Theo dữ liệu tổng hợp từ VietstockFinance, xét trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM, có tổng cộng 332 mã cổ phiếu đạt mức thị giá cao nhất lịch sử trong năm 2020. Trong đó, 50 mã thuộc sàn HOSE, 69 mã thuộc sàn HNX và 213 mã thuộc sàn UPCoM.
Càng về cuối năm, số mã đạt được mức đỉnh lịch sử càng tăng. Trong tháng 12 có đến 83 mã đạt mức thị giá cao nhất lịch sử, chiếm 25% số lượng các mã lập đỉnh trong năm 2020.
Nhiều cổ phiếu tăng “phi mã” đến đỉnh |
Trong năm qua, đỉnh lịch sử của nhiều mã được lập cùng với giai đoạn tăng phi mã. Theo thống kê có 80 mã (tỷ lệ 24%) có đỉnh cao hơn giá đầu năm 100%.
Những mã có mức tăng mạnh nhất để đạt đỉnh gồm DNM tăng đến 751%, THR và SCI lần lượt là 665% và 647%. Nhiều mã tăng mạnh tới đỉnh nằm ở sàn UPCoM như THR, MTA, WTC, GVT…
Thị giá các mã HOSE “tăng nhiều hơn giảm”
Trong 50 mã lập đỉnh thuộc sàn HOSE, “tân binh” APH nhanh chóng lập đỉnh sau khi niêm yết lên sàn trong năm 2020. Tuy nhiên, sau khi lập đỉnh hồi cuối tháng 11/2020, giá cổ phiếu APH bắt đầu lao dốc.
Năm 2020, APH lãi sau thuế giảm 66% so với năm trước, còn hơn 244 tỷ đồng, chỉ thực hiện được gần 38% kế hoạch mà Công ty đề ra.
Mức thị giá lập đỉnh lịch sử của SVI không những là mức thị giá cao nhất mà còn là mức thị giá duy nhất vượt 100,000 đồng/cp trong các mã lập đỉnh của sàn HOSE năm 2020. SVI đạt được dấu mốc lịch sử này sau thông tin Công ty sẽ được Tập đoàn SCG (Thái Lan) mua lại hơn 94% vốn.
Đối với DAT, mã này tăng trần 38 phiên liên tiếp, có phiên chỉ cần 1 lô tối thiểu 10 cp cũng tăng trần. Tuy nhiên sau khi đạt đỉnh, giá cổ phiếu DAT “tụt dốc không phanh” cho đến tận cuối năm vẫn chưa lấy lại được đà tăng.
Tuy chỉ đứng ở vị trí thứ 5 về mức giá lập đỉnh, CTCP Thế Giới Số (HOSE: DGW) gây ấn tượng mạnh với mức tăng trên 282%. Đà tăng của DGW cõ lẽ đến từ nhờ nhu cầu sản phẩm laptop được thúc đẩy khi người dân tăng cường các giao tiếp trực tuyến và mảng điện thoại thành công với các thương hiệu Xiaomi, Apple.
Lũy kế cả năm 2020, DGW đạt doanh thu thuần trên 12.5 ngàn tỷ đồng và lãi ròng 253 tỷ đồng, tăng trưởng 48% và 55%. Đây cũng là kết quả kinh doanh cao nhất kể từ ngày Công ty thành lập. Như vậy, Công ty đã vượt 23% mục tiêu doanh thu và vượt 25% chỉ tiêu lợi nhuận được cổ đông giao phó.
Hai công ty dược chiếm thứ hạng cao trong các mã HNX
Đối với 69 mã lập đỉnh của sàn HNX, DNM là mã có mức tăng lên tới đỉnh mạnh nhất so với đầu năm.
Đạt được kết quả này là do Công ty được hưởng lợi lớn từ dịch bệnh làm cầu thị trường về các sản phẩm y tế, điển hình như khẩu trang luôn đạt mức cao. Nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nên trên thị trường chứng khoán, chuỗi tăng giá của cổ phiếu DNM được kích hoạt ngay sau Tết Nguyên đán 2020 và đến cuối năm, mức tăng đạt trên 439% dù thị giá đã giảm mạnh so với đỉnh.
Tuy nhiên, trong BCTC hợp nhất quý 4/2020, DNM báo lỗ ròng quý 4 hơn 310 triệu đồng. Dù theo giải trình, khoản lỗ trên là do Công ty tăng mạnh đầu tư để mở rộng thị trường xuất khẩu, dẫn đến chi phí tăng, làm giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, nhưng thực tế, doanh thu thuần quý 4 của Danameco giảm gần 38% so với cùng kỳ, còn gần 128 tỷ đồng.
Không nhờ kết quả kinh doanh, thị giá một cổ phiếu dược khác là DHT đã đạt đỉnh lịch sử sau khi thông tin về thương vụ M&A với hãng dược có lịch sử 100 tuổi từ Nhật Bản là ASKA Pharmaceutical Co., Ltd. Nhà đầu tư Nhật Bản đã chi ra gần 370 tỷ đồng để nắm 20% vốn điều lệ của DHT.