Tình trạng quá tải tại các sân bay ở châu Âu diễn ra thường xuyên từ tháng 4. Cộng thêm nhu cầu đi lại, du lịch vào mùa hè tăng cao khiến các sân bay luôn trong cảnh ken đặc người xếp hàng nhiều giờ.
Anh V.T. Nguyen, người Việt đang làm nhân viên an ninh tại sân bay Frankfurt (Đức) cho biết từ tháng 6, lượng khách tại sân bay này tăng nhanh do vào mùa cao điểm du lịch hè, nhân viên mặt đất lại thiếu trầm trọng nên dẫn đến tình trạng quá tải.
"Không riêng gì Frankfurt, các sân bay khác trong khu vực cũng đang trong tình cảnh tương tự. Hành khách chật vật chờ làm thủ tục, hãng hàng không hoãn, hủy chuyến liên tục", anh Nguyen trả lời Zing.
Tình trạng hủy chuyến đột ngột xảy ra thường xuyên tại các sân bay ở châu Âu thời gian qua. Không ít du khách rơi vào tình huống trớ trêu khi hãng hàng không thông báo hủy chuyến trước giờ bay vài tiếng.
Thư thông báo hủy chuyến hãng hàng không gửi đến chị Hạnh trước 2 tiếng bay. Ảnh: NVCC. |
Hạnh Nguyễn (TP.HCM) chia sẻ vừa trải chuyến du lịch hè không mấy suôn sẻ. Hạnh cho biết chuyến bay từ Helsinki (Phần Lan) đến Paris (Pháp) hôm 31/5 đột ngột báo hủy trước giờ bay 2 tiếng, hãng bay thông báo qua email tự động.
"Hãng gửi email vào lúc mình đang trên taxi ra sân bay nên không kiểm tra. Tới lúc check-in mới hoảng hồn, vội vã chạy qua khu vực khác vì trong email thông báo đổi chuyến bay thẳng thành chuyến bay quá cảnh", Hạnh cho biết.
Lý do hủy chuyến được hãng thông báo là phi hành đoàn xin nghỉ ốm đột ngột và không có người thay thế.
"Thư gửi đến mình là thư email tự động, có nghĩa việc này xảy ra thường xuyên và được chấp nhận như một lý do hợp lý. Hơn nữa, hãng thông báo rất sát giờ, gây nhiều phiền toái đến hành khách", nữ du khách bức xúc.
Sự cố hủy chuyến khiến Hạnh phải bay nối chuyến Copenhagen (Đan Mạch) để tới Paris (Pháp). Vì thời gian nối chuyến ngắn, hành lý của nữ du khách bị thất lạc. Hạnh cho biết đã phải đến thẳng sân bay Charles de Gaulle (Pháp) để yêu cầu vận chuyển hành lý cho kịp chuyến bay về Việt Nam.
"Quá trình tìm hành lý thất lạc cũng khá vất vả. Mình phải gọi điện liên tục cho các hãng bay, gọi cho khu vực quản lý hành lý, nhưng đều phải nghe trả lời tự động. Vì vậy mình đến thẳng sân bay để giải quyết nhanh gọn. May mắn là nhận lại hành lý, kịp chuyến bay về nước", Hạnh kể lại.
Gặp rắc rối tương tự, một người bạn của Hạnh Nguyễn cũng bị thất lạc hành lý trên chuyến bay từ Budapest (Hungary) đến Mykonos (Hy Lạp), nối chuyến ở Vienna (Áo) và không tìm lại được.
Tình trạng quá tải hành lý cũng diễn ra tại nhiều sân bay khác ở châu lục này. Chị Cẩm Vân (người Việt sinh sống tại CH Czech) cho biết phải chờ đợi rất lâu mới lấy được hành lý tại sân bay Schiphol (Hà Lan).
Hành khách xếp hàng dài tại sân bay Schiphol (Hà Lan). Ảnh: Cẩm Vân. |
Chị Vân cùng gia đình có chuyến du lịch hè ở châu Âu đầu tháng 7. Nghe tin các sân bay đông đúc nên chị chủ động đến sân bay Schiphol trước 3-4 tiếng để tránh nhỡ chuyến khi di chuyển từ Amsterdam (Hà Lan) đến Vienna (Áo). Khi đến nơi, hàng dài người đã xếp hàng kín từ bãi đậu xe chờ qua cổng an ninh, chị Vân nói.
"Không tin nổi mắt mình khi nhìn thấy hàng km người xếp hàng lần lượt từ bãi đậu xe để vào sảnh an ninh ở sân bay Schiphol (Hà Lan)", chị Vân bày tỏ.
Trên chuyến bay từ Amsterdam về Vienna, chị Vân cũng nghe thấy nhân viên một hãng bay thông báo hủy hết các chuyến đi đến các thành phố khác. Nữ du khách cảm thấy may mắn khi điểm cuối dừng ở Vienna.
Trước đó 10 ngày, chị Vân và gia đình cũng bay qua Vienna (Áo), Barcelona (Tây Ban Nha) và gặp phải tình trạng chậm chuyến, chờ đợi gần 2 tiếng.
"Việc chờ đợi gây rất nhiều phiền toái cho những gia đình có con nhỏ như nhà mình", chị Vân bức xúc.
Theo lời nữ du khách, hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến mùa cao điểm các sân bay ở các nước trong khu vực đều ùn tắc, quá tải, xảy ra tình trạng hủy chuyến thường xuyên. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, tình hình quá tải thêm trầm trọng hơn do thiếu hụt nhân sự.
"Hơn nữa, hiện tại các quốc gia đều xoá bỏ các hạn chế đi lại, người châu Á xin visa đi châu Âu dễ dàng hơn, người dân trong khối đi lại cũng đơn giản nên mới xảy ra tình trạng quá tải liên tục như vậy", chị Cẩm Vân chia sẻ.
Mùa hè là dịp cao điểm du lịch ở châu Âu, nhu cầu đi lại giữa các sân bay rất lớn. Thời gian này, lượng du khách Việt du lịch, nghỉ dưỡng cũng tăng cao, nhân viên an ninh sân bay Frankfurt cho biết.
Anh V.T. Nguyen khuyên du khách có ý định du lịch các nước châu Âu thời gian tới nên chuẩn bị tinh thần chờ đợi, đến sân bay trước 4-5 tiếng, làm thủ tục online. Nếu không cần thiết, nên tránh bay cuối tuần.
Sân bay Frankfurt ken đặc người hôm 3/7. Ảnh: V.T. Nguyen. |
Cùng quan điểm, chị Cẩm Vân cũng cho rằng du khách nên sắp xếp thời gian để ra sân bay sớm. Các sân bay ở châu Âu đều làm thủ tục tự động khá nhanh chóng, chỉ mất thời gian xếp hàng vì lượng người quá đông.
Nếu phải qua các sân bay lớn, du khách nên đến trước ít nhất 4 tiếng và phải tính cả thời gian di chuyển ra sân bay. Ở nhiều quốc gia như CH Czech, đường phố thường xuyên sửa chữa vào mùa hè, dễ gặp tình trạng tắc đường.
"Hành lý nên gọn gàng để di chuyển cho nhanh và tiện. Mọi người cần chuẩn bị thêm quần áo trong hành lý xách tay, phòng trường hợp hủy chuyến còn có đồ dùng".
Với kinh nghiệm gặp rắc rối khi bay nối chuyến, chị Hạnh Nguyễn cho rằng du khách đến châu Âu dịp này nên chọn các chuyến bay thẳng và mua bảo hiểm du lịch vì đi chơi mùa cao điểm rất dễ xảy ra sự cố.