Từ Turkmenabat, thành phố phía bắc của Turkmenistan, tôi di chuyển khoảng 30 km, xuyên qua những cánh đồng bông bạt ngàn để đến khu vực biên giới. Gần đến khu vực cửa khẩu Farap-Alat, xe tiếp tục dọc theo con đập nổi tiếng dài hàng chục km nằm giữa biên giới 2 nước. Đây cũng là công trình dẫn nước từ cho sông Amu Daryo giữa hai chính phủ Turkmenistan và Uzbekistan xây dựng từ thời Xô Viết.
Khi làm thủ tục nhập cảnh, tôi và các hành khách nước ngoài khác bị hải quan soi rất kỹ hành lý, nhất là máy tính xách tay, máy chụp hình và thuốc men y tế, lượng ngoại tệ mang vào.
Bên ngoài khu vực cửa khẩu là trạm xe taxi chuyên vận chuyển khách từ biên giới về thành phố cổ Bukhara. Tôi thương lượng với một chiếc 4 chỗ và đi cùng anh bạn người Turk với giá 25 USD cho quãng đường gần 100 km đến khách sạn nằm ngay trong khu vực phố cổ.
Thành phố lịch sử Bukhara có niên đại 2.500 năm
Sau khi nhận phòng có giá 10 USD/ đêm (tương đối rẻ), tôi tản bộ để khám phá thành phố cổ xưa. Bukhara khi đó thời tiết dịu hơn nhưng nắng vẫn còn khá gắt. Người dân theo đạo Hồi cũng vừa trải qua tháng Ramada truyền thống nên nhiều quán ăn đã hoạt động bình thường. Bukhara được các nhà khoa học xác định có niên đại khoảng hơn 2.500 năm qua các di chỉ khảo cổ được phát hiện tại đây.
Thành phố nằm giữa hai sa mạc rộng lớn trải dài từ Trung Quốc đến Ấn Độ, và là điểm dừng chân quan trọng của đoàn thương nhân lạc đà trước đây. Tôi đi sâu vào bên trong khu vực trung tâm thông qua những cổng vòm to lớn được xây bằng gạch có niên đại hàng trăm năm. Không gian ở Bukhara được tái hiện như là một thành phố nhộn nhịp bày bán rất nhiều các mặt hàng lưu niệm truyền thống. Tôi có thể cảm nhận được bầu không khí và màu sắc của thành phố Bukhara xưa kia đã thu hút những đoàn người dừng chân mua bán, trao đổi hay nghỉ ngơi thư giãn để tiếp tục hành trình về phương Nam.
Tháp Kalyan, biểu tượng của thành phố cổ Bukhara, có niên đại 2.300 năm. |
Dừng chân trước một ngọn tháp cao, tôi nghe thêm được những câu chuyện về di sản ngàn năm tuổi này từ cô hướng dẫn viên địa phương đang thuyết minh cho một đoàn khách du lịch nước ngoài. Ngọn tháp Kalyan là công trình mang tính biểu tượng của Bukhara được xây dựng cách đây khoảng 2.300 năm. Trong một thời gian dài, Kalyan còn là công trình cao nhất khu vực Trung Á. Nó cũng là một “ngọn hải đăng”, vì vào ban đêm những ngọn đuốc trên đỉnh tháp sẽ được thắp sáng dẫn đường cho những đoàn thương nhân đi vào thành phố.
Hiện nay, Bukhara còn bảo tồn khá nguyên vẹn các công trình cổ như những lăng mộ, trong đó có lăng mộ của Ismail Samani được xây dựng từ thế kỷ thứ 10, các tháp gạch và các nhà thờ Hồi giáo thế kỷ 11 và một số công trình có từ thế kỷ thứ 17. Và điều quan trọng là tôi luôn cảm nhận được không khí của một khu đô thị sầm uất của hàng nghìn năm trước.
Samarkand, thành phố trung tâm trên con đường tơ lụa
Hơn 10 ngày khám phá Uzbekistan, phương tiện di chuyển chủ yếu của tôi giữa các thành phố lớn là tàu hỏa. Hệ thống tàu hỏa ở Uzbekistan tiện nghi và sạch sẽ. Tôi chỉ cần đến hệ thống bán vé tại các nhà ga để có thể mua vé cho hành trình tiếp theo. Đa số các nhà ga ở Uzbekistan đều nằm gần trung tâm thành phố.
Phương tiện thứ 2 tôi sử dụng để đi những nơi có khoảng cách gần hơn mà không có tàu hỏa là đi taxi ghép. Với giá nhiên liệu rất rẻ ở Uzbekistan, đây là sự lựa chọn tốt nhất để tôi tiết kiệm chi phí mặc dù đôi lúc mất thời gian một chút để đợi đủ khách.
Samarkand luôn được xem là thành phố trung tâm trên con đường tơ lụa huyền thoại năm xưa với nhiều di tích văn hóa, tôn giáo độc đáo. |
Những Bước Chân trở về TP HCM những ngày cuối tháng 8, sau 2 tháng một mình tới Nga, qua các nước Trung Á nằm trên cung đường "Con đường tơ lụa" năm xưa. Anh dành những bài viết độc quyền cho Zing.vn. Những Bước Chân hiện là giảng viên đại học tại TP HCM.
Thời hoàng kim của Samarkand là vào khoảng năm 1370, thành phố ốc đảo này là trung tâm chính trị, văn hóa và tôn giáo của châu Á. Alexander Đại Đế và Thành Cát Tư Hãn từng chinh chiến tại đây, và Timur Lenk đã lấy Samarkand làm thủ đô vương quốc của ông. Timur là quốc vương của một vùng đất rộng lớn gồm Ba Tư và Mông Cổ, Trung Á, phần đông Trung Quốc và phần bắc của Ấn Độ ngày nay.
Thời gian ở Samarkand, tôi đã có dịp chiêng ngưỡng các công trình kiến trúc tôn giáo hoành tráng bật nhất ở Trung Á. Nổi tiếng với hai công trình kiến trúc là thánh đường Bibi- Khanym và Registan, Samarkand đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới năm 2001. Đây là hai công trình tiêu biểu cho kiến trúc Timurid. Phần bên ngoài và bên trong của mặt tiền các cổng vòm đều được trang trí bằng nhiều loại gạch men với nhiều hoa văn trạm khắc tinh xảo, sống động với màu xanh đặc trưng của đất nước Uzbekistan.
Shakhrisyabz, thành phố xanh của Hoàng đế Timur
Từ Samarkand, tôi bắt xe taxi ghép với giá 20.000 som (khoảng 170.000 đồng) khứ hồi đi Shakhrisyabz. Đoạn đường hơn 80 km với ngọn đèo Takhzakaracha chắn giữa. Tài xế đôi lần dừng xe để tôi có thể ngắm toàn cảnh vùng trũng từ đỉnh đèo, và uống một vài ngụm nước mát lạnh được dẫn xuống từ những ngọn núi cao. Tài xế bảo, người dân địa phương thường uống những loại nước từ thiên nhiên khi có điều kiện đi trên đường. Thậm chí họ còn bỏ đi những phần nước dở trong chai nước khoáng để lấy nước từ những con suối thiên nhiên này.
Tôi có một trọn một ngày để khám phá di sản Shakhrisyabz, theo tiếng địa phương được gọi là thành phố xanh. Shakhrisyabz đón tiếp tôi với thời tiết khá nóng vào những ngày giữa tháng 7. Thành phố dường như rất ít cây xanh vì đang trong quá trình tôn tạo, sửa chữa nhưng đây cũng là yếu tố để các công trình cổ của thành phố nổi bật lên khi nhìn thấy từ phía xa. Anh tài xế với chút tiếng Anh cũng đã thông tin cho tôi biết thành phố lịch sử này còn là nơi sinh của hoàng đế Timur Lenk xuất thân Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ vào thế kỷ 14.
Đỉnh đèo Takhzakaracha nằm trên độ cao 1780 m nhìn về phía “thành phố xanh” lịch sử Shakhrisyabz. |
Tôi tham quan một số công trình tiêu biểu nơi đây mà hầu như các di tích không tồn tại nguyên vẹn như ở Samarkand hay Bukhara. Cung điện Mùa hè Timur là công trình vĩ đại nhất trong số các công trình do vua Timur xây dựng. Nhưng công trình này đã bị phá hủy, chỉ còn lại dấu tích của cổng tháp khổng lồ cao 65 m với đá xanh, trắng vàng được khảm rất tinh xảo. Các công trình ở Shakhrisyabz hầu hết liên quan đến vị vua Timur oai hùng trước đây như cung điện, lăng mộ, quần thể các nhà thờ Hồi giáo… Các công trình này đều thể hiện quá khứ vàng son của một đế chế hùng mạnh ở Trung Á và thế giới.
Itchan Kala, một báu vật của Uzbekistan
Từ Samarkand, tôi bắt chuyến tàu đêm đi ngược về hướng tây bắc để đến thành phố Urgench, sau đó đi xe bus khoảng 30 km để đến Khiva. Tôi đặt được một khách sạn ở ngay cổng vào của di sản Itchan Kala. Đây là di sản mà tôi dành nhiều thời gian tham quan nhất: một buổi chiều và trọn vẹn cho ngày hôm sau.
Itchan Kala được bao bọc bởi một vòng tường thành kiên cố, khép kín, cao khoảng 10 m. Thành phố trước đây thuộc ốc đảo Khiva, điểm dừng chân cuối cùng của đoàn thương nhân trước khi băng qua sa mạc rộng lớn đến đến với Ba Tư. Thành phố Khiva lần đầu tiên được những lữ khách Hồi giáo ghi chép lại vào thế kỷ thứ 10, mặc dù di chỉ khảo cổ cho thấy thành phố đã tồn tại từ thế kỷ thứ 6. Đến đầu thế kỷ 17, Khiva đã trở thành kinh đô của Hãn quốc Khiva được cai trị bởi Hãn quốc Astrakhan, một vương triều của Thành Cát Tư Hãn.
Tôi dành trọn thời gian để “sống chậm” tại đây. Không quá rộng và nhiều ngóc ngách như Bukhara, Itchan Kala cần nhiều thời gian để du khách hồi tưởng lại một không gian xưa qua từng lối đi, từng hoa văn họa tiết trên những công trình cổ, ngồi hàng giờ trong một thánh đường nhỏ xem người địa phương đọc kinh, cầu nguyện hay lang thang, trò chuyện với những nghệ nhân làm sản phẩm truyền thống bằng tay rất độc đáo. Với tôi, Itchan Kala là một báu vật trong hành trình khám phá Uzbekistan.