Thị trường chứng khoán 7/3 có phiên tăng điểm nhờ lực cầu đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Lực đỡ từ nhóm cổ phiếu lớn giúp VN-Index thành công lấy lại mốc 1.030 điểm và đóng cửa tăng gần 11 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường cải thiện rõ rệt khi giá trị khớp lệnh trên HoSE vượt 7.000 tỷ đồng, tương đương tăng 15% so với phiên hôm trước.
Kết phiên, VN-Index tăng gần 11 điểm (+1,04%) để tiến lên mốc 1.037 điểm. Sắc xanh bao phủ với mã giảm 430 mã tăng điểm, áp đảo so với mã giảm.
Sau 14 phiên bán ròng liên tiếp, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trong phiên thị trường hồi phục với tổng giá trị gần 206 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Khối ngoại đã quay trở lại mua ròng. |
Riêng trên HoSE, khối ngoại quay đầu mua ròng với giá trị mua ròng trên 158 tỷ đồng, tập trung gom các mã như STB, HDB, HSG, NKG và SSI. Ở chiều ngược lại, HPG, VND, TPB, KBC lại bị khối này bán mạnh.
Nhiều khả năng dòng tiền khối ngoại đến từ quỹ Fubon vì trước đó theo thông báo của Fubon, Fubon FTSE Vietnam ETF đã nộp hồ sơ niêm yết bổ sung cho cơ quan quản lý, và có hiệu lực trong ngày 6/3. Đây là đợt huy động vốn thứ 5 của Fubon FTSE Vietnam ETF để giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Số lượng chứng chỉ quỹ huy động thêm của Fubon FTSE Vietnam ETF trong đợt này là 333.333.333 tương đương số tiền là 5 tỷ tân Đài tệ, quy đổi ra hơn 163 triệu USD (3.863 tỷ đồng).
Về danh mục đầu tư của Fubon, ba mã chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của quỹ là HPG, VIC, VNM với tỷ lệ trên 10%. Những mã khác nằm trong top10 có VHM, VCB, MSN, VRE, SSI, VJC và STB.
Chuyên gia vẫn lo ngại đà tăng của thị trường
Dù VN-Index tăng mạnh trong phiên nhưng theo các chuyên gia của Chứng khoán SHS, hiện tại thị trường chứng khoán đang cần một giai đoạn tích lũy khá dài trước khi hình thành một uptrend (xu hướng tăng) mới.
Theo các chuyên gia, tín hiệu giảm lãi suất của các nhà băng tích cực nhưng chưa thực sự rõ ràng. Trong khi đó, dù có các chính sách mới nhưng ẩn số đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể định lượng và tiềm ẩn rủi ro.
Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với các vấn đề như nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát cao và lãi suất tiếp tục tăng, cuộc xung đột Nga-Ukraine có xu hướng leo thang...
Do đó, "Kịch bản thị trường đi vào khu vực tích lũy là khá hợp lý khi mặt bằng giá cổ phiếu cũng đã giảm khá sâu và trở nên hấp dẫn nhưng động lực tạo uptrend chưa hình thành. Với trạng thái tích lũy dần như hiện tại của thị trường sẽ phù hợp các nhà đầu tư trung - dài hạn với chiến lược giải ngân dần", các chuyên gia SHS khuyến nghị.