Xe đạp điện cũng không quy định lứa tuổi sử dụng?
Một nhân viên bán xe đạp điện trên phố Bà Triệu (Hà Nội) khi chúng tôi làm khảo sát nhỏ về thực trạng xe đạp điện, xe điện gây nguy cơ tai nạn giao thông đã cho biết, tốc độ xe điện thấp thì mua làm gì!.
Theo nhiều người bán hàng ở đây, mỗi tháng các cửa hàng bán khoảng vài chục chiếc xe đạp điện cho nhiều đối tượng sử dụng như sinh viên, học sinh, nhân viên văn phòng... "Không khách hàng nào đề nghị bán cho họ chiếc xe có tốc độ thấp. Thậm chí, họ đều muốn mua chiếc xe chạy nhanh, bon như xe máy. Không ai lo ngại về tốc độ gây tai nạn của xe", một người bán hàng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tân (Hoàng Mai, Hà Nội) là một nạn nhân của vụ tai nạn liên quan đến xe đạp điện kể lại. Buổi chiều ông ra đầu ngõ đứng chơi bỗng một chiếc xe đạp đâm sầm vào người. Người lái là một học sinh nữ học cấp 2. Do đi xe đạp điện với tốc độ cao nên khi thấy chướng ngại vật cháu bé không thể dừng xe nên đã đâm thẳng vào ông. Kết cục ông bị gãy chân phải ngồi một nơi, còn cháu bé bị ngã văng ra đường.
Theo KS điện Nguyễn Văn Ngô, Công ty Cổ phần đầu tư Phú Lộc, xe đạp điện có nhiều ưu điểm như bảo vệ môi trường, giá thành vừa phải, tốc độ xe cao hơn xe đạp, kiểu dáng hiện đại... nên dần dần được sự tin dùng cao.
Tuy nhiên, KS Nguyễn Văn Ngô cho biết, loại xe này cũng có nhiều điểm hạn chế. Cụ thể, giới hạn tốc độ xe cao, lên tới 40 - 50km/h. Xe không có giảm xóc, lốp nhỏ, phanh kém... Cùng với đó, xe đạp điện cũng không quy định lứa tuổi sử dụng. "Xe đi tốc độ cao, không có giảm xóc, trong khi ổ gà như đường Việt Nam thì ai đảm bảo an toàn? Chúng ta dễ dàng thấy những đứa bé mới chỉ lớp 5, lớp 6 cũng có thể chạy xe điện với tốc độ đến 25 - 30km/h mà không có ai giám sát", KS Nguyễn Văn Ngô cho hay.
Theo các chuyên gia, một yếu tố mất an toàn khác của xe đạp điện chính là điểm tăng ga. Khi xe dừng, tay ga và động cơ không có bất kỳ dấu hiệu nào đang hoạt động. Vì thế, việc trẻ nhỏ hay người đi không may tăng ga cũng khiến xe phóng vút đi.
Nhiều học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. |
Mũ bảo hiểm cần hạ chuẩn
Trước nguy cơ mất an toàn từ xe đạp điện, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Khoa học & Công nghệ đề nghị bổ sung quy chuẩn mũ bảo hiểm cho người đi xe đạp máy, bao gồm cả xe đạp điện.
Trước vấn đề này, ông Lại Huy Doanh, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học & Công nghệ) cho rằng, hiện nay quy định của Luật Giao thông đường bộ ghi rõ, người ngồi trên xe gắn máy (kể cả xe máy điện) cũng phải đội mũ bảo hiểm. Mũ bảo hiểm của xe đạp điện cũng phải đạt chuẩn, tức theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2: 2008/BKHCN, có gắn dấu hợp quy CR và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Vì thế, Bộ GTVT đề xuất thế nào chưa rõ, nhưng việc bổ sung cần có thời gian để xem xét.
Ông Doanh cũng cho hay, khi đi kiểm tra sản phẩm, nhiều doanh nghiệp, người bán hàng, người dân "phàn nàn" quy chuẩn Việt Nam đối với loại mũ bảo hiểm xe máy, xe gắn máy (bao hàm cả xe đạp điện) đều đang cao so với thực tế. Điều này khiến việc sản xuất, quản lý chất lượng mũ đạt chuẩn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, quy định phải đạt khi ngâm nước, nhiệt độ cao... chưa đến mức cần thiết. Đường Việt Nam kém, xe không đi tốc độ cao nên chỉ cần mũ chất lượng vừa phải, đội nhẹ nhàng là đủ.
Theo các chuyên gia, để giảm nguy cơ do xe đạp điện cần có sự vào cuộc, giám sát của nhiều bộ ngành; Giám sát từ chất lượng xe, tốc độ, đến giám sát người đi loại xe này đội mũ bảo hiểm...
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, có tới 80 - 90% xe đạp điện đang lưu thông trên thị trường hiện nay là xe nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau. Do loại phương tiện này không phải làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm như xe máy, không phải nộp phí đường bộ, việc nhập khẩu xe đạp điện chủ yếu dựa vào việc doanh nghiệp tự kê khai, khai báo nên thiếu sự kiểm soát về chất lượng, độ an toàn. Đến nay, các cơ quan chức năng cũng chưa ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể để quản lý loại hình phương tiện này.