Mời quý độc giả xem video: Hậu trường hóa nàng tiên cá trong "Huyền thoại biển xanh" |
Những lời đồn đại và cả bằng chứng về sự tồn tại của các nàng tiên cá làm cho “người cá” trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của đại dương. Thậm chí, cái tên “người cá” còn được đặt cho một căn bệnh nan y.
Từ truyền thuyết...
Nhiều bức tranh, tượng của người xưa cũng thể hiện hình ảnh người cá. Những “nàng tiên cá” có nhiều nét giống với con người hiện đại. Họ có đôi mắt to, đẹp cùng nhìn về một hướng giống mắt người (mắt cá nhìn theo 2 hướng khác nhau). Bàn tay người cá có ngón cái chĩa ngang như người, thuận tiện cho việc cầm nắm công cụ lao động.
Trong các hình ảnh thì người cá có đầu khá to so với thân hình, chứng tỏ bộ não khá phát triển. Phần thân dưới của người cá hầu hết đều có hình dạng bơi chèo có rẻ quạt ở đầu chót tương tự đuôi cá voi.
Từ hàng ngàn năm nay, những người đi biển thường truyền tai nhau một huyền thoại về loài sinh vật mình người đuôi cá có giọng hát tuyệt vời dùng để mê hoặc những chàng ngư dân điển trai đến chết.
Đó là người cá Siren. Truyền thuyết kể rằng, người cá Siren là những sinh vật mang thân hình nửa người nửa chim và có giọng ca hết sức tuyệt vời. Một lần, nữ thần Hera tổ chức một cuộc thi hát giữa những người cá Siren và 9 nữ thần Muses - những nữ thần âm nhạc là con của thần Dớt và thần trí tuệ Mnemosyne.
Không may là các mỹ nhân ngư Siren đã thua cuộc và lông vũ của họ đã bị các thần Muses vặt sạch để làm áo như một chiến lợi phẩm. Không còn lông vũ, các Siren không bay được nữa và phần dưới dần dần biến thành đuôi cá. Theo truyền thuyết, những chiếc đuôi của họ có thể phát sáng để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt những người đàn ông.
Một huyền thoại khác đến bây giờ vẫn lưu truyền: Vào đầu thế kỷ 19, ngư dân bắt được một người cá ngoài khơi Scotland, sau đó đem về bang New Orleans để trưng bày.
Theo cuốn sách “Speculum Mundi” xuất bản năm 1635 của John Swan viết về sự kiện này, người cá dễ dàng hòa nhập với cuộc sống trên cạn. "Nàng" cũng diện những bộ quần áo đẹp, dạo chơi trên phố.
Một số nhà khoa học khẳng định người cá là có thật, thậm chí họ cho rằng nguyên nhân ô nhiễm môi trường sinh thái biển và sự khai thác thủy hải sản bừa bãi đã khiến người cá tuyệt chủng. Người cá cũng trở thành một đề tài ăn khách của phim ảnh, tiểu thuyết như truyện Người cá của nhà văn Nga Alexander Beliaev, hay Nỗi kinh hoàng của nhà văn Pháp Guy de Maupassant.
Đến sự thật?
Kể từ năm 1403, việc phát hiện ra không ít xác ướp người cá lại càng khiến giới khảo cổ học trên thế giới vô cùng bối rối. Mới đây, một bằng chứng mới cũng được công bố cho thấy sự tồn tại của "Nàng tiên cá" khi hai người thủy thủ đang lặn ở lòng biển Greenland bất ngờ phát hiện bàn tay màu trắng đặt trên tấm kính tàu ngầm phía sau lưng.
Bàn tay có 5 ngón thì 4 ngón dính liền với nhau như có lớp màng chân vịt. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, hình ảnh bàn tay đó chỉ là một trò đùa của ai đó chứ chưa đủ thuyết phục rằng sinh vật "nửa người nửa cá" kia là có thật.
Trước đây, vào năm 2012, kênh truyền hình Animal Planet phát sóng một chương trình chỉ ra những bằng chứng cho thấy "Nàng tiên cá" là có thật. Chương trình này xuất hiện như một bộ phim tài liệu hoàn chỉnh, với các cuộc phỏng vấn "nhà khoa học, chuyên gia" phân tích, đánh giá sự tồn tại của sinh vật "nửa người nửa cá" này.
Tuy nhiên, Cục Đại dương và Khí quyển Quốc gia của Hoa Kỳ (NOAA) đã chính thức lên tiếng và đăng một tuyên bố trên trang web của mình tố cáo sự không chính xác trong chương trình của Animal Planet. Và những "nhà khoa học" đó là những diễn viên được trả tiền theo yêu cầu.
Dù "Nàng tiên cá" có thật hay không thì đó vẫn là một hình ảnh đẹp trong tâm trí nhiều người. Người ta vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó được nhìn thấy người cá bằng xương bằng thịt chứ không phải là một xác ướp bị làm giả.