Hôn mê vì tự uống thuốc kháng sinh: Các nguy cơ khi lạm dụng thuốc
(Kiến Thức) - Sau khi tự ý dùng thuốc kháng sinh, nam bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng sốt cao 40 độ C, ho đờm xanh, tím tái, hôn mê. Bác sĩ khuyến cáo người dân không tự ý dùng kháng sinh mà cần đến cơ sở y tế để thăm khám.
Bệnh nhân C.V.Đ. (68 tuổi, Hạ Long, Quảng Ninh) có tiền sử tai biến mạch máu não đến Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) trong tình trạng sốt cao 40 độ C, ho đờm xanh, tím tái, hôn mê, cơ thể suy kiệt.
Trước đó, bệnh nhân đã tự ý dùng thuốc kháng sinh tại nhà. Kết quả xét nghiệm nuôi cấy dịch màng phổi của người này dương tính với vi khuẩn Klebsiella Pneumoniae. Đây là loại vi khuẩn nguy hiểm, gây ra các bội nhiễm ở đường hô hấp, thường tấn công cơ thể khi hệ miễn dịch suy yếu. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn phải thở máy, cơn sốt thưa, các chỉ số xét nghiệm cải thiện chậm.
Bác sĩ CKI. Đào Hồng Ngự - Trưởng Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Khi có dấu hiệu sốt, ho, cảm… người dân thường có thói quen ra hiệu thuốc và đa số thuốc mua về đều có thuốc kháng sinh. Việc sử dụng thuốc kháng sinh không qua thăm khám, kê đơn của bác sĩ chuyên khoa, không uống đúng chỉ định, liều lượng và tự ý chuyển loại thuốc …là những nguyên nhân làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hoặc ngăn chặn dẫn đến điều trị thuốc kháng sinh không còn tác dụng. Điều này gây thách thức cho bác sĩ điều trị và nguy cơ tử vong cao cho người bệnh vì suy đa tạng, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết”.
|
Bác sĩ CKI. Đào Hồng Ngự - Trưởng Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám bệnh nhân bị kháng thuốc kháng sinh. Ảnh: BVCC. |
Việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh khiến cho thuốc không những không trị được bệnh, mà còn làm cơ thể sản sinh ra các vi khuẩn kháng thuốc gây nguy hiểm cho người bệnh.
Hậu quả khó lường khi lạm dụng kháng sinh
Sử dụng kháng sinh như một con dao hai lưỡi, một mặt nó giúp điều trị bệnh hiệu quả, mặt khác khi sử dụng thuốc kháng sinh, ít nhiều trên cơ thể có các vi khuẩn tiết ra các chất đề kháng lại kháng sinh mà người bệnh dùng. Có thể thấy, nếu thường xuyên sử dụng kháng sinh dù đúng bệnh hay lạm dụng thì mức độ đề kháng với kháng sinh sẽ tăng lên, nếu càng nhiều loại thì cơ thể sẽ đề kháng càng nhiều kháng sinh.
Càng về sau khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì sẽ không còn tác dụng nữa, người bệnh dễ có nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong. Kháng sinh sử dụng bừa bãi sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ em.
Các nguy cơ khi lạm dụng kháng sinh
|
Lạm dụng kháng sinh đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em. |
Gây ngộ độc: Thuốc kháng sinh hay bất cứ loại thuốc nào được đưa vào cơ thể con người đều được hấp thụ, chuyển hóa ở gan và đào thải qua thận. Vì vậy, gan sẽ là bộ phận đầu tiên tiếp nhận và gây phản ứng. Gan và thận ở trẻ em còn rất yếu, chưa hoàn thiện và còn thải trừ chậm, nên nếu sử dụng thuốc thường xuyên sẽ gây tình trạng tích tụ và ngộ độc.
Gây dị ứng, tiểu đường và béo phì: Ít ai có thể ngờ, lạm dụng thuốc kháng sinh cũng khiến trẻ bị béo phì và tiểu đường. Nguyên nhân là thuốc kháng sinh sẽ làm hại vi khuẩn đường ruột của trẻ. Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh chứa một số phẩm màu tương tác với ibuprofen và acetaminophen, là các thuốc hay dùng cho trẻ. Chỉ cần một lượng rất nhỏ phụ gia cũng có thể gây phản ứng dị ứng ở trẻ mẫn cảm.
Kháng kháng sinh: Việc lạm dụng thuốc kháng sinh đang khiến sức đề kháng của thế hệ trẻ em bị yếu đi. Hiện tượng lờn thuốc, kháng kháng sinh làm việc điều trị các bệnh thông thường trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, vi khuẩn giờ đây có khả năng kháng lại đại đa số các loại kháng sinh.
Tăng nguy cơ tử vong do tiêu chảy: Phần lớn các bệnh cảm cúm đều là do virus, do đó làm dụng kháng sinh trong trường hợp này không những không trị bệnh mà còn gây ra các tác dụng phụ không mong muốn là tiêu chảy, khiến bệnh tình trầm trọng và tăng nguy cơ tử vong.
Để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, đặc biệt với trẻ em, phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng kháng sinh khi không có đơn thuốc của bác sĩ. Trong trường hợp, trẻ bị bệnh lại cũng không sử dụng thuốc kháng sinh thừa từ lần điều trị trước, không chia sẻ, dùng chung thuốc kháng sinh của mình với người khác. Luôn dùng kháng sinh đủ liều, ngay cả khi sức khỏe đã khá hơn. Ngoài ra, cần giúp trẻ phòng chống nhiễm khuẩn bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và giữ cho cơ thể khỏe mạnh.