Chiều 31/1, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin chính thức về vụ việc phong tỏa, giám sát khu vực nhà 289 Lý Thái Tổ, phường 9, quận 10, TP. HCM để khống chế một nam thanh niên có biểu hiện ngáo đá ôm vật giống súng cố thủ.
Theo đó, vào khoảng 15h30 phút ngày 30/1, nhận được nguồn tin của quần chúng về đối tượng nghi vấn mua bán trái phép chất ma túy tại trước nhà số 289 Lý Thái Tổ (Phường 9, Quận 10), Công an Phường 9 đã cử tổ công tác gồm 2 cán bộ xuống hiện trường.
Khi đến trước căn nhà trên, Tổ công tác phát hiện 1 đối tượng có biểu hiện nghi vấn như người dân cung cấp nên đề nghị kiểm tra giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, đối tượng không chấp hành mà còn lấy 1 vật màu đen có hình giống khẩu súng ngắn đe dọa. Lợi dụng lúc tổ công tác tản ra để tránh sự tấn công, đối tượng này đã tẩu thoát.
Công an thành phố HCM khẳng định đây không phải là vụ cướp ngân hàng, cũng như đối tượng trên không liên quan đến vụ nổ súng tại Củ Chi.
Khu vực xảy ra vụ việc. Ảnh: Zing |
Theo thông tin từ Công an TP HCM, đối tượng được xác định là Trần Duy Chinh, sinh năm 1971, quê Nam Định, đang tạm trú tại số nhà 289, Lý Thái Tổ, phường 9, quận 10. Chinh là đối tượng có nhiều tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”. Qua kiểm tra sơ bộ nơi ở của Trần Duy Chinh, cơ quan Công an phát hiện có nhiều dao, hung khí tự chế. Hiện Công an thành phố đang tổ chức truy tìm đối tượng và điều tra làm rõ vụ việc.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thông tin từ Công an TP HCM khẳng định vụ việc đối tượng Trần Duy Chinh ôm lựu đạn cố thủ không không phải là vụ cướp ngân hàng do vậy chưa đủ căn cứ để kết luận người đàn ông này có ý định cướp ngân hàng nên chưa thể xử lý được về tội cướp tài sản.
Đối với việc phát hiện nhiều súng, hung khí là vũ khí quân dụng tại nhà đối tượng Chính cũng như công cụ hỗ trợ và dụng cụ sử dụng ma túy cơ quan chức năng sẽ làm rõ đây là những thứ của ai, dùng để làm gì để xem xét xác định trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.
Trường hợp có căn cứ xác định những thứ thu được trong ngôi nhà là vũ khí quân dụng và vũ khí này là của đối tượng Trần Duy Chinh, cơ quan công an sẽ khởi tố người đàn ông này về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, nếu người này không trình diện thì sẽ tiến hành truy nã theo quy định pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc này nếu không bắt giữ được đối tượng Chinh thì rất khó để có được kết luận chính xác về nguồn gốc không khí mà cơ quan điều tra thu giữ được. Bởi vậy việc truy tìm, truy bắt đối tượng là điều hết sức cần thiết để làm sáng tỏ nhiều tình tiết của vụ việc này.
Theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018) quy định: Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật để thi hành công vụ, bao gồm:
Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại súng cầm tay, vũ khí hạng nhẹ, vụ khí hạng nặng.
Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.
Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:
Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;
Vũ khí thô sơ dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.
Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.
Tại điều 5 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ nêu rõ:
a) Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
b) Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.
c) Mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
d) Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
đ) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được giao.
e) Giao vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.
g) Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ; trừ trường hợp trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê vũ khí thô sơ để làm hiện vật trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
h) Vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
i) Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.
k) Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
l) Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ dưới mọi hình thức.
m) Che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.
n) Đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
o) Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát.
>>> Mời độc giả xem video Bên trong căn nhà người nghi cầm súng, lựu đạn cố thủ ở Q10:
Nguồn Báo PL TPHCM.