Khám phá hai Di tích đặc biệt sắp trùng tu lớn ở Vĩnh Phúc

Đình Thổ Tang và tháp Bình Sơn là hai di tích mang nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật của tỉnh Vĩnh Phúc, đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn vừa giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu rà soát, hoàn thiện hồ sơ đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử đình Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường) và tháp Bình Sơn (huyện Sông Lô) bảo đảm đúng quyết định phê duyệt của Thủ tướng.
Đình Thổ Tang và tháp Bình Sơn là hai di tích mang nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật của tỉnh Vĩnh Phúc, đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.
Ngôi đình đạt đến đỉnh cao về mỹ thuật điêu khắc gỗ cổ
Theo Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Vĩnh Phúc, đình Thổ Tang (thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) được tạo dựng từ thế kỷ 17, trải qua thời gian, đến nay còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn kiểu thức kiến trúc thời Hậu Lê.
Kham pha hai Di tich dac biet sap trung tu lon o Vinh Phuc
Đình Thổ Tang. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc.
Đình thờ danh tướng Lân Hổ, có công đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ 13. Tương truyền, theo lệnh vua Trần, Lân Hổ đã dẫn quân lên vùng Gia Ninh (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) lập phòng tuyến, bày binh bố trận, chỉ huy quân sĩ chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ kinh đô Thăng Long. Hiện nay suốt một dải từ Dục Mỹ - Sơn Vi (Phú Thọ) đến Vĩnh Tường - Yên Lạc (Vĩnh Phúc) có hệ thống di tích thờ Lân Hổ. ở xã Thổ Tang có Miếu Trúc, đình Thổ Tang, đình Phương Viên, trong đó đình Thổ Tang là trung tâm để tổ chức lễ hội cùng những trò diễn, hèm tục tưởng niệm về vị tướng tài Lân Hổ và cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước của dân tộc ta thời Trần.
Đình được xây dựng với quy mô đồ sộ, gồm hai toà kiến trúc bố cục theo hình chữ "đinh". Đại đình 5 gian 2 dĩ 6 hàng chân, hậu cung 2 gian. Toàn đình đếm được 60 cột, làm bằng gỗ tốt đại khoa. Cột cái có đường kính 0,80m, cột con đường kính 0,61m. Nền đình dài 25,80m, rộng 14,20m, bó đá xanh xung quanh. Kết cấu kiến trúc kiểu tứ trụ, chồng rường giá chiêng, gia cố bền chắc.
Kham pha hai Di tich dac biet sap trung tu lon o Vinh Phuc-Hinh-2
Cấu trúc gỗ được chạm khắc tinh xảo của đình Thổ Tang. Ảnh: Cổng TTĐT Tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo các nhà nghiên cứu, đình Thổ Tang là một trong những ngôi đình đạt đến đỉnh cao về mỹ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian thời Hậu Lê. Đình hiện còn 21 bức chạm khắc gỗ hết sức tinh tế, được thể hiện trên các thành phần kiến trúc: Thân kẻ, thân bẩy, thân rường, nội dung phong phú, khái quát về chu trình: lao động - làm ăn - hưởng thụ của cư dân nông nghiệp, của nhân dân ta thời Lê Trung hưng.
Các bức chạm ở đây được sắp xếp thứ tự theo chu trình đó. Bước vào cửa đình thì thấy ngay bức chạm đầu tiên là "ngày hội xuống đồng" (lễ tịch điền) rồi lần lượt đến các bức "bắn thú dữ" để bảo vệ mùa màng, thôn xóm. Cảnh vui chơi giải trí có: "đá cầu", "chơi cờ", "uống rượu", "người múa". Cảnh sinh hoạt gia đình có: "trai gái tình tự", "gia đình hạnh phúc". Phê phán những thói hư tật xấu có: "đánh ghen", "vợ chồng lười". Trang trí thờ phụng gồm các bức: "cửu long tranh châu", "bát tiên quá hải" và nhiều hình rồng, phượng khác.
Vào năm 2018, đình Thổ Tang đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Tòa tháp đất nung đời Trần cao nhất còn được gìn giữ
Tháp Bình Sơn (còn gọi là tháp Then, tháp chùa Vĩnh Khánh) nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh ở thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, là công trình tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý – Trần và là tòa tháp đất nung đời Trần cao nhất còn lại đến ngày nay.
Tương truyền, ngọn tháp nguyên bản có 15 tầng, trên nóc tháp có một hình khối búp hoa sen chưa nở bằng đất nung tạo cho tháp một dáng vẻ thanh thoát vươn cao. Do những thăng trầm của lịch sử, phần chóp tháp đã bị vỡ, tháp hiện chỉ còn 11 tầng tháp và 1 tầng bệ, có chiều cao đo được 16,5 mét.
Tháp cấu tạo với bình đồ hình vuông nhỏ dần về phía ngọn với cạnh của tầng dưới cùng là 4,45 mét, cạnh của tầng thứ 11 là 1,55m. Theo khảo sát, tháp được xây dựng bằng 13.200 viên gạch nung, gồm 2 loại trong đó có một loại hình vuông kích thước là 0,22m × 0,22m, một loại hình chữ nhật kích thước 0,45m × 0,22m. Trong lòng tháp là một khoảng rỗng nhỏ chạy suốt chân tháp lên đến ngọn.
Kham pha hai Di tich dac biet sap trung tu lon o Vinh Phuc-Hinh-3
Tháp Bình Sơn. Ảnh: Quốc Lê.
Mặt ngoài của tháp trang trí hoa văn rất phong phú, đẹp nhất là từ bệ tháp đến hết tầng 2, có chiều cao dưới 6 mét, là khoảng cách mắt thường có thể cảm nhận dễ dàng. Ở hai tầng này có họa tiết trang trí kỹ lưỡng, phức tạp mà nổi bật nhất là những hàng hoa cúc, cánh sen, lá đề, hoa mặt nhẵn, rồng chạm nổi, cùng mô típ “sư tử hí cầu”…
Những tầng trên trang trí thưa dần và hình dáng cũng đơn giản hơn với các họa tiết như hoa chanh, lá sòi (hoa dấu phảy)… Hoa văn trang trí tinh xảo trên mỗi hòn gạch chứng tỏ bàn tay người thợ vô cùng điêu luyện.
Một nét độc đáo khác của tháp Bình Sơn là tòa tháp này được xây dựng không cần vôi vữa. Để làm điều này, những người xây dựng tháp đã sử dụng những viên gạch được chế tác có mấu và có gờ chỉ để giữ lấy nhau, đó là phương pháp xây gạch khẩu ở chân bệ. Ngoài ra, còn một cách khác là mỗi viên gạch có một lỗ hình thang, hai viên gạch xếp sát nhau, tạo thành một mộng cá và người ta đổ chì vào mộng cá đó để giữ hai viên gạch với nhau, đó là phương pháp xây bằng cá chì.
Kham pha hai Di tich dac biet sap trung tu lon o Vinh Phuc-Hinh-4
Họa tiết trang trí trên tháp Bình Sơn. Ảnh: Quốc Lê.
Về mặt tín ngưỡng, có nhiều truyền thuyết liên quan đến tháp Bình Sơn, cho thấy vị trí đặc biệt của tháp trong văn hóa tâm linh và ý thức cộng đồng của người dân bản địa. Đầu tiên có thể kể đến truyền thuyết về xuất xứ cây tháp, vốn là một tháp lớn dựng trong vườn tháp ở giữa cánh đồng Nẫu xã Tứ Yên, Lập Thạch, sau một đêm mưa bão thì nhảy về vị trí hiện nay…
Một truyền thuyết khác nói về chiếc giếng bên cạnh tháp với con vịt bằng vàng, là dấu tích nền móng một cây tháp khác có màu xanh bên tháp Bình Sơn, đã bay lên trời. Ngoài ra còn có truyền thuyết về thủ lĩnh địa phương Ngụy Đồ Chiêm, là con một người đàn bà bán quán nước chân tháp, đã ôm kiếm chạy vào cây tháp rồi biến mất khi bị quân triều đình đến đánh dẹp.
Sau nhiều thế kỷ tồn tại, tháp Bình Sơn từng đứng trước nguy cơ sụp đổ vào thập niên 1960 do các trận lụt liên miên làm sói lở chân tháp. Nhu cầu tu bổ tháp được đặt ra cấp thiết trong bối cảnh miền Bắc đang trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt. Từ tháng 5/1972, quá trình phục chế tháp theo lối thủ công được thực hiện. Việc làm gạch để thay thế và bổ sung những chỗ bị vỡ trên tháp, bị nát, bị khuyết, bị lũ quét, phải kéo dài đến hai năm.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc và văn hóa, tháp Bình Sơn đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2015.

Di tích nào của Việt Nam được truyền thông quốc tế khen hết lời 2023?

Trong năm 2023, một số di tích của Việt Nam được truyền thông quốc tế dùng những mỹ từ để ca ngợi. Những địa điểm độc đáo này thu hút rất đông du khách ghé thăm.

Di tich nao cua Viet Nam duoc truyen thong quoc te khen het loi 2023?
Trong bài viết đăng trên tờ South China Morning Post, tác giả Ronan O'Connell ca ngợi 2 di tích độc đáo của Việt Nam là một trong những điểm độc đáo tại châu Á mà du khách khắp thế giới không nên bỏ qua. Đó là Nhà thờ Đức Bà tại TP.HCM và đấu trường Hổ Quyền tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Ronan O'Connell. 

Điều thú vị về “ngự miêu” bảo vệ cổ vật trong Tử Cấm Thành

Bên trong Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc lưu giữ, trưng bày nhiều cổ vật giá trị của nhiều triều đại phong kiến. Khoảng 200 "ngự miêu" góp phần quan trọng trong việc bảo vệ các hiện vật quý hiếm này.

Dieu thu vi ve “ngu mieu” bao ve co vat trong Tu Cam Thanh
 Tử Cấm Thành hay còn gọi Cố Cung là nơi ở của 24 hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh. Bên trong cung điện hoàng gia tráng lệ này có một bảo tàng trưng bày hơn 1,7 triệu cổ vật thuộc các triều đại phong kiến. Mỗi năm, hàng triệu du khách ghé thăm Tử Cấm Thành và chiêm ngưỡng những hiện vật quý giá này.

Đọc nhiều nhất

Tin mới