẻ chỉ dẫn cách sử dụng phần mềm mới cài đặt.
Khuya, khi anh ngủ say, tôi ứa nước mắt nhìn em mình dụi mắt vì vừa ngủ gục bên bàn học. Bỗng thấy hối hận vì đã lấy chồng. Nếu biết thế này thì để lo cho em học xong tôi mới lập gia đình. Mấy bà mấy chị ở cơ quan tôi kể chuyện gia đình họ bao giờ cũng có nỗi buồn, niềm vui. Tôi có niềm vui là an tâm về anh, vì anh không rượu chè đàn đúm bạn bè, tiền lương và cả những khoản làm thêm đều đưa hết cho tôi cất giữ. Mẹ anh lại rất tốt với con dâu. Em tôi không được nhẹ nhàng như tôi mong muốn, nhưng so với ở quê vừa đi học vừa làm ruộng, đường học hành cứ mười đứa thì hết bảy tám dở dang, thì em tôi như thế cũng đáng được gọi là. Tôi tự cân đo, đong đếm với mình như thế và thấy thương chồng hơn. Đặt anh lên bàn cân, phần khiến tôi buồn luôn ở phía nhẹ hơn.
Rồi tôi tính chuyện bù đắp cho em mình. Tiền lương của tôi anh biết, chi tiêu hàng ngày thế nào anh cũng biết. Nhưng, là đàn bà, tôi cũng biết cách dành dụm riêng nhờ những khoản nhỏ xén ra từ tiền chợ mỗi ngày. Tôi đã tưởng tượng đến ngày Út vào đại học, tôi sẽ gom đủ để tặng cho em một món quà xứng đáng.