Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. |
Cảnh báo tiêm chất cấm để làm đẹp
Chất làm đầy, filler, silicon đã giúp nhiều người trở nên tự tin hơn, đẹp hơn nhưng việc sử dụng chất làm đầy để làm đẹp, khách hàng cần phải lưu ý tới thành phần, hạn sử dụng, nhà sản xuất.
Silicon là một chất cao phân tử có nhiều ứng dụng trong đời sống hiện nay, trong đó silicon lỏng thường được gọi là mỡ nhân tạo, trước đây thường được dùng để bơm đầy các khoảng khuyết dưới da, và cũng dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ.
Hàng triệu người trên thế giới đã bơm silicon lỏng để tân trang sắc đẹp. Nhưng từ năm 1965, người ta đã bắt đầu nhận ra những biến chứng nguy hiểm của việc bơm silicon lỏng vào cơ thể người, đặc trưng là sự xuất hiện của các u hạt.
Cũng thời gian này có những báo cáo nghi ngờ về sự xuất hiện các bệnh tự miễn và nhiều biến chứng khác trên những phụ nữ Nhật đã sử dụng silicon tiêm trực tiếp vào ngực.
Năm 1991, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) liệt silicon lỏng vào danh sách cấm sử dụng. Năm 1995, Bộ Y tế nước ta đã ban hành cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể.
Đại tá PGS. TS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện TWQĐ 108, cho biết trung tâm đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp biến chứng vì tiêm silicon, tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc.
Ví dụ trường hợp bệnh nhân N.N.H (45 tuổi, Hà Nội) sau khi được tiêm dung dịch lỏng đựng trong chai thủy tinh không rõ nhãn mác (khả năng là silicone lỏng) tại một cơ sở thẩm mỹ và bị hoại tử vùng mông rất nặng, phải nhập viện điều trị.
Toàn bộ vùng “mông” bị căng cứng, khó chịu, loét. Bác sĩ Lâm cho biết khả năng cao bơm silicon vì với diện tích lớn như vòng 3 thì tiêm chất làm đầy filler rất tốn kém nên các thẩm mỹ viện đã sử dụng chất cấm này.
TS Nguyễn Huy Thọ (Nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, silicon lỏng đã bị cấm nhưng ở đâu đó vẫn được sử dụng chui.
Đặc biệt những người làm thẩm mỹ dạo, các spa trá hình tranh thủ tiêm cho khách hàng dưới danh nghĩa mỡ nhân tạo, chất làm đầy mô… khiến người làm yên tâm hơn và nghĩ đó là chất làm đầy thông thường nhưng tiêm silicon lỏng để lại hậu quả thật khó lường.
TS Thọ cho biết tiêm silicon lỏng thì nguy cơ biến chứng rất lớn, biến chứng hay gặp như đỏ da, mưng mủ do bội nhiễm, nếu tiêm vào mạch có thể gây tắc mạch và hoại tử.
Có trường hợp tiêm silicon lỏng vào dương vật đã phải cắt bỏ dương vật vì hoại tử hết. Nhiều năm nay việc tiêm silocon lỏng đã ít hơn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ với những người ham mê làm đẹp nhưng ít kiến thức.
Nếu có nhu cầu làm đẹp tốt nhất khách hàng nên đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình để được các bác sĩ có chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm tư vấn và thực hiện, tránh những biến chứng không mong muốn.