"Tôi không cảm thấy mình là người hùng. Tôi đã có mặt ở đó vào đúng thời điểm và tôi cần phải làm điều này".
Matthew Ubl và Mark Burgess đã đưa ra cùng một câu trả lời sau khi đều được mệnh danh là những "anh hùng đời thực" vì hành động cứu người của mình.
Năm 2015, Mark Burgess đã giải cứu một bé gái 6 tuổi và bé trai 11 tuổi mắc kẹt trong phòng ngủ khi căn hộ của họ ở Beaconsfield, vùng ngoại ô của Mackay (Australia) chìm trong biển lửa.
Còn Matthew Ubl đã nhận được Huân chương khen thưởng của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ vì nỗ lực thực hiện hô hấp nhân tạo trong 15 phút cho một người dân không rõ danh tính, bất tỉnh, góp phần cứu sống người này vào năm 2019.
Cuộc sống của các "anh hùng đời thường" không thể giống trong phim truyện. Ảnh: Warner Bros. |
Cả Matthew Ubl và Mark Burgess đều từ chối nhận danh xưng người hùng hay siêu nhân bởi khái niệm này gắn liền với hành động phi thường, trách nhiệm, sự hy sinh, thường đưa đến sự chú ý và gánh nặng không mong muốn.
Khác với phim ảnh, sách truyện, việc khoác tấm áo choàng siêu anh hùng lên một người bình thường có thể khiến cuộc sống của họ hoàn toàn đảo lộn, đôi lúc theo chiều hướng tiêu cực.
Giữa năm 2018, cuộc giải cứu đội bóng nhí Lợn Hoang mắc kẹt trong hang động Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai, Thái Lan thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Với một nhóm cứu hộ hơn 150 người, việc đưa 12 cầu thủ và huấn luyện viên của đội bóng ra khỏi hang được mô tả là một trong những chiến dịch khó khăn và nguy hiểm nhất.
Sau vô vàn nỗ lực, chiến dịch giải cứu 18 ngày đã thành công mỹ mãn, toàn bộ thành viên đội bóng đã được cứu sống.
Những người thợ lặn, đội cứu hộ, trong đó có nhiều chuyên gia giải cứu đến từ nước ngoài, trực tiếp tham gia vào chiến dịch đều được ca ngợi là người hùng. Tuy nhiên, bên cạnh những lời tung hô, họ từng phải đối mặt với vô số áp lực, chỉ trích dù chấp nhận hy sinh mạng sống để cứu người.
Đội cứu hộ nỗ lực giải cứu đội bóng đá Thái Lan mắc kẹt trong hang động. Ảnh: Getty. |
Trong ngày thứ 15 của chiến dịch, Thống đốc tỉnh Chiang Rai Narongsak Osatanakorn khuyến cáo các "anh hùng bàn phím" Thái Lan không nên bình luận khi chưa nắm rõ về thực tế tại hiện trường.
"Chúng tôi chỉ có thể nói sẽ hết sức cố gắng để tình huống xấu nhất không xảy ra, mong bà con và đặc biệt những 'krian keyboard' (krian trong tiếng Thái nghĩa đen là đầu gấu, còn keyboard tiếng Anh nghĩa là bàn phím), những người chưa bao giờ đến hiện trường thực nghiệm, hãy theo dõi tin tức một cách tỉnh táo và thông cảm cho khó khăn của chúng tôi", ông Narongsak Osatanakorn nói.
Vernon Unsworth - một trong những thợ lặn được ca ngợi là anh hùng khi tham gia giải cứu đội bóng Thái Lan - từng nhận nhiều ý kiến trái chiều trong giai đoạn đầu của chiến dịch ứng cứu.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, tỷ phú Elon Musk nghi ngờ mục đích cá nhân của ông Unsworth khi đến Thái Lan và gọi thợ lặn 66 tuổi là "kẻ ấu dâm".
Bài đăng bị coi là phỉ báng của tỷ phú Elon Musk được viết vào giữa tháng 7/2018, sau khi ông Unsworth chỉ trích ông chủ Tesla "tạo chiêu trò thu hút truyền thông" bằng cách đề nghị dùng tàu ngầm mini giải cứu đội bóng nhí.
Trong thời kỳ dịch bệnh, danh xưng "người hùng" đang được sử dụng phổ biến hơn bao giờ hết. Nó được dùng để chỉ những bác sĩ, y tá tuyến đầu, những người giao hàng cho đến các tài xế xe buýt, nhân viên tạp hóa làm việc xuyên dịch.
Với danh xưng "người hùng", chúng ta muốn thể hiện sự tôn vinh, trân trọng đối với những người phải làm công việc nguy hiểm, lắm rủi ro trong mùa dịch. Thế nhưng, cùng lúc đó, họ đang buộc phải khoác lên mình tấm áo trách nhiệm quá lớn lao.
Là một phần của đội y tế tại Bệnh viện Mount Sinai ở thành phố New York (Mỹ), nơi đã trải qua đợt bùng phát tồi tệ nhất vào giữa năm 2020, KP Mendoza phải làm việc đến kiệt sức mỗi ngày để cứu sống các bệnh nhận Covid-19 trong điều kiện thiếu thốn đồ bảo hộ.
Trên mạng xã hội, y tá 25 tuổi cùng các đồng nghiệp của anh được ngợi ca như những "vị cứu tinh". Thế nhưng, với anh tất cả những thứ đó chỉ là vô nghĩa.
"Tôi không phải là anh hùng. Tôi chưa sẵn sàng để chết", Mendoza nói.
Cùng lúc đó, Jillian, một y tá ở Brooklyn, đã mang theo tấm biển lớn có nội dung: "Xin đừng gọi tôi là anh hùng" để tham gia một cuộc biểu tình tại Harlem.
Nhân viên y tế tuyến đầu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm lý trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty. |
"Tôi đã thấy nhiều người gọi các y bác sĩ và nhân viên chăm sóc sức khỏe nói chung là 'anh hùng'. Tôi hiểu tình cảm mọi người dành cho chúng tôi và biết rằng hầu hết đều có mục đích tốt. Nhưng luận điệu này cho phép nhiều người chấp nhận rằng cái chết của các nhân viên y tế là điều không thể tránh khỏi trong đại dịch", Jillian nói.
Với Jillian, Mendoza và rất nhiều nhân viên y tế tuyến đầu khác, những cách gọi như "người hùng", "thiên thần", "siêu nhân"... chưa bao giờ là thứ họ mong muốn. Thứ họ cần là các thiết bị y tế, đồ bảo hộ để có thể cứu người và bảo vệ bản thân.
Theo Tiến sĩ Esther Murray, Đại học Queen Mary ở London, mọi người nên hạn chế dùng những danh xưng trên để ca ngợi một cá nhân bình thường.
"Những cái mác 'anh hùng' và 'thiên thần' mà chúng ta dùng rất có vấn đề vì chúng khiến người ta phải tình nguyện hy sinh, giống như một anh hùng, nhưng thực tế họ không muốn làm vậy.
Là con người ai cũng sợ hãi nhưng khi ta gọi một người là 'anh hùng', ta đã tước đi cảm xúc đó. Không đạt được kỳ vọng, họ tự coi mình là kẻ hèn nhát, đổ lỗi cho bản thân", bà Murray nói với The Independent.
Trong khi đó, Matthew Lewis, Zac M. Willette, Brian Park - đồng tác giả bài viết Calling health care workers 'heroes' harms all of us - nhận định: "Chúng ta gọi một người là anh hùng vì chúng ta, không phải vì họ. Vì vậy, xin hãy thay đổi ngôn ngữ của bạn: Hành động có thể là anh hùng, nhưng con người vẫn chỉ là con người mà thôi".