Vì sao chồng phải uống đến say khướt?
Tôi sợ hãi mỗi chiều về nhà trọ phải đối diện với gương mặt cau có, khó chịu của em, đối diện với những lời ca cẩm tiền nong.
Học hết cấp 3, gia cảnh khó khăn, tôi không thi đại học mà bỏ lên thành phố làm công nhân. Hơn ba năm trong khu công nghiệp, tháng nào vừa nhận lương xong, tôi cũng nhẵn túi. Nghe lời người bạn, tôi bỏ xí nghiệp, lấy sầu riêng về bán. Chiếc xe ba gác cùng tôi rong ruổi khắp các ngả đường, bất kể nắng mưa. Bán sầu riêng cực nhọc nhưng lời lãi chẳng bao nhiêu, tôi vẫn luôn trong tình trạng “viêm màng túi”. Nghĩ phải học một cái nghề mới ấm tấm thân, tôi xin vào một tiệm sửa xe học việc.
Hơn nửa năm chịu khó học nghề, tôi cũng dần “cứng tay”. Một người bạn rủ tôi hùng mở tiệm sửa xe. Tôi về nhà, nhờ ba mẹ vay ngân hàng 30 triệu đồng làm vốn. Mãi gần một năm sau, tiệm sửa xe của tôi mới có khách lai rai. Khi đã kiếm được chút tiền, tôi và người bạn phát sinh mâu thuẫn. Bạn tôi “ép” tôi cưa đôi số đồ nghề và phụ tùng mà trước đây hai người hùn tiền mua chung. Cũng ngay lúc đó, bà chủ nhà “trở chứng” đòi lại mặt bằng. Chưa kịp dọn xong mớ đồ nghề thì bố tôi ở quê bệnh nặng, tôi phải về giúp mẹ chăm sóc bố, vì tôi là con cả trong gia đình, các em còn nhỏ. Hơn một tháng sau, tôi trở lại thành phố thì đồ nghề trong tiệm đã vơi hơn một nửa. Hóa ra bạn tôi cấu kết với chủ nhà, lấy lại mặt bằng để cùng con chủ nhà làm ăn chung, đẩy tôi ra ngoài.
|
Ảnh minh họa. |
Cay cú ôm thùng gỗ đồ nghề ít ỏi, trong túi chẳng còn đồng bạc để thuê mặt bằng, tôi đành ra vỉa hè sửa xe. Ngày làm được đồng nào, tối về tôi đổ hết vào bia rượu vì chán nản cảnh gần 30 tuổi đầu vẫn sống trôi nổi, chẳng có chút sự nghiệp. Tôi gặp em trong những ngày tận cùng của vất vả, khó khăn. Em là khách sửa xe quen của tôi. Trước lạ sau quen, qua những câu chuyện, tôi biết em là cô giáo mầm non, cũng cùng cảnh nghèo và tha phương như tôi. Lâu dần, tình yêu đến với chúng tôi lúc nào không hay.
Vì tuổi hai đứa không còn trẻ nên sau một năm tìm hiểu, chúng tôi quyết định kết hôn, dù hoàn cảnh hai đứa vô cùng khó khăn. Tiền sính lễ, tôi phải nhờ anh em gom góp giúp. Tiệc cưới thì phải chờ khách về, gom góp phong bì để trả. Hai vợ chồng ở trọ trong một căn phòng bé xíu, ngày đêm gì cũng nóng hầm hập. Nghe lời em, tôi bỏ nhậu, chí thú làm ăn. May mắn nhờ số tiền cưới dư ra, vợ chồng tôi thuê một mặt bằng nhỏ mở tiệm. Tuy nhiên, từ khi sống chung, tôi mới hiểu hết bản tính của em. Khác với vẻ ngoài thật thà, chất phác khi đang yêu, em dần hiện rõ là người phụ nữ tham lam, đầy toan tính. Em không cho tôi qua lại với bạn bè cũ, sợ họ “lợi dụng” tôi. Em bảo, tôi hiền lành đến khờ khạo nên dễ bị bạn bè xấu lợi dụng.
Em lấy chuyện tôi từng bị cậu bạn lừa hùn tiền mở tiệm sửa xe để răn đe. Tôi cố gắng thuyết phục em mỗi người mỗi tính, không ai giống ai, nhưng em vẫn cương quyết không cho tôi gặp gỡ bạn bè. Ngay cả khi ai đó mời sinh nhật, thôi nôi, đám cưới…, em đều giành đi. Theo em, đàn ông đi chỉ “ăn nhậu bê tha” lại sa vào tệ nạn. Dần dà, tôi cảm giác em đang làm thay vai trò người chồng. Trong nhà, mọi chuyện lớn nhỏ em đều quyết định. Nhiều khi bạn bè cũ hẹn gặp nhau bàn công việc làm ăn, em giấu mất chìa khóa xe, để tôi không đi được. Hai vợ chồng thường xuyên trong tình trạng căng thẳng. Vì sợ em nên bạn bè dần xa lánh, lảng tránh tôi. Ngoài em ra, tôi gần như không còn một mối quan hệ nào khác.
Ba mẹ ở quê lên thăm, em cũng mặt nặng mày nhẹ. Em cho là ba mẹ tôi lên chỉ để “vòi tiền”. Nếu ba mẹ ở lâu, em khó chịu ra mặt, hết than giá cả tăng lại than ăn uống tốn kém. Nhiều lần như vậy, ba mẹ và đám em út tôi sợ hãi, không dám lên thăm tôi nữa. Em còn sợ tôi giấu tiền gửi cho cha mẹ, em út nên mỗi lần tôi chở ba mẹ ra bến xe, em nắn túi trước, sờ túi sau xem có giấu tiền không? Có hôm em còn mở cả giày của tôi ra kiểm tra. Không thể chịu nổi cô vợ quá quắt, tối nào tôi cũng la cà ngoài quán, uống đến say khướt mới về.
Tôi sợ hãi mỗi chiều về nhà trọ phải đối diện với gương mặt cau có, khó chịu của em, đối diện với những lời ca cẩm tiền nong. Cả tuần nay, vợ chồng tôi không nhìn mặt nhau. Tôi vẫn đi về trong những cơn say dài, em vẫn càu nhàu, nhiếc mắng tôi bằng những lời tệ hại nhất. Em luôn bảo tôi là “ngựa quen đường cũ” nhưng em không chịu hiểu vì sao tôi lại ra như thế.