Bão Nida đã tới đâu?
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vào 10 giờ sáng ngày 1/8, vị trí tâm bão Nida (Việt Nam gọi là bão số 2) ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông khoảng 500km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (105-135km/giờ), giật cấp 14-15.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,5 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông trên đất liền tỉnh Quảng Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 16-17.
Vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-14, giật cấp 16-17. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Bão số 2 đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc. |
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 10 giờ ngày 03/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 23,4 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Quảng Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Vùng biển phía Bắc Biển Đông trong ngày 2/8 còn có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-13, giật cấp 15-16. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ chiều tối 2/8 gió giật mạnh cấp 8-9. Biển động mạnh. Khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7.
Từ đêm mai 2/8, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, riêng khu Đông Bắc có nơi mưa to đến rất to.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km.
Ở Bắc Bộ có mưa vừa đến mưa to, riêng vùng núi và trung du có mưa rất to.
Ngoài ra, do hoạt động của gió mùa Tây Nam nên khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.
Khẩn trương ứng phó bão Nida
Về công tác ứng phó với bão Nida, theo thông tin từ Ban chỉ đạo Trung Ương về Phòng chống thiên tai, sáng ngày 31/7 Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đoàn công tác cùng các Bộ, ngành đi thị sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 1 tại tỉnh Nam Định.
Hồi 7h00 ngày 31/7/2016, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 16/CĐ-TW gửi các địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, các tỉnh miền núi phía Bắc và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo ứng phó với cơn bão gần biển Đông (tên quốc tế Nida). Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã có Công điện, Thông báo chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện Công điện số 16 của BCĐ TW về PCTT.
Công tác ứng phó bão số 2 tại các địa phương, tính đến chiều 31/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các tỉnh: Lạng Sơn, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định đã có Công điện, Thông báo chỉ đạo các đơn vị, địa phương có biện pháp chủ động ứng phó với cơn bão số 02.
Theo Báo cáo số 285/BC-CQTT ngày 01/8/2016 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 06 giờ ngày 01/8 đã thông báo, hướng dẫn neo đậu cho 53.420 phương tiện/234.647 người biết vị trí, hướng di chuyển của Bão số 2 để chủ động di chuyển phòng tránh, gồm hoạt động trên biển (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa): 20.285 tàu/99.844 lao động. Neo đậu tại bến: 33.135 phương tiện/134.803 người.
Bão số 1 gây thiệt hại hơn 3.428,14 tỷ đồng. |
Thiệt hại bão số 1 gây ra ước tính 3.428,14 tỷ
Thông tin mới nhất liên quan đến tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả của bão số 1, theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương, tình hình thiệt hại tính đến 17h00 ngày 31/7, đã có 5 người tử vong (Hà Nội 01 người; Hà Giang 02 người; Hà Nam 01 người; Thanh Hóa 01 người), 2 người mất tích (Yên Bái 01 người; Hà Giang 01 người), 21 người bị thương (Hà Nội 09 người, Thái Nguyên 03 người, Hòa Bình 01 người, Nam Định 04 người, Thái Bình 04 người).
Bão số 1 đã làm 88 nhà bị đổ sập hoàn toàn; 32.102 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 5.620 nhà bị ngập nước. Bên cạnh đó, 91 tàu, thuyền bị chìm, hư hỏng tại khu vực cửa sông (riêng Thái Bình có 54 tàu thuyền nhỏ bị chìm, đắm; 17 tàu thuyền bị va đập, mắc cạn). Hơn 216.194 ha lúa bị ngập lụt (Trong đó các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ là 209.502 ha và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc là 6.692 ha); trong đó mất trắng là 8.954 ha, 27.100 ha rau màu bị hư hại. Cây trồng lâu năm, hàng năm và cây ăn quả bị gãy, đổ giảm năng suất: 14.685 ha. Cây xanh bị đổ, gãy: 60.097 cây. Hơn 77.530 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi...Ước tổng thiệt hại khoảng 3.428,14 tỷ đồng.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiếp tục huy động lực lượng và phương tiện tìm kiếm người mất tích, bơm tiêu úng cứu lúa, khắc phục sự cố về điện ổn định, về sản xuất để ổn định dân sinh; phân tích, thống kê đánh giá thiệt hại do bão gây ra.
Hướng dẫn kỹ thuật cứu lúa, chuẩn bị phương án phục hồi sản xuất đối với diện tích lúa bị mất trắng, hoa màu bị dập đổ, hư hỏng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu, cụm công nghiệp khẩn trương khắc phục thiệt hại sớm ổn định sản xuất. Huy động máy móc và các lực lượng trên địa bàn thu dọn cành cây, vệ sinh môi trường. Kiểm tra, xử lý khắc phục sự cố công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi (đê điều, hồ đập).
Tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến bão số 2 để chủ động các biện pháp phòng tránh kể cả trên biển và các tỉnh miền núi, trung du, đồng bằng Bắc Bộ (ảnh hưởng của mưa)...