Hội thánh Đức Chúa Trời – một tổ chức tôn giáo “tự xưng” du nhập vào Việt Nam từ năm 2001, chưa được Nhà nước công nhận hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Thời gian qua, cơ quan chức năng nhiều địa phương đã xử lý nhiều hội nhóm của Hội thánh Đức Chúa Trời có các hoạt động vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tổ chức này được phát hiện lén lút hoạt động tại Vĩnh Phúc, Huế, Đắk Nông...
Một tổ chức tà đạo, truyền bá tư tưởng mang biểu hiện mê tín dị đoan, lợi dụng giáo lý, hù dọa để trục lợi khi kêu gọi người tham gia đóng đến 1/10 tiền lương, khiến những số phận lầm đường lạc lối đi ngược lại với giáo lý truyền thống chối bỏ bố mẹ, người thân, đập phá bát hương thờ cúng tổ tiên…Một câu hỏi nhiều người đặt ra: Vì sao tổ chức tà đạo này vẫn lôi kéo được nhiều người?
Xử lý nghiêm hoạt động không hợp pháp của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” |
Tà đạo cũng giống như ma túy có sức hấp dẫn riêng
TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) lý giải, tà đạo cũng giống như ma túy, có sức hấp dẫn riêng với những người cuồng tín, u mê.
“Lúc đầu họ nhắm tới các đối tượng là những bà mẹ đơn thân, người có hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp, nắm bắt tâm lý, lôi kéo người dân tham gia, thậm chí sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook... để lan truyền, lôi kéo. Những trùm hội chăn dắt người dân như cừu non, thí dỗ bằng đủ cách, rao giảng, tuyên truyền những thứ về tâm linh như sẽ được lên trời với mẹ, nhưng thực tế đó là những chiêu trò hô hào đóng tiền và luôn căn dặn không được nói ra với ai. Thậm chí khi "hội viên” không đóng đủ sẽ bị đe dọa bằng lời lẽ như “Đức Chúa Trời nhìn thấy hết những gì của bạn”, “bạn có bao nhiêu tiền, bạn không giấu được vì Đức Chúa Trời biết rồi”…thậm chí dùng những luận điệu cao siêu về ngày tận thế để hù dọa”, ông Khanh nói.
Theo TS Vũ Thế Khanh, hoạt động của các tổ chức tà đạo, mê tín dị đoan phát triển dựa trên sự mê tín, mê muội của người dân. Nhóm tổ chức này thường tuyên truyền về màu nhiệm, con người ta tu theo chân chính thì lâu nhưng theo các tổ chức này thì có tên trong danh sách luôn, được “cấp visa lên trời” luôn. Nhìn chung các đối tượng đã dùng cái lợi trước mắt để lôi kéo, tuyên truyền nhanh đi đến thiên đường, đến cõi sung sướng.
Nếu không giải quyết nhanh sẽ thành vết dầu loang rất nguy hiểm
TS Vũ Thế Khanh cho rằng, để dẹp bỏ các tổ chức tà đạo, cần phải mạnh tay về mặt pháp luật. Bởi các tà đạo rất mạnh, dễ dàng lôi kéo nhiều người và trục lợi rất lớn.
PGS.TS Lâm Bá Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, chúng ta tôn trọng niềm tin của mỗi cá nhân, nhưng phải nằm trong khuôn khổ luật pháp. Niềm tin mà gắn với các “đạo lạ” du nhập phải xác định trên 2 khía cạnh.
Khía cạnh thứ nhất về mặt luật pháp, phải xem các tổ chức này hoạt động có hợp lệ hay không. Nếu chưa được Nhà nước thừa nhận thì là hoạt động bất hợp pháp. Do đó, sẽ bị xử lý theo chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Khía cạnh thứ hai là về mặt niềm tin, chúng ta tôn trọng, nhưng có những niềm tin mù quảng, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng đến hạnh phúc, sự bình yên của các gia đình, dẫn con người ta vào con đường u mê mà không có lối ra... thì trước hết cần tuyên truyền, vận động cho đúng. Tuyên truyền để người ta hiểu ra được tổ chức đó mang tính mê tín dị đoan và được những kẻ trục lợi lợi dụng lôi kéo. Đồng thời cũng phải phê phán, thậm chí phải kết hợp cả xử lý về mặt pháp luật.
Theo PGS.TS Lâm Bá Nam, thời gian qua có một số hội đạo lạ du nhập vào Việt Nam, trong đó có “Hội thánh Đức Chúa Trời”, chúng ta đã từng vận động, xử lý. Tuy nhiên, gần đây lại tái hoạt động. Nguyên nhân một phần do chúng ta xử lý không dứt điểm, chưa thật sự quyết liệt. Muốn xử lý triệt để, tuyên truyền chỉ là một giải pháp, phải kết hợp với các địa phương làm rõ hoạt động của tổ chức này tác động đến an ninh trật tự thế nào, tác động đến các mối quan hệ gia đình, quan hệ xã hội bị phá vỡ ra sao. Đối với các đối tượng cầm đầu trục lợi cần phải bị xử lý nghiêm bằng pháp luật.
Đề cập đến tác động của Hội thánh Đức Chúa Trời khiến nhiều người chối bỏ bố mẹ, người thân, đập phá bát hương thờ cúng tổ tiên, phá vỡ mối quan hệ gia đình, văn hóa truyền thống, PGS.TS Lâm Bá Nam cho rằng, cần phải có sự vận động mang tính lâu dài. Các thành viên trong gia đình cần giải thích cho người theo đạo “Hội thánh Đức Chúa Trời” về những tác hại, mặt trái của hội này. Gia đình tan vỡ bởi có người theo niềm tin mù quáng như vậy. Tín ngưỡng truyền thống gắn liền với đạo hiếu của người Việt Nam, chúng ta tôn trọng, phát huy, tạo nên sự gắn kết, củng cố gia đình, còn đạo này phá vỡ toàn bộ. Do đó, các thành viên phải trao đổi, giải quyết mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, vợ và chồng, cần phải có một cuộc vận động ngay từ trong gia đình, kết hợp với hội đoàn thể, chính quyền địa phương. Nếu không giải quyết nhanh sẽ thành vết dầu loang rất nguy hiểm.
>>> Mời độc giả xem video Vén màn tà đạo "Hội thánh Đức Chúa Trời" khiến bao gia đình ly tán