Hôn nhân rỗng

Những âu yếm dịu dàng xưa đã trở thành quá vãng, những khái niệm văn vẻ lãng mạn như ôm hôn, vòng tay gì đấy cũng đã quá xa xôi.

Hôn nhân rỗng

Sau vài hồi chuông, vợ tôi bắt máy, nhưng không buồn lên tiếng. Qua điện thoại, tôi nghe vợ bảo, Bin, nói chuyện với ba đây này. Thằng cu con hơn ba tuổi nói với tôi được vài câu, mải chơi, vội vàng kết thúc bằng cách liệng cái điện thoại xuống ghế. Sau đó ít giây, kết nối bị ngắt. Cuộc gọi hỏi thăm tình hình ở nhà đến đó là xong.

Không nhớ từ lúc nào, vợ chồng tôi ít trao đổi với nhau. Nếu tôi không chủ động gọi về, vợ sẽ chẳng bao giờ “làm phiền” đến chồng. Dù tôi có đi nhậu về khuya và cố tình không báo gì, vợ cũng thờ ơ. Có những khuya, một mình trở về nhà sau một chầu túy lúy nào đó, tôi đã chợt nghĩ rằng, nếu như tôi có gặp chuyện gì ngoài đường, thì chắc cũng còn lâu lắm, hoặc phải có ai báo, thì vợ mới biết tin…

Tin nhắn tôi gửi cho vợ hầu hết là “truyền thông một chiều”. Họa hoằn lắm, vợ mới xác nhận lại bằng hai ký tự “ok” cụt ngủn. Đã lâu lắm rồi, hai vợ chồng tôi không đi ăn bên ngoài với nhau. Dù tôi biết, vợ tôi thi thoảng vẫn ăn cơm trưa với đối tác hay đồng nghiệp, và vào một vài buổi tối nào đấy, vợ tôi báo sẽ ra ngoài có việc. Những dịp đó, vợ ăn mặc đẹp, trang điểm nhẹ, và có vẻ vui. Tôi biết, vợ không ngoại tình, và tôi cũng vậy.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Cứ thế, chúng tôi gần gũi nhau trong thinh lặng. Như một thủ tục, thưa thớt dần. Tôi chẳng biết vợ có miễn cưỡng “hầu hạ” chồng hay không, nhưng dường như hứng khởi của một người đàn ông trong việc đó ngày càng vơi cạn. Có lẽ bởi rất ít khi nắm lấy tay nhau, hiếm khi chạm vào nhau, thậm chí cũng không nhìn vào mắt nhau, nên việc “đụng” vô người kia sẽ làm cho cả hai e ngại chăng?

Nghe đâu đó có người bảo rằng, cuộc sống ngày càng đầy đủ, hiện đại thì người ta cũng ngày càng cách xa nhau hơn, thu mình lại trong cái vòng quay của công việc, kiếm tiền, rồi tiêu xài. Vợ chồng tôi, lẽ nào cũng không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy? Những âu yếm dịu dàng xưa đã trở thành quá vãng, những khái niệm văn vẻ lãng mạn như ôm hôn, vòng tay gì gì đấy cũng đã quá xa xôi. Chúng tôi có mối quan tâm chung là con cái, và vẫn chú tâm lo cho gia đình. Nhà được mua sắm thêm vật dụng, từ đồ điện máy cho tới đồ sứ trong bếp, từ bộ drap giường loại tốt cho tới những món đồ chơi đắt tiền cho con, chẳng hạn. Có ai “lo ra” hay phản bội gì đâu. Càng không thấy mâu thuẫn gì rõ rệt. Thế nhưng, tôi vẫn cứ thấy cô quạnh.

Chủ động thay đổi ư? Có cái gì đó ngăn cản tôi rủ vợ con đi coi phim hay dạo phố. Nghĩ mãi, tôi mới nhận ra, vợ tôi luôn tìm cách lảng tránh những dịp đông đủ cả nhà. Chẳng lẽ, tôi phải hỏi thật rằng, xuất hiện cùng chồng con ở nơi công cộng sẽ làm vợ mất mặt thật sao? Nhưng tôi không nỡ. Tôi sợ một câu trả lời vô thưởng vô phạt, như tôi đã từng nhận được khi thẳng thắn hỏi vợ về lý do tại sao mối quan hệ giữa chúng tôi ngày càng ơ hờ tẻ nhạt đến thế. Em có người đàn ông khác chăng? Vợ tôi ngạc nhiên hỏi ngược lại, rằng tôi khùng sao mà nghĩ vậy. Định gắp lửa bỏ tay người, xúc phạm nhau ư?

Chúng tôi cũng đâu đến nỗi quá già nua bệnh tật gì để chôn vùi đời mình vào cuộc sống thế này, mạnh ai nấy biết, đau buồn khổ sở vất vả gì cũng giấu kín, về nhà làm bạn với máy tính bảng hay ti vi. Đành tự an ủi rằng, hy vọng rồi giai đoạn “tuột dốc” này cũng sẽ qua, đừng nôn nóng thất vọng, đừng ai khuấy tung sự bình yên trống trải này, biết đâu càng thêm hối hận muộn phiền…

Bảo vật hôn nhân

Chị khư khư giữ tờ giấy đăng ký kết hôn như một bảo vật. Chị cho rằng, giá trị cuộc hôn nhân của chị nằm ở tờ giấy ấy.

Bảo vật hôn nhân

Sinh nhật lần thứ mười của con gái cũng là chừng ấy năm vợ chồng chị ly thân. Mỗi lần con gái nhắc đến cha, chị lại giận phừng phừng, chửi toáng. Mối hận ấy lại được dịp trào lên cách đây một tuần, khi chồng chị về quê đơn phương ly hôn.

Trước đây, hai người cùng làm công nhân, ở trọ, phát sinh tình cảm với nhau. Sau khi cưới, chị mang thai nên về quê mẹ chờ ngày sinh nở. Anh phải lòng một cô gái khác và thật sự yêu thương cô gái ấy. Anh về nhà thú thật mọi chuyện cho chị biết, cả việc cô ấy đang mang thai. Lúc đó, chị mới sinh con được ba tháng. Gần như hóa điên, chị bỏ ăn, suốt ngày khóc lóc, chửi bới, than vãn. Chị gửi con gái lại cho bà ngoại, lên thành phố, tìm tình địch để đánh ghen. Cay đắng là trước mặt rất đông người, anh hùng hổ tuyên bố, xưa nay chưa bao giờ yêu chị. Anh ta còn ngoa ngoắt: "Là cô dụ dỗ tôi, gài bẫy dính bầu để ép tôi cưới". Chị đau đớn, tổn thương trước những lời nói như xát muối vào lòng của chồng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Được người thân trong gia đình động viên, chị dần nguôi ngoai, để con gái cho bà nội nuôi, lên thành phố làm công nhân, gửi tiền về phụ bà nuôi con. Dù vậy, chưa bao giờ chị quên mối hận chồng. Chị không tiếc tiền điện thoại để nhắn tin, gọi điện hỏi thăm người quen này, bà con kia về cuộc sống riêng của chồng. Chị hả hê vui sướng khi họ cho biết, chồng chị giờ thất nghiệp, ở nhà vợ nuôi. Rồi chị lại buồn bã khi nghe nói, chồng chị giờ đã lên làm quản lý cho một hãng nào đó. Thi thoảng, chị còn đổi số điện thoại mới, nhắn tin tình tứ chọc phá chồng cũ để vợ chồng họ xào xáo.

Những khi nhà chồng có giỗ chạp, chị ăn diện đẹp đẽ, trêu ngươi vợ nhỏ của chồng. Chị tự hào: “Dù sao tôi cũng là vợ chính thức, có hôn thú đàng hoàng, nó chỉ là con đĩ cướp chồng người khác. Dù có con, nó cũng chẳng có danh phận”. Đó cũng là nguyên nhân chị khư khư giữ tờ giấy đăng ký kết hôn như một bảo vật. Chị cho rằng, giá trị cuộc hôn nhân của chị nằm ở tờ giấy ấy. Lần nào đám giỗ chưa xong, cô vợ trẻ của chồng chị cũng nước mắt ngắn dài bắt xe lên thành phố ngay. Mẹ chồng thương con gái chị nên cũng về hùa với chị, nặng lời với cô con dâu hờ. Nhưng, có một sự thật chị không biết, là bà vẫn âm thầm quan tâm con trai. Chị không biết máu mủ, ruột rà chẳng thể bỏ nhau. Mẹ chồng sợ chị bắt mất cháu nên trước mặt chị luôn làm ra vẻ quý trọng chị như một cô con dâu tuyệt vời.

Những năm qua, vì dùng dằng chuyện ly hôn mà chồng chị và cô vợ trẻ kia nhiều lần cơm không lành canh không ngọt. Chị đay nghiến: “Đừng mơ con này sẽ ly hôn để con của nó có khai sinh cha mẹ đầy đủ. Con của tao mà không có cha thì con của nó cũng phải vậy”. Chị cương quyết không chịu ly hôn. Thuyết phục chị mãi không được, anh đã về quê, đến tòa án huyện đơn phương xin ly hôn.

Anh gọi điện thông báo mình đã làm xong thủ tục ly hôn, nếu chị không về, tòa sẽ phán quyết theo quy định pháp luật. Chị lại một lần nữa hóa điên, gào khóc, chửi bới. Chị bảo anh là thằng đốn mạt, thằng đê tiện đã làm khổ cả đời chị. Cuối cùng thì tờ giấy kết hôn bao năm chị gìn giữ cũng chẳng còn tác dụng gì. Trước giờ, chị vẫn luôn ôm ấp hy vọng một ngày nào đó anh sẽ chán cô vợ trẻ mà quay về với mẹ con chị. Chị luôn tin câu nói: “Cáo chết ba năm cũng quay đầu về núi”. Nghe những tâm sự của chị, tôi không khỏi xót xa, vừa thương, vừa giận một người đàn bà yêu đến mê muội, mù quáng.

Gần ngày giỗ ông nội, con gái gọi điện tỉ tê dặn dò: “Mẹ ơi! Mẹ nhớ về quê với con”. Chị hét lên trong điện thoại: “Mày ngu vừa vừa thôi. Người ta ly hôn mẹ rồi, mày còn biểu tao vác mặt về đó cho mang nhục à? Tao đâu phải dâu con gì mà về. Từ nay tao cắt đứt mọi quan hệ với dòng họ bên nội nhà mày, biết chưa?”. Chửi chồng chán, chị quay sang chửi con. Chị bảo, chính vì sinh ra nó nên cuộc đời chị mới thảm hại. Nếu không có con, giờ chị đã có thể dễ dàng tìm cho mình một mái ấm mới. Tội nghiệp con bé, chỉ mới mười tuổi nhưng đã không biết bao lần rơi nước mắt vì những lời nhục mạ, chửi bới của mẹ. Chị hận chồng nên trút giận lên đầu con. Chị không biết, chính chị đang làm tổn thương con gái mình.

Mười năm không hề ngắn, sao chị vẫn không chịu quên đi cuộc hôn nhân dang dở ấy? Phải chi chị đừng vịn vào tờ giấy kết hôn để nuôi hy vọng suốt mười năm qua thì chị đã không phải đau khổ, thất vọng như vậy. Phải chi chị mạnh mẽ và dứt khoát để một lần chia tay, giờ có lẽ chị và con đã có một cuộc sống bình yên. Phải chi chị hiểu, con gái nhỏ của chị không hề có tội trong chuyện này, chỉ là nạn nhân của một cuộc hôn nhân “chết yểu” để biết yêu thương con hơn...

Hôn nhân rạch ròi ngay từ đầu

Cái tin chị Nga ly hôn nhưng vẫn bảo toàn được toàn bộ tài sản còn anh chồng phải ra đi tay trắng khiến ai cũng hả lòng hả dạ...

Hôn nhân rạch ròi ngay từ đầu

Gần một tháng nay, anh em họ hàng vẫn không ngớt bàn tán, khen chị Nga có học, hiểu biết pháp luật có khác, phải người khác thì giờ đã mất trắng hoặc phải chia đôi tài sản cho người chồng bội bạc ấy.

Chị Nga là con bác ruột tôi, học xong trung cấp nghề, chị được nhận vào làm ở một khách sạn có tiếng. Tại đây, chị gặp gỡ rồi yêu anh Trung. Ngày chị đưa anh về nhà giới thiệu, tìm hiểu gia cảnh anh, bác tôi rất ái ngại. Nhà anh đông con, kinh tế khó khăn, nếu cưới nhau về anh chị phải thuê nhà sống. Nhưng chị trước sau chỉ yêu và muốn lấy anh nên cuối cùng bác tôi đành chấp nhận.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Hai bác tôi có kinh tế nên hồi môn cho con gái khi lấy chồng là mảnh đất 70m2 cùng ngôi nhà hai tầng xây sẵn. Sau ngày cưới, anh chị xin bố mẹ chồng ra sống riêng tại đó. Với tài sản của bố mẹ cho, chị Nga nói rõ với chồng sẽ hợp thức hoá quyền sử dụng riêng mang tên chị. Nghe vậy, anh Trung giận dỗi bảo là vợ chồng rồi cái gì cũng là của chung, sao vợ lại phân biệt rạch ròi. Bố mẹ chồng biết chuyện cũng sang hờn mát con dâu bảo coi "của riêng" hơn chồng; rằng sống với nhau cả đời mà còn phân biệt "của tôi, của anh". Ngày đó thấy tình hình căng thẳng, tình cảm vợ chồng có rạn nứt vì chuyện "của riêng", bố mẹ chị khuyên cứ để tên hai vợ chồng trong sổ đỏ nhà đất, đã là vợ chồng thì đi đâu mà thiệt. Nhưng chị Nga vẫn trước sau giữ nguyên ý định, còn bảo nếu anh không thích sống trong ngôi nhà đó thì hai vợ chồng sẽ đi thuê nhà.

Rồi anh chị ra ngoài ở nhà thuê, ngôi nhà đó chị Nga cho thuê lại. Chị phân chia luôn trách nhiệm kinh tế trong gia đình, anh sẽ phải lo khoản tiền nhà trọ, điện nước hàng tháng, chị lo khoản ăn uống, quần áo, sữa bỉm cho con. Thời gian đầu, cuộc sống tạm ổn nhưng sau đó rất khó khăn vì anh Trung bị thất nghiệp. Bấy giờ chị Nga vừa động viên vừa thuyết phục chồng về lại căn nhà kia sống và lên kế hoạch làm ăn. Bởi căn nhà đó có mặt tiền rộng thuận tiện cho việc mở cửa hàng nên chị tính vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng, giao cho chồng quản lý. Thật may, buôn bán đắt hàng nên họ nhanh chóng ổn định cuộc sống trở lại. Công việc thuận lợi, làm ăn phát đạt, anh Trung bỗng chốc trở thành ông chủ tiền tiêu rủng rỉnh. Họ mua được căn nhà lớn hơn, căn nhà cũ vẫn giữ nguyên và cho thuê lại.

Thế nhưng cuộc sống viên mãn ấy không được bao lâu. Anh Trung sau khi có tiền đã dính vào bài bạc, sinh tật xấu đèo bòng. Chị Nga hết lòng khuyên nhủ chồng rồi nhờ đến bố mẹ hai bên, chính quyền can thiệp nhưng chẳng thể kéo anh quay về. Chỉ trong một thời gian ngắn, bao nhiêu tiền của đội nón ra đi. Cộng thêm chuyện anh vẫn không chấm dứt tình cảm ngoài luồng nên vợ chồng mâu thuẫn liên tục. Cuối cùng chị Nga quyết định ly hôn.

Ngày ra toà, anh Trung đòi chia đôi tài sản còn hai đứa con thì "nhường" cho chị toàn quyền nuôi. Chị Nga đồng ý toàn quyền nuôi con nhưng tài sản thì nhất định không chịu chia đôi với lý do mảnh đất, căn nhà kia là của chị. Chị mang toàn bộ giấy tờ ra chứng minh. Toà xử cho họ ly hôn, anh Trung không được quyền chia tài sản. Lúc bấy giờ, mọi người mới nhận ra cái lý của việc trước đây chị Nga kiên quyết bảo vệ “của riêng” đến cùng.

Sòng phẳng với mẹ chồng

Chồng hiểu, vợ chẳng phải chê quà của mẹ nhưng tính vợ không thích nợ nần. Mỗi lần mẹ gửi đồ thì vợ cũng đáp lại ngay, nhưng vợ à...

Sòng phẳng với mẹ chồng

Vợ chồng mình sống cách nhà nội chưa đến mười lăm cây số nhưng hiếm khi vợ chịu về chơi. Tuần nào, vợ cũng lấy cớ bận, nào họp hành, làm điểm, soạn bài…để chồng lủi thủi một mình về thăm nhà. Chồng biết, vợ chẳng bận đến mức ấy nhưng vợ không thoải mái khi về quê, vừa gò bó vừa mất ngày cuối tuần để xả hơi, thư giãn. Biết tính vợ thế nên chồng chẳng ép, nhưng nhìn cách vợ đối xử với những món quà từ quê, chồng thấy buồn trong lòng…

Lần nào cũng vậy, mẹ thấy chồng về một mình đều hỏi sao vợ không về. Câu trả lời của chồng lúc nào cũng giống nhau nên lâu dần mẹ chẳng hỏi nữa. Chỉ thấy mẹ lẳng lặng gói ghém một thứ một ít gửi lên cho vợ. Khi thì chục trứng gà ta, nải chuối nhà, con bồ câu non, lúc thì ít đậu phộng rang, chục cân gạo, trái bí, mớ rau trong vườn… Lần đầu, chồng hào hứng xách về, nhưng rồi ánh mắt ơ hờ, cái thở dài đánh sượt của vợ làm chồng mất hứng. Nhưng không thể từ chối món quà của mẹ, lúc nào cũng được gói cẩn thận treo sẵn ở giỏ xe nên chồng lẳng lặng mang về.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Đến lần thứ tư, vợ bắt đầu lên tiếng phản đối: “Lần sau anh đừng có lấy của mẹ nữa, có ai ăn đâu mà”. Chồng cự: “Mẹ cho, không lấy sao được. Vả lại, mẹ bảo, em đang có bầu, ăn rau nhà trồng và trứng gà ta tốt hơn mua ngoài chợ”. Vợ lên giọng: “Chỉ giỏi vẽ chuyện, “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, tính em không thích lấy không của ai cái gì”. Chồng tiếp tục thanh minh: “Ơ kìa, có ai bắt em phải trả đâu, mẹ thương mẹ mới cho mà”. Vợ dấm dẳng: “Thôi, không nói nhiều nữa, lần sau anh đừng có đem về nữa. Giờ cần gì ra siêu thị là có ngay, đừng có đùm đề lắm thứ, phức tạp”. Có lần, vợ về quê chơi, khen gạo ở quê nấu cơm ngon. Vậy là, thu hoạch xong, mẹ sai chú út chở lên cho vợ chồng mình một tạ. Vợ nằng nặc gửi tiền trả mẹ, còn nói mát mẻ với chồng: “Mẹ định buôn gạo chắc” …

Chồng hiểu, vợ chẳng phải chê quà của mẹ nhưng tính vợ không thích nợ nần. Mỗi lần mẹ gửi đồ lên thì hôm sau, vợ cũng phải gửi đáp lại ngay. Nhưng vợ à, mẹ gửi quà cho vợ vì thương con và cách sống ở quê vốn như vậy chứ không phải muốn được trả lại đâu. Vợ có biết, giữa trưa nắng, mẹ đi khắp xóm, tìm mua cho đủ chục trứng gà để gửi lên. Nải chuối nào ngon, mẹ đều để dành cho vợ. Mẹ bảo: “Rau quả ngoài chợ bây giờ toàn phun thuốc, ăn hại người lắm. Chịu khó mang lên cho vợ con, đang bầu bì phải cẩn thận”. Chồng biết mẹ không phải người đưa đãi, có gì nói vậy nên vợ đừng suy nghĩ nhiều. Trong thâm tâm mẹ, nhà chồng không giàu có gì, không giúp đỡ được vợ chồng mình nhiều nên có gì mẹ cho nấy…

Chồng biết, sòng phẳng là tốt, rất cần thiết trong các mối quan hệ xã hội nhưng trong gia đình, nhiều lúc rạch ròi quá lại làm mất tình cảm vợ à. Có những thứ mình cho đi mà không nghĩ đến chuyện nhận lại, có những thứ mình nhận nhưng không thể nào cho đi…

Đọc nhiều nhất

“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

Khi có kinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra và theo máu kinh ra ngoài. Nếu quan hệ trong thời gian này có thể đẩy dòng máu kinh chảy ngược, các mảnh niêm mạc bong ra sẽ đi ngược vào các cơ quan khác như buồng trứng, vòi trứng, bàng quang, ổ bụng...
Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Nhiều nghiên cứu chứng minh thực phẩm có thể nâng cao sức sống của tinh trùng, có tác dụng tốt trong việc cải thiện chứng bất lực và bệnh yếu thận. Từ đó, làm giảm các bệnh yếu sinh lý, tinh trùng kém, rối loạn hành vi tình dục ...
Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

 Có khi ông chồng chỉ mới “long thể bất an” chút đỉnh đã khiến cô vợ trẻ vò đầu bứt tai, đôn đáo tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cho chồng.
Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Lạnh buốt khiến nhiều người lười tắm, lười làm việc, thậm chí lười cả "yêu". Tuy nhiên, bạn đâu thể trốn "nghĩa vụ" suốt 3 tháng mùa đông. Vì thế, hãy bỏ túi một số mẹo nhỏ khi ái ân ngày lạnh nhé.

Tin mới

Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Lạnh buốt khiến nhiều người lười tắm, lười làm việc, thậm chí lười cả "yêu". Tuy nhiên, bạn đâu thể trốn "nghĩa vụ" suốt 3 tháng mùa đông. Vì thế, hãy bỏ túi một số mẹo nhỏ khi ái ân ngày lạnh nhé.
Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

 Có khi ông chồng chỉ mới “long thể bất an” chút đỉnh đã khiến cô vợ trẻ vò đầu bứt tai, đôn đáo tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cho chồng.
“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

Khi có kinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra và theo máu kinh ra ngoài. Nếu quan hệ trong thời gian này có thể đẩy dòng máu kinh chảy ngược, các mảnh niêm mạc bong ra sẽ đi ngược vào các cơ quan khác như buồng trứng, vòi trứng, bàng quang, ổ bụng...
Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Nhiều nghiên cứu chứng minh thực phẩm có thể nâng cao sức sống của tinh trùng, có tác dụng tốt trong việc cải thiện chứng bất lực và bệnh yếu thận. Từ đó, làm giảm các bệnh yếu sinh lý, tinh trùng kém, rối loạn hành vi tình dục ...