Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, sáng ngày 20/5, Đồng chí Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hiện trạng của hòn Trống Mái đã và đang xảy ra sụt lún, xuất hiện khe nứt, và ít nhiều bị bào mòn qua thời gian. Sở đang hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu đánh giá các tác động cu thể trình UBND tỉnh để có kinh phí duy tu, bảo tồn di sản này.
Hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long (còn gọi là hòn Gà chọi) gồm 02 đảo đá nhỏ có hình thù như một đôi gà trống mái cao khoảng 10m, là một trong những biểu tượng của Di sản thế giới Vịnh Hạ Long nằm ở phía Tây Nam của Vịnh.
Hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long là biểu tượng của Di sản thế giới Vịnh Hạ Long. |
Trải qua quá trình hoạt động địa chất, kiến tạo và sự tác động của nước biển, hòn Trống Mái có cấu tạo đơn nghiêng với nhiều hệ thống khe nứt, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt, lở hoặc bị biến dạng làm mất đi hình ảnh biểu tượng của di sản thế giới Vịnh Hạ Long.
Vì thế, việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, thiết thực phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, và phát huy giá trị di sản cho nhiều thế hệ.
Sở KHCN tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh bắt đầu thực hiện từ năm 2021.
Sở KH&CN đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh bắt đầu thực hiện từ năm 2021. Đồng chí Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở KH&CN làm Chủ tịch hội đồng. |
Dự án "Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái- Vịnh Hạ Long” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đăng ký chủ trì thực hiện.
Thuyết minh nhiệm vụ do ThS. Hồ Tiến Chung thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tại Hội đồng đã nêu rõ 02 mục tiêu chính: Đánh giá hiện trạng và phân tích các yếu tố ảnh hưởng hòn Trống Mái- Vịnh Hạ Long; đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái – Vịnh Hạ Long.
Hội đồng tư vấn đã có rất nhiều ý kiến phản biện, trao đổi với nhóm thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng đã tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng và đưa ra kết luận: Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa thực tiễn.
Du khách đến Vịnh Hạ Long chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của hòn Trống Mái. |
Các nội dung thực hiện nhiệm vụ trong thuyết minh: tập trung phân tích các công trình nghiên cứu của nước ngoài liên quan đến nhiệm vụ, phân tích các kết quả nghiên cứu đã được triển khai thực hiện trên vịnh Hạ Long liên quan đến địa chất, địa mạo,...; bổ sung sơ đồ vị trí nghiên cứu, hình ảnh hòn Trống Mái từ các góc nhìn khác nhau, những nguy cơ gặp phải của hòn Trống Mái để luận giải tính cấp thiết thực hiện nhiệm vụ; hình thành điểm quan trắc (thay bằng trạm quan trắc).
Xem xét đánh giá yếu tố động đất, các yếu tố cực đoan như: ngưỡng diễn biến của bão, sóng, gió từ bão, mức độ ăn mòn đá vôi của nước biển,...; bổ sung nghiên cứu động vật sống đáy, ảnh hưởng của tàu thuyền du lịch; rà soát lại các thuật ngữ chuyên môn cho phù hợp...
Được biết, đây là dự án "nhiệm vụ cấp tỉnh" gấp rút thực hiện trong năm 2021 nhằm khắc phục các nguy cơ gặp phải của hòn Trống Mái và duy tu, bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới "Có một-không-hai" này.
>>>> Mời xem video: Hình ảnh hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long.
Thực hiện: Gia Hân.