HỎI: Năm nay tôi 23 tuổi, là giáo viên cấp ba, công việc đã ổn định. Tôi yêu một anh giáo có công việc ổn định ở thành phố. Nhìn chung gia đình anh ấy cũng nề nếp, gia giáo. Khi anh ấy đưa tôi về ra mắt gia đình thì có một sự thật không thể tưởng tượng nổi… là nhà anh ấy rất nghèo, theo tôi là “hiếm thấy ngày nay”.
Gia đình anh ấy cũng đồng ý chuyện tình của hai đứa và giục cưới hỏi. Nhưng thực lòng tôi thấy chưa sẵn sàng. Món nợ ngân hàng để tôi đi học đại học vẫn còn đó mà đồng lương giáo viên có được đáng là bao. Biết bao giờ tôi mới trả hết nợ. Bố mẹ tôi vẫn chưa biết chuyện hai đứa yêu nhau, càng không biết về gia cảnh anh ấy. Nếu biết chuyện chắc chắn gia đình sẽ phản đối, ngăn cản tôi mất. Tôi biết rằng bố mẹ nào cũng muốn con mình được gả vào chỗ đàng hoàng, sau này đỡ vất vả. Trước tình cảm của anh ấy dành cho tôi, tôi chỉ biết khóc, không dám đối mặt với sự thật.
Nếu chúng tôi đến với nhau thì chỉ có hai bàn tay trắng, phải tự gây dựng tất cả... Có lẽ nào Trời Phật đang thử lòng chúng tôi? Tôi có may mắn, phước duyên biết đến Phật pháp, là Phật tử. Liệu rằng lời Phật dạy có thể giúp gì cho tôi được đây? Và tôi muốn biết thêm giáo lý nhà Phật nói về tình yêu, hôn nhân và gia đình để vững bước, đủ lý trí nhằm quyết định hạnh phúc trăm năm của mình.
(NGUYỄN SEN, nguyensenhpu2@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Nguyễn Sen thân mến!
Chuyện tình yêu và hôn nhân, theo giáo lý nhà Phật, đó là duyên nghiệp. Nhưng cần phân biệt rõ ràng duyên nghiệp chứ không phải định mệnh hay số phận. Khi chúng ta lớn lên, gặp một người rồi cả hai đem lòng yêu thương là phản ánh rõ nét duyên nghiệp của nhau. Nói rõ hơn, hai người này trong quá khứ cũng từng có nhân duyên yêu thương hay vợ chồng. Nếu hiện tại tiếp tục thêm duyên thì sẽ thành gia thất, nên vợ chồng. Còn nếu một trong hai người chủ động bớt duyên thì họ chỉ là người yêu của nhau mà thôi.
Ảnh minh họa. |
Thường thì ai cũng muốn mình được gặp người bạn đời khá giả hoặc tương đối một chút. Và ai cũng biết những yếu tố vật chất, kinh tế chỉ là điều kiện cần mà không phải là điều kiện đủ cho cuộc hôn nhân hạnh phúc. Thậm chí, hai người bạn trẻ đều sinh trưởng trong gia đình khá giả, môn đăng hộ đối lấy nhau cũng không có gì đảm bảo là họ sẽ hạnh phúc. Hạnh phúc hôn nhân trước hết là có tình yêu, kế đến là vợ chồng phải thuận hợp với nhau về nhiều phương diện trong cuộc sống. Nên chuyện hai vợ chồng tay trắng lấy nhau rồi tạo dựng được hạnh phúc với con cái đề huề và cơ nghiệp đủ đầy cũng không phải là hiếm, và chuyện hai vợ chồng được gia đình khá giả bảo bọc nhưng một sớm một chiều rồi đường ai nấy đi cũng rất thường xảy ra.
Hai bạn đã có tình yêu, tức là đã có điều kiện căn bản của hạnh phúc hôn nhân. Còn vấn đề hai bạn đều nghèo, nếu tác hợp với nhau phải đối mặt với nhiều khó khăn (khó khăn của chính gia đình trẻ - bạn còn nợ nần, cùng với việc góp phần giải quyết khó khăn của gia đình đôi bên nữa) cũng là thử thách lớn, rất đáng để suy nghĩ. Điều cần lưu tâm là, nghèo khó và túng thiếu dễ làm nảy sinh những bất đồng, xung đột, cãi vã làm tổn thương tình yêu. Thực tế cho thấy tài chính khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến áp lực, bức xúc, tù túng trong đời sống hôn nhân và một số trường hợp đã để lại những hậu quả đáng tiếc.
Tuy vậy, trường hợp của bạn ngoài tình yêu thì hai bạn vẫn còn nhiều lợi thế quan trọng khác. Đó là hai bạn đều biết phấn đấu và chịu thương chịu khó, nhất là hai người đều có học thức, lại cùng nghề giáo viên đang làm việc tại thành phố nên dễ cảm thông và có thể trợ duyên cho nhau. Mặt khác, thu nhập hiện nay của giáo viên cấp ba tại thành phố nói chung cũng tương đối, nếu biết nỗ lực làm thêm và khéo điều chỉnh chi tiêu hợp lý thì vẫn sống được. Nên nếu đến với nhau, dù “chỉ có hai bàn tay trắng, phải tự gây dựng tất cả…” các bạn vẫn có thể tạo dựng được cơ nghiệp.
Hẳn bạn cũng đã biết “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Điều bạn cần quan tâm nhất là ngoài tình yêu thì hai bạn có thuận hợp nhau thực sự hay không. Sự khó khăn tài chính trước mắt thực chất không phải là điều đáng ngại. Bạn hãy kiểm tra, xem xét kỹ mức độ thuận hợp của hai người. Nếu nhận thấy có sự thuận hợp ở khá nhiều phương diện thì cứ mạnh dạn tiến đến hôn nhân. Nhưng nếu nhận thấy giữa hai người không có nhiều sự thuận hợp mà thường xung khắc, bất đồng trong quan niệm và ứng xử thì nên thận trọng. Vì hôn nhân là duyên nghiệp, mà duyên nghiệp thì có thể chuyển hóa được nên bạn có toàn quyền chủ động trong quyết định của mình.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)