Thế nhưng tiền nhân cũng có câu “con giun xéo lắm cũng oằn”, huống hồ gì tôi là người chứ không phải giun, dế.
Và giọt nước đã tràn ly khi mới đây, giữa đám bạn bè thân sơ của tôi, Thu Giao đã nói: “Cái bản mặt của mấy ông, mặt nào mà không úp vô chỗ đó? Đừng có nói mình đàng hoàng chính trực, như cái lão Quân nhà tôi đó, lù khù như vậy mà cuối cùng cũng đổ bể chuyện bồ bịch, con rơi”. Tôi ngượng chín người.
Cứ mỗi lần có khách khứa, bạn bè, người thân đến chơi, nói chuyện một hồi là nàng khơi lại chuyện cũ và nói về tôi như một thứ rác rưởi. Mà cái chuyện bồ bịch xảy ra cũng đã lâu rồi, tôi biết mình có lỗi nên không bao giờ dám hó hé.
Lần đó không phải tôi chủ tâm phản bội mà vì Ngọc Mai rắp tâm “hại đời trai” của tôi để kiếm một đứa con hủ hỉ khi về già. Trong khi tôi có chút hơi men, cô ta xông vào phòng lột hết quần áo của tôi ra thì thử hỏi có là thánh thần mới chịu ngồi yên không làm gì. Chỉ một lần duy nhất thôi mà Ngọc Mai có bầu, sinh con. Cô ấy giấu biệt, không khai tác giả của cái bào thai dù cơ quan kiểm điểm, kỷ luật lên bờ, xuống ruộng. Tôi thấy vậy, bất nhẫn quá nên đứng ra tự nhận. Vì chuyện ấy mà tôi bị kỷ luật từ anh phó phòng bị chuyển xuống làm nhân viên, còn Ngọc Mai xin nghỉ việc và đi biệt tăm, biệt tích.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Mẹ tôi bực lắm nhưng không dám ra mặt bênh con trai. Bà bảo tôi: “Thôi, dù sao thì con cũng có lỗi, nhịn nó đi cho yên cửa, yên nhà”. Tôi nghe lời mẹ, tránh voi chẳng xấu mặt nào. Nhưng khổ thân tôi, thứ mà tôi gặp lại là cọp, mà là cọp đang say mồi. “Tôi không có tha thứ cho anh đâu, đừng hòng. Tới chết tôi cũng không quên”- Thu Giao gầm gừ mỗi khi nhắc tới chuyện cũ.
Không biết có phải vì quá hung dữ mà nàng bị báo ứng, ở với tôi 13 năm rồi mà chẳng một lần chửa đẻ. Nàng đổ thừa tại tôi làm nàng ức chế nên không đậu thai. Tôi nói: “Anh đã biết lỗi rồi, từ đó tới giờ anh có dám hó hé gì đâu? Em phải biết, con người ta không ai toàn mỹ cả...”. Tôi chưa dứt lời, vợ tôi đã gầm lên: “Đừng có ngụy biện. Đàn ông các anh, thấy gái là tươm tướp như mèo thấy mỡ. Đó, mấy ông bạn của anh đó, cả sếp của anh nữa đó, có thằng cha nào không gái gú?”. Tôi vẫn cố đùa cho nàng nguôi giận: “Vậy thì hà cớ gì em ghen cho mệt? Bản tính của giống đực nó vậy mà...”. Lần này tôi không ăn chửi mà lãnh nguyên một cái tát tai: “Anh dám có lần nữa không? Tôi thách đó!”.
Tôi giận tái mặt định ăn miếng trả miếng nhưng rồi chợt nhớ lời mẹ tôi dặn. Thôi thì tránh hổ chẳng xấu mặt nào. Vợ mình mình nhịn chớ nhịn vợ ai mà xấu hổ? Với lại mình có lỗi, đã gây cho vợ một vết thương lòng quá lớn, trách chi nàng chẳng thay đổi tính nết, ngày xưa nàng đâu có vậy? Nếu vậy, tôi đã không dám cưới...
Tuy đã an ủi như vậy nhưng thật sự trong lòng tôi đã trào dâng một niềm ngán ngẫm. Tôi rất sợ mỗi khi nghĩ tới vợ dù mình chẳng làm thêm lầm lỗi gì. Đôi khi tôi ước ao, giá mình có một đứa con thì có lẽ cuộc sống vợ chồng đã khá hơn. Vợ tôi sẽ tập trung lo cho con cái mà quên nỗi bực dọc với chồng; còn tôi cũng có đứa con để bầu bạn, chia sẻ...
Thế nhưng mong ước chỉ là mong ước. Tôi bảo nàng đi khám, điều trị nhưng nàng nhất quyết không đi vì “trời cho sao để vậy”. Ác một nỗi, lần nào tôi nhắc chuyện đi điều trị vô sinh, nàng cũng gầm gừ: “Muốn kiếm chuyện với tôi để đem thằng nhỏ đó về hả? Còn lâu. Trừ khi tôi chết thì anh mới đạt được ước nguyện”.
Trời ạ, dù vợ tôi có hung dữ nhưng tôi đâu xấu đến nỗi mong cho nàng chết? Tôi chỉ không muốn thấy mặt nàng, không muốn nghe nàng chửi mắng rầy la, không muốn làm chuyện vợ chồng với nàng chớ cơm nàng nấu thì vẫn ngon hơn cơm bụi gấp nhiều lần. Tôi vẫn gọi đùa nàng là “thạc sĩ nấu ăn ngon”, nhất là khi có bạn bè đến nhà lai rai, nàng làm mồi thì ai cũng phải nể phục.
Phải công nhận là nàng có nhiều ưu điểm. Ở công ty, nàng được sếp tin tưởng, nhân viên thương mến; trong nhà (của nàng) thì nàng là một đứa con hiếu thảo; đối với bạn bè, nàng cũng quan tâm hết lòng. Chỉ có với tôi và gia đình tôi thì nàng xếp vào diện “kẻ thù nhưng phải đội trời chung”. Nàng tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để miệt thị...
Cho đến lần gần đây nhất thì cái ly tức giận của tôi đã bị nàng rót tràn. Đám bạn tôi quen nghe nàng “chửi hay như hát” nên cười hề hề. Còn tôi, tự dưng bỗng thấy mình mất giá thê thảm. Khi mọi người về hết, dọn dẹp xong, tôi bảo nàng: “Chừng nào thì em mới thôi chửi mắng, miệt thị anh trước mặt bạn bè như vậy?”. Nàng trừng mắt nhìn tôi: “Chừng nào tôi chết!”. Tôi bảo nàng: “Anh không muốn em chết nhưng anh không bao giờ muốn nghe nữa”. “Vậy thì anh cút đi”.
Vừa nói, Thu Giao vừa xông vào vừa cấu xé, chửi mắng bằng rất nhiều ngôn từ mà tôi không thể nào nghĩ là lại có trong vốn từ của một người có ăn học như nàng. Cho tới khi cái áo tôi mặc trên người bị rách toạc một đường trên lưng thì tôi hết chịu đựng nổi. Tôi xô mạnh Thu Giao ra: “Cô đúng là con chó điên. Sống với cô có ngày tôi cũng bị tâm thần”.
Tôi thu dọn quần áo trong tiếng gào rít của vợ. Nhưng lần này nàng không dám xông vào cắn xé vì biết đã chạm đến tận cùng sự chịu đựng của tôi. “Đi đi, đi luôn theo nó đi”- nàng chỉ gào lên khi tôi dắt xe ra cổng.
Tôi không theo ai cả. Tôi về nhà cha mẹ của mình để suy nghĩ về cuộc hôn nhân tai quái của mình. 13 năm qua, tôi giam cuộc đời trong lao tù của cái gọi là duyên nợ. Và bây giờ, có lẽ tôi nên dứt ra để tìm sự thanh thản cho những ngày còn lại của cuộc đời mình. Lần này, mẹ tôi bảo: “Thôi thì tùy con”. Tuy nói vậy nhưng tôi biết các đấng sinh thành của tôi rất buồn.
Còn vợ tôi, hẳn nàng cũng buồn vì không có ai để trút giận nên chiều chiều lại tới trước cổng cơ quan của tôi chờ đợi. Trông thấy tôi từ xa, nàng đã lao tới chận ngay đầu xe và... cười. Chỉ khi tôi cho xe vọt đi thì nàng mới chửi với theo.
Cứ như vậy, đến nỗi sếp tôi nói: “Cái số cậu thiệt khổ. Đi cũng dở mà ở thì chắn chắc không xong rồi”. Tôi cũng nghĩ như vậy. Và tôi liên tưởng đến việc con cọp của tôi sẽ lồng lên khi tôi đòi ly dị, khi ra tòa...
Chỉ nghĩ đến đó, tôi đã ớn lạnh xương sống. Tôi không biết mình có đủ lý lẽ và dũng khí để ly hôn hay không?