Phật tử chùa Thiên Khánh hỏi: Khi dâng hương cúng Phật, nên thắp nhiều hay ít? Ý nghĩa của việc thắp hương cúng Phật?
Thầy trả lời: Lời nguyện hương nhằm biểu tỏ lòng tôn kính và dâng cúng lên đức Phật, chính là hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát và hương giải tri kiến. Nếu có thắp hương chỉ một cây duy nhất là tốt, không cần phải thắp nhiều chỗ, vì nhang bây giờ tẩm hóa chất nên rất độc hại. Người phật tử không biết thì nhà chùa phải hướng dẫn đúng pháp. Năm loại hương này đức Phật đã thể nhập nên Người đã an nhiên tự tại trước mọi biến cố của cuộc đời. Đây là hương thơm do tu tập mới có được.
Ảnh minh họa. |
Ngày hôm nay phật tử nhất là người Hoa khi đến chùa thường đem cả bó nhang ra đốt sạch, để cầu phước, cầu tài, cầu lộc. Khi đốt nhiều nhang như thế phước đâu chăng thấy mà chỉ thấy khói nhang mù mịt làm ảnh hưởng người đến chùa, phải hít các chất độc hại vào. Ngoài việc phung phí vài ba trăm ngàn, chúng ta còn mang lại rất nhiều sự nguy hiểm bởi chất độc từ khói nhang sẽ làm cho ta đau phổi, ung thư và bao nỗi khổ niềm đau cho người khác. Vậy cúng nhang điện tử có được không?
Ngày xưa Phật dạy là hương đạo đức, hương từ bi, hương tuệ giác để ta biết cách tu học mà ngày càng hoàn thiện chính mình để không lầm đường lạc lối. Bước đầu của việc tu học là giữ giới, gọi là hương giới, người sau vì phương tiện mà trở thành tín ngưỡng dân gian. Chúng tôi có duyên giáo hóa ở các tỉnh miền Bắc, mới thấy nhiều tắc trách trong việc đốt nhang thần thánh hóa. Kẻ kinh doanh lợi dụng lòng mê tín của nhiều người, họ chế ra hương vòng có tẩm hóa chất, khi nén nhang này đốt rồi nó sẽ cuốn vòng tròn trở lại mà không rớt ra, để cho người mê tín tin rằng có thần Phật về chứng giám. Tôi thấy có một chùa nọ, cứ vài ngày là chở đầy một xe nhang vòng để đi bán trở lại vì lượng người cúng loại nhang này quá nhiều. Thật đau lòng, xót dạ Phật pháp ngày càng suy đồi, tu sĩ tuyên truyền mê tín làm lẻ sống, phật tử mê mờ chẳng biết lối đi. Vậy mà mấy ông thầy này nắm hết các chức vụ lớn trong Phật giáo từ cấp tỉnh tới huyện theo hệ thống “thầy trò”.
Chính yếu của việc thắp nhang là đốt nén tâm hương, trong đó người tu phải giữ giới pháp trong sạch tinh nghiêm, kế đến là hương định. Có giữ giới trong sạch thì mới thiền định được, giới còn phạm bởi những toan tính trù dập người khác vì họ không y chỉ mình. Có giới có định tĩnh thì sẽ phát sinh trí tuệ nên gọi là huệ hương, nhờ vậy mới biết xả phiền não tham sân si mạn nghi và ác kiến, khi đó gọi là hương giải thoát. Nhưng mà còn phải xả cái kiến chấp về cái thấy của mình gọi là hương giải thoát tri kiến.
- Năm món diệu hương để cúng Phật
Cúng Phật có hai loại hình tướng: Hình tướng bên ngoài cúng Phật gọi là sự và hình tướng bên trong cúng Phật gọi là lý. Hình tướng bên trong cúng Phật là dùng năm món diệu hương để cúng Phật như sau:
Hương giới nghĩa là oai nghi, là hình tướng của người tu theo đạo Phật, từ cư sĩ cho đến người xuất gia tùy theo khả năng mà phát giữ gìn giới phẩm thanh tịnh. Cư sĩ tại gia có thể phát nguyện, giữ năm giới, mười giới hay cao hơn nữa là giới hạnh Bồ tát. Tỳ kheo tăng 250 giới, Tỳ kheo ni 347 giới.v..v
Hương giới được thể hiện qua hình tướng từ cách đi, đứng, nằm, ngồi, ăn nói của mình sao cho hợp với oai nghi giới luật của mình. Người muốn cho tâm an, tinh thần vững chãi, trước phải có hình tướng điềm đạm trang nghiêm, nếu hình tướng còn lăng xăng thì tâm rất khó bề yên định nơi một chỗ. Cho nên được gọi là hương giới nhằm để kềm chế cho hình tướng được nghiêm chỉnh. Chính vì vậy, giới Phật không cho Tỳ kheo vừa đi vừa nhảy, không cho đi ngó bên này liếc bên kia. Đi đứng phải nghiêm trang, từng bước an lạc thảnh thơi vững chải, mắt lúc nào cùng hướng về phía trước nhìn ngay ngó thẳng. Nhờ giữ giới thanh tịnh cho nên tâm ta ít loạn động.
Hương định là gì? Định là nghĩa chẳng loạn vì tâm đối cảnh mà không dính mắc ta, người, chúng sinh. Nghe nói định chúng ta cứ tưởng có cái gì lạ, nhưng thật ra khi tâm ta hòa nhập với câu niệm Phật Bồ tát hay hơi thở hoặc là không dấy niệm, không khởi nghĩ đó là định. Chúng ta nên nhớ chừng nào tâm không loạn là được định, đó là chân lý.
Hương tuệ là do sự quán chiếu mà được nên chúng ta có nhận thức đúng đắn, thấy biết đúng như thật. Thấy biết đúng như thật gọi là hương tuệ phát sáng.
Nhờ giữ giới trọn vẹn thì các pháp ác không xâm nhập nổi. Nhờ giữ giới nên chúng ta dần hồi giảm bớt tham lam, sân hận và, si mê. Từ đó chúng ta phát sinh định lực nên ta biết hổ thẹn khi lỡ làm điều gì trái và không ganh ghét tật đố đối với mọi người. Ta biết mở lòng giúp đỡ người khác khi cần thiết.
Khi hương tuệ phát sinh ta sẽ thấy biết đúng như thật nên các kiến chấp về phiền lần hồi rơi rụng hết, cho đến những kiến chấp về ta người chúng sinh thọ giả cũng tan biết trong tâm ta, nhờ vậy tâm ta thanh tịnh sáng suốt trong sáng mà không còn nghi ngờ gì nữa.
Hương tuệ cúng Phật là mỗi hành giả biết văn tư tu. Văn huệ là chúng ta biết lắng nghe lời chỉ giải quý báu của chư Phật và các bậc hiền Thánh Tăng, tư huệ là đem những lời quý báu nói trên ra suy xét, nghiền ngẫm, biết thế nào là phải quấy, đúng sai, thật giả, tu huệ là buông xả hết phiền não tham sân si.
Hương giải thoát cúng Phật là chúng ta phá trừ được ngã chấp, nên giải thoát bao mê lầm của luân hồi sinh tử khổ đau. Chúng ta phải luôn luôn quán vô ngã, không nhận thấy thân này là mình, là tôi, là ta cũng không nhìn cái ý thức phân biệt là mình, để chúng ta hoàn toàn thoát ly vòng luân hồi sống chết trong vô tận.
Hương giải thoát tri kiến là khi hành giả đã phá được ngã chấp rồi, nhưng vẫn còn dính mắc ở pháp tu mình là thật. Mỗi hành giả thành tựu 5 loại hương này thì an nhiên tự tại mà đóng góp cho nhân loại với tinh thần tốt đạo đẹp đời.