Theo tính toán của các nhà khoa học, tiểu hành tinh cỡ trung mang tên 2018 GE3 chỉ cách trái đất hơn 192.000 km khi nó lướt qua. Đó là khoảng cách cực kỳ gần trong thiên văn học, lần cuối cùng một "khách không mời" lướt qua trái đất gần như vậy là năm 1930. Đáng sợ hơn, nó chỉ được phát hiện trước khi bay sượt ngang chúng ta vài giờ.
Tiểu hành tinh bay ngang bầu trời qua ống kính của một người quan sát - ảnh: DAILY MAIL |
Nhiều người đã thấy nó, trông như một ngôi sao lớn bay lướt nhanh qua bầu trời. Thực tế, nó đang lao đi với tốc độ hơn 106 km/giờ.
Tiểu hành tinh đã bay ngang trái đất ở khoảng cách gần nhất vào 2 giờ 41 phút rạng sáng chủ nhật vừa qua và đe dọa tiếp mặt trăng ở khoảng cách còn gần hơn vào 5 giờ 59 phút, theo giờ quốc tế EST (tương đương với 9 giờ 41 phút và 12 giờ 59 phút chủ nhật ở Việt Nam).
Tiểu hành tinh được quan sát rất rõ từ trái đất - ảnh: Micael Jager |
NASA cũng ước đoán đường kính của tiểu hành tinh có thể từ 48-110 m. Với tốc độ đó, nếu lao thẳng vào trái đất và kết hợp với gia tốc trọng trường, nó có thể đủ sức phá hủy cả một thành phố.
Quỹ đạo của Tiểu hành tinh trong hệ mặt trời (màu trắng). Ngoài trái đất và mặt trăng, nó cũng từng lướt qua Sao Kim ở khoảng cách khá gần - ảnh: Tomruen |
Đây không phải là lần đầu tiên một vật thể từ bầu trời đe dọa trái đất mà không được phát hiện đủ lâu để có bất cứ biện pháp ứng phó nào. Vào tháng 2-2013, một thiên thạch có đường kính nhỏ hơn 2018 GE3 nhiều đã xâm nhập bầu trời nước Nga. Bầu khí quyển trái đất đã phá vỡ nó và gây ra một vụ nổ lớn, tạo sức ép làm hư hại hơn 3.700 công trình và khiến hơn 1.500 người bị thương.