Hôm thứ Ba (19/1), một công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Current Biology, tiết lộ về những phát hiện mới liên quan đến sinh vật cổ xưa nhất Trái đất – khủng long.
Cụ thể, công trình khoa học tập trung vào nghiên cứu một hóa thạch của loài Psittacosaurus (giác long két), sống vào đầu kỷ Phấn Trắng, ở châu Á ngày nay, khoảng 123-100 triệu năm trước. Hóa thạch này được bảo quản tốt đến mức có thể nhìn thấy được bộ phận dùng để đi vệ sinh và sinh sản của loài khủng long cỡ Labrador (kích thước chỉ cỡ một con chó săn Labrador).
Trong khi hầu hết các loài động vật có vú đều có các bộ phận riêng biệt với các chức năng cơ thể, nhiều loài động vật khác – bao gồm chim và bò sát – chỉ có một bộ phận duy nhất, được gọi là lỗ huyệt (thông với đường ruột, sinh sản và đường tiết niệu).
Qua quan sát hóa thạch, các nhà nghiên cứu xác nhận có lỗ huyệt, nhưng nó không giống với bất kỳ động vật đang sống khác.
“Nó rất độc đáo. Hầu hết các lỗ huyệt đều tạo thành một loại khe hở, đôi khi đường chia dọc, đôi khi là mặt cười, thỉnh thoảng lại như gương mặt nhăn nhó. Lỗ huyệt của loài khủng long này có cấu tạo hình chữ V, không có một nhóm động vật đang sống nào có hình thái như vậy. Nó có phần giống với cá sấu nhưng vẫn độc đáo”, Jakob Vinther, nhà cổ sinh vật học kiêm giảng viên cao cấp tại Trường Khoa học Trái đất của Đại học Bristol, cho biết.
Ông Vinther chia sẻ thêm, rìa ngoài của lỗ huyệt có sắc tố melanin cao. Dù các nhà khoa học không biết chắc là màu gì, nhưng có thể tương phản với phần dưới nhợt nhạt của con khủng long.
Sắc tố đặc biệt này có thể hiểu rằng, lỗ huyệt được sử dụng để thu hút sự chú ý và phát tín hiệu cho bạn tình, tương tự như khỉ đầu chó hoặc một số giống kỳ nhông trong kỳ sinh sản.
Ở những loài động vật có lỗ huyệt, bộ phận sinh dục nằm gọn trong cơ thể và không được hóa thạch như bên ngoài nên không rõ con khủng long trên là đực hay cái.
Hầu hết các loài chim, họ hàng duy nhất còn sống của khủng long, giao phối bằng cách “hôn nhau” – ép các lỗ huyệt của chúng lại với nhau. Một số nhà cổ sinh vật học cho rằng, khủng long có thể cũng giao phối bằng cách tương tự.
Tuy nhiên, ông Vinther tin rằng, khủng long Psittacosaurus có dương vật. Theo đó, lỗ huyệt của hóa thạch khủng long có điểm tương đồng với cá sấu và loài bò sát này cũng có dương vật. Ngoài ra, một số loài chim như đà điểu và vịt đực cũng có bộ phận “nam tính” này.
“Từ những gì chúng tôi có thể thấy, lỗ huyệt của hóa thạch khủng long không thích hợp để ‘hôn nhau’. Có vẻ như nó sẽ là giao phối thâm nhập”, ông Vinther nhận định.
Ông Vinther bắt đầu làm việc trên hóa thạch vào năm 2016. Chỉ đến khi kết thúc nghiên cứu, ông mới nhận ra hóa thạch thực sự được bảo quản rất tốt.
Hóa thạch khủng long Psittacosaurus được tìm thấy ở khu vực nhiều hóa thạch ở Liêu Ninh, miền bắc Trung Quốc. Hiện, nó đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Senckenberg ở Frankfurt, Đức.