Một tuần bất ổn và bạo lực tại Kazakhstan
Theo thông tin của Bộ Nội vụ Kazakhstan ngày 9/1, đã có ít nhất 164 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình; trong đó có 16 người thực thi pháp luật, hơn 1.300 người bị thương.
Chính phủ Kazakhstan ngày 9/1 cho biết, tình hình nước này đã ổn định trở lại. Tổng thống Kazakhstan Tokayev cho biết tại cuộc họp trực tuyến bất thường của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) vào ngày 10/1 rằng, chính quyền Kazakhstan đã sống sót sau “âm mưu đảo chính” xảy ra gần đây.
Tổng thống Kazakhstan mô tả cuộc bạo loạn nổ ra từ đầu năm mới là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử 30 năm giành độc lập của nước này.
Trước tình hình bạo loạn không thể kiểm soát, ông Tokayev đã yêu cầu CSTO do Nga đứng đầu giúp đỡ; khi tình hình leo thang nhanh chóng, và quân đội một số nước CSTO hiện đang canh gác các “cơ sở chiến lược” ở Kazakhstan.
Các bên nhất trí một khi tình hình Kazakhstan ổn định, lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ kết thúc nhiệm vụ và lên đường về nước.
Tổng thống Nga Putin cho rằng, các thủ đoạn của cuộc bạo loạn tại Ukraine năm 2014, đã xuất hiện trong vụ việc ở Kazakhstan, khi các nhóm biểu tình tích cực sử dụng các thủ đoạn mà phong trào Maidan ở Ukraine sử dụng.
Lực lượng bạo loạn được hỗ trợ thông tin mạnh mẽ, sử dụng các nhóm vũ trang được tổ chức tốt và có thể tiến hành khủng bố uy hiếp. Tổng thống Tokayev nói rằng, có những kẻ bạo loạn, rõ ràng đã được huấn luyện trong các trại khủng bố ở nước ngoài.
Ảnh : Lực lượng an ninh Kazakhstan trấn áp lực lượng bạo loạn. |
Lý do của cuộc bạo loạn
Cuộc bạo loạn trên toàn quốc ở Kazakhstan bắt đầu ở bang Mangistau, miền Tây nước này, nơi người dân địa phương xuống đường phản đối việc tăng gấp đôi giá khí đốt hóa lỏng.
Các cuộc biểu tình sau đó lan sang các thành phố khác, bao gồm cả thủ đô cũ và thành phố lớn nhất của đất nước là Almaty, và nhanh chóng trở thành bạo lực khi những người biểu tình tấn công các cơ quan nhà nước, chiếm giữ vũ khí của lực lượng vũ trang và cướp phá cửa hàng.
Ngày 3/1, Tổng thống Tokayev ủy quyền cho chính phủ Kazakhstan thành lập một ủy ban chịu trách nhiệm “xem xét tình hình kinh tế xã hội ở vùng Mangistau” và hứa sẽ có các biện pháp điều tiết giá khí đốt.
Một trong những thành viên của Ủy ban, Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Magzum Mirzagaliyev cho rằng, nguyên nhân của các cuộc biểu tình, là do chủ các trạm xăng phương Tây, thông đồng với nhau để tăng giá khí đốt hóa lỏng. Vào thời điểm đó, Tokayev vẫn gọi là “những người biểu tình”.
Các cuộc biểu tình quy mô lớn tiếp tục lan rộng vào ngày 4/1. Các thành viên của Ủy ban chính phủ, đã gặp những người biểu tình tại quảng trường Aktau, một trong những thành phố nơi bắt nguồn cuộc biểu tình, và hứa sẽ giảm giá khí đốt hóa lỏng xuống 60 tenge/lít, bằng trước khi tăng giá.
Nhưng vào thời điểm này, các cuộc biểu tình trên khắp đất nước, bắt đầu đòi chính phủ và ông Nursultan Nazarbayev (Tổng thống đầu tiên của Kazakhstan), người vẫn giữ quyền lực đáng kể trong đời sống chính trị của Kazakhstan từ chức.
Cuối ngày 4/1, có thông tin cho rằng, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động bắt đầu ở Almaty, và cảnh sát đã sử dụng vũ khí để giải tán người biểu tình.
Vào thời điểm đó, Tokayev vẫn gọi là “người biểu tình”, nhưng cũng đề cập đến “những cá nhân phá hoại có ý định gây bất ổn và làm mất ổn định xã hội của chúng ta”.
Trong một bài phát biểu trước truyền hình quốc gia, ông Tokayev kêu gọi nhân dân không bị cuốn vào những luận điệu tuyên truyền sai trái; đồng thời kêu gọi đối thoại để giải quyết khủng hoảng.
Vào ngày 5/1, tình hình Kazakhstan đột ngột trở nên căng thẳng, sân bay quốc tế Almaty bị 40 kẻ bạo loạn chiếm đóng. Tổng thống Tokayev tuyên bố chấp nhận việc chính phủ từ chức và lập chính phủ mới, đồng thời thay thế thủ tướng.
Khi tình hình leo thang quá nhanh, vào ngày 5/1, ông Tokayev đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ CSTO để vượt qua “mối đe dọa khủng bố”. Theo ông Tokayev, “các nhóm khủng bố quốc tế” đang hoạt động ở nước này, chiếm giữ cơ sở hạ tầng, bao gồm cả sân bay Almaty, và chiến đấu với quân đội Kazakhstan.
Vào tối ngày 5/1, Tổng thống Tokayev lại phát biểu trên truyền hình quốc gia, tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Ông cho biết, các cuộc biểu tình hiện nay không đơn giản, chúng có tổ chức cao và có kẻ chủ mưu đứng sau.
Để làm dịu tình hình, ông tuyên bố sẽ tiếp quản Chủ tịch Ủy ban an ninh và có hiệu lực ngay lập tức; trước đó, Chủ tịch Ủy ban an ninh do cựu Tổng thống Nazarbayev đảm nhiệm.
Tối 5 - 6/1, Almaty tuyên bố triển khai “các hoạt động chống khủng bố”; vào sáng ngày 6/1, tin tức về cuộc đấu súng giữa hàng trăm binh sĩ và những người biểu tình có vũ trang tại địa điểm biểu tình đã được nhiều người biết đến.
Báo cáo của cảnh sát cho biết, hàng chục kẻ bạo loạn chiếm các trụ sở chính quyền và đồn cảnh sát tại Almaty, đã được “dọn dẹp” ngay trong đêm.
Vào ngày 7/1, Tổng thống Tokayev đã có bài phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia lần thứ ba (kể từ khi cuộc biểu tình nổ ra). Ông nói: “Những kẻ khủng bố tiếp tục phá hủy tài sản nhà nước và tư nhân; sử dụng vũ khí chống lại công dân. Tôi đã ra lệnh cho các cơ quan thực thi pháp luật và quân đội nổ súng, mà không cần cảnh báo”.
Lần này, theo Tổng thống Kazakhstan, các nhân viên thực thi pháp luật Kazakhstan đang đối phó với “những tên côn đồ có vũ trang được huấn luyện, cả trong và ngoài nước”.
Ngày 8/1, lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO đã đến Nur-Sultan, thủ đô của Kazakhstan và bắt đầu thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Khi tình hình ở Kazakhstan dần ổn định, Tổng thống Tokayev tuyên bố ngày 10/1 là ngày quốc tang để tưởng nhớ nhiều nạn nhân của cuộc bạo loạn.
Tổng thống Tokayev đã hứa vào ngày 10/1 rằng, Kazakhstan sẽ cung cấp thêm bằng chứng cho cộng đồng quốc tế để thế giới bên ngoài đánh giá những kẻ khủng bố trong và ngoài nước này là ai, sau khi điều tra kỹ lưỡng.
Ảnh : Lực lượng an ninh Kazakhstan trấn áp lực lượng bạo loạn. |
Ai đứng sau cuộc bạo loạn?
Trong bối cảnh hỗn loạn của Kazakhstan, vụ bắt giữ ông Karim Massimov, cựu thủ tướng và cựu chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia (Bộ An ninh), vì tình nghi phản quốc, dường như tương ứng với những gì ông Tokayev nói là một âm mưu đảo chính.
Vào ngày 6/1, ông Tokayev thông báo rằng, Massimov sẽ bị cách chức. Theo thông báo của Hội đồng An ninh Quốc gia Kazakhstan (Bộ An ninh) vào ngày 8/1, vào ngày 6/1, Bộ An ninh nước này đã bắt đầu các thủ tục trước khi tiến hành bắt giữ đối với Massimov về tội phản quốc; hiện Massimov đã bị bắt.
Massimov, 56 tuổi, từng hai lần giữ chức thủ tướng Kazakhstan từ năm 2007 đến năm 2012 và từ năm 2014 đến năm 2016. Ông được Tổng thống Nazarbayev bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an (Bộ An ninh) từ năm 2016 và là cộng sự thân cận của tổng thống đầu tiên của Kazakhstan.
Một số nhà phân tích cho rằng, Massimov bỏ lỡ khả năng trở thành người kế nhiệm Nazarbayev, vì ông không phải là người dân tộc Kazakhstan.
Tổng thống Tokayev tuyên bố vào ngày 8/1 rằng, ông đã cách chức Azamat Abdemomonov, Phó tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia (Bộ An ninh). Vào ngày 9/1, hai phó chủ tịch của Bộ này là Osipov và Ergoren cũng bị cách chức.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình “Khabar 24” ngày 7/7, cựu cố vấn của Nazarbayev và là cựu Bộ trưởng Văn hóa và Thông tin Kazakhstan, Yermukhamet Ertisbayev đã chỉ ra rằng, Kazakhstan đang trong tình trạng hỗn loạn, liên quan đến sự phản bội của “một người nào đó”, trong các cấp quyền lực cao nhất của đất nước.
Ertisbayev cho rằng việc Tokayev “đại tu” Hội đồng An ninh Quốc gia, là do Bộ này che giấu thông tin rằng, các phần tử khủng bố đã thiết lập các trại huấn luyện ở Kazakhstan và đã tồn tại vài năm. “Kẻ phản bội đứng đầu chính phủ” là lý do khiến tình hình trở nên xấu đi nhanh chóng, và mục đích của những kẻ âm mưu là lật đổ Tổng thống Tokayev.
Ngoại trưởng Kazakhstan Erlan Kalin phát biểu trên Đài truyền hình “Habar 24” vào ngày 10/1 rằng, vụ việc xảy ra ở nước này là một cuộc tấn công khủng bố hỗn hợp, nhằm gây bất ổn và sau đó phát động một cuộc đảo chính.
Ông nhấn mạnh rằng có một âm mưu của các lực lượng Kazakhstan bên trong và bên ngoài liên kết chặt chẽ với nhau, và cơ quan tình báo Kazakhstan sẽ đưa ra câu trả lời cuối cùng cho “ai đứng sau cuộc bạo loạn”.
Được biết, vào ngày 10, hai đại diện cấp cao của các cơ quan thực thi pháp luật đã chết ở Kazakhstan. Một trong số đó là Cảnh sát trưởng bang Zhanat Zanat Sulemenov đã tự sát. Trong trường hợp thứ hai, Azamat Ibrayev, một đại tá của Hội đồng An ninh Quốc gia Kazakhstan, được tìm thấy đã chết trong sân nhà.
|
Ảnh : Quân đội Nga được yêu cầu khẩn cấp đến giúp đỡ dẹp tan bạo loạn tại Kazakhstan theo yêu cầu của Tổng thống Tokayev. |
Ảnh hưởng của Nga ở Kazakhstan có thể được tăng cường
Điện Kremlin ngày 8/1 cho biết, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Kazakhstan Tokayev đã có một cuộc điện đàm “dài” để thảo luận về tình hình Kazakhstan sau tình hình bất ổn chưa từng có. Tokayev cảm ơn CSTO, “đặc biệt là” Nga, đã giúp Kazakhstan dập tắt các cuộc bạo loạn vũ trang nổ ra trước đó.
Tại cuộc họp CSTO ngày 10/1, Tokayev cho biết tại cuộc họp rằng trật tự nội địa trong nước đã được khôi phục, nhưng việc truy quét khủng bố vẫn đang tiếp tục.
|
Ảnh: Quân đội Nga canh gác các mục tiêu trọng yếu tại Kazakhstan. |
Ông Putin nêu rõ tại cuộc họp rằng, vụ việc ở Kazakhstan này không phải là lần đầu tiên ai đó cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ của khu vực và cũng sẽ không phải là lần cuối cùng. CSTO sẽ không cho phép “cuộc cách mạng màu” diễn ra, và tình hình ở Kazakhstan liên quan đến tất cả các nước CSTO.
CSTO là một liên minh quân sự liên chính phủ do Nga lãnh đạo, với các thành viên bao gồm Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Belarus.
Việc cử binh sĩ tới Kazakhstan là lần đầu tiên CSTO triển khai quân đội tới một quốc gia thành viên trong lịch sử 20 năm của mình. Putin dự định tăng cường sự hiện diện của tổ chức và mở rộng ảnh hưởng của Nga ở Trung Á.