CTCP Y Khoa Hoàn Mỹ đang là chủ sở hữu của chuỗi Bệnh viện Hoàn Mỹ, đơn vị được khai trương vào tháng 12/1999 với bệnh viện tư nhân đầu tiên của Việt Nam trên đường Trần Quốc Thảo, TP HCM. Người sáng lập là bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng.
Những lần sang tay cổ phần của Hoàn Mỹ
Chỉ sau hơn 10 năm bệnh viện này đi vào hoạt động, quỹ ngoại VinaCapital và Deustche Bank đã chi 20 triệu USD thâu tóm 44% cổ phần của Y khoa Hoàn Mỹ. Sau đó không lâu, bệnh viện này được Tập đoàn y tế Fortis Healthcare (Ấn Độ) chi 64 triệu USD mua lại 65% cổ phần. Trong khi đó, ba bên gồm VinaCapital, Deutsche Bank và ông Tùng - founder đã rời khỏi Hoàn Mỹ.
Đến năm 2013, Fortis Healthcare bán lại hệ thống bệnh viện này cho Richard Chandler - tập đoàn đầu tư có trụ sở tại Singapore. Sau khi về tay Richard Chandler (nay là Clermont Group), Hoàn Mỹ liên tục mở rộng quy mô, tích cực mua bán và sáp nhập các bệnh viện ở nhiều tỉnh, thành khác vào hệ thống.
Theo công bố của doanh nghiệp, chuỗi bệnh viện Hoàn Mỹ đang sở hữu mạng lưới gồm 13 bệnh viện, 1 trung tâm y khoa và 2 phòng khám đang hoạt động tại nhiều tỉnh thành như TP HCM, Đồng Nai, Đà Lạt, Bình Dương, Đà Nẵng,…
Lần thay đổi vốn gần nhất của Hoàn Mỹ là vào tháng 4/2020, công ty giảm vốn điều lệ từ 757 tỷ đồng xuống 392 tỷ đồng. Trong đó, Hoan My SPV3 Limited (British Virgin Island) nắm 44,37% vốn, Hoan My SPV2 Limited (Cayman Island) nắm 16,06% vốn, Hoan My SPV1 Pte.Ltd (Singapore) nắm 39,51% vốn.
Người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của công ty hiện tại là bà Nguyễn Thị Châu Loan.
Năm 2022, Sở Y tế TP HCM công bố điểm đánh giá chất lượng bệnh viện của 54 bệnh viện công lập và 61 bệnh viện tư nhân trên địa bàn, trong đó Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn 8 năm thuộc top bệnh viện dẫn đầu về chất lượng, đứng đầu khối ngoài công lập.
Bệnh viện Hoàn Mỹ. |
Bức tranh tài chính của Hoàn Mỹ sau khi về tay doanh nghiệp ngoại
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Y Khoa Hoàn Mỹ lãi sau thuế lần lượt là 483 tỷ và 633 tỷ trong hai năm 2022 và 2023. Như vậy chỉ trong hai năm sau đại dịch COVID-19, chuỗi bệnh viện này có lãi hơn 1.100 tỷ đồng. Tương ứng hiệu quả sử dụng vốn (ROE) năm 2023 là 32%, con số này ở năm 2022 là 34%, đồng nghĩa cứ 10 đồng vốn bỏ ra, doanh nghiệp thu về trên 3 đồng lời.
Trước đó, trong năm tài chính 2021, Y Khoa Hoàn Mỹ báo lỗ sau thuế hơn 481 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm trùng với giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng nổ mạnh, nhiều tỉnh thành trong cả nước thực hiện phong tỏa nhiều tháng liền.
Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu Y Khoa Hoàn Mỹ đạt 2.004 tỷ đồng, tăng 42% so với cuối năm 2022, tương đương tăng 592 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng nợ phải trả của chuỗi bệnh viện khoảng 4.128 tỷ đồng, tương ứng với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,06 lần. Trong đó dư nợ trái phiếu ở mức 1.400 tỷ đồng, giảm hơn 920 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Theo Chuyên trang trái phiếu doanh nghiệp, Y Khoa Hoàn Mỹ hiện có 1 lô trái phiếu đang lưu hành, được phát hành vào ngày 5/10/2018, kỳ hạn 7 năm với giá trị phát hành 1.400 tỷ đồng. Lãi suất phát hành là 6,74%/năm.
Sự hấp dẫn của ngành y tế tư nhân
Hơn chục năm về trước, thị trường chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam chủ yếu là sân chơi của các doanh nghiệp nội. Nhưng đến nay, nhiều ông lớn ngoại đã và đang gia nhập vào cuộc đua giành vị thế trong lĩnh vực y tế bằng nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đình đám.
Theo thống kê của Công ty Đầu tư vốn cổ phần Kirin Capital, hoạt động M&A ngành y tế năm 2023 có 11 thương vụ với tổng giá trị được công bố đạt 508 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2022. Đây là ngành có giao dịch M&A cao thứ ba, chỉ sau hai ngành truyền thống là tài chính và bất động sản. Đa số bên mua đều là các đơn vị đến từ nước ngoài.
Cao điểm trong quý III/2023, hàng loạt thương vụ đầu tư vào lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe được ký kết, nổi bật có Thomson Medical Group (TMG) mua lại Bệnh viện FV với giá 381,4 triệu USD, đánh dấu thương vụ lớn nhất từ đến nay trong ngành y tế. Hay Dongwha Pharm thâu tóm hơn một nửa vốn chuỗi nhà thuốc Trung Sơn.
Năm 2023, Thomson Medical Group (TMG) đã mua cổ phần tại Bệnh viện FV với giá 381,4 triệu USD, đánh dấu thương vụ lớn nhất từ đến nay trong ngành y tế. |
Chia sẻ với tờ VnExpress, đại diện Thomson Medical Group đánh giá thị trường chăm sóc sức khỏe tư nhân tại Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu đang gia tăng, dân số già hóa cũng như người nhập cư từ nước ngoài ngày càng tăng.
Theo góc nhìn của doanh nghiệp Singapore, Việt Nam đang trên đường hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thượng trung lưu (upper-middle-class) vào năm 2035 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam đang là nước có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh thứ 7 trên thế giới và sẽ tăng thêm 36 triệu người vào năm 2030, theo Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey.
Tầng lớp trung lưu sẽ thúc đẩy chi tiêu cho ngành chăm sóc sức khỏe và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe, thể chất của mỗi người.
Từ năm 2017 đến năm 2022, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội mạnh mẽ trong lịch sử với tốc độ CAGR khoảng 8,6% mỗi năm. Song song, theo Euromonitor, chi phí chăm sóc sức khỏe tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 9,2%.
Bên cạnh đó, dân số già hóa nhanh chóng giúp gia tăng nhu cầu về chăm sóc lão khoa và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên biệt khác. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam kéo dài đến hơn 75 tuổi. Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey dự đoán người cao tuổi có thể chiếm hơn 17% dân số vào năm 2030.
Làn sóng nhập cư từ người nước ngoài ngày càng tăng cũng là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu thị trường.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện mới chỉ có hai bệnh viện đưa cổ phiếu vào giao dịch gồm Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (Mã: TNH) và Bệnh viện tim Tâm Đức (Mã: TTD), với vốn điều lệ đạt lần lượt gần 519 tỷ đồng và 156 tỷ đồng.