Tập thể hình giúp nâng cao thể trạng, mang lại một cơ thể cường tráng, mạnh mẽ, tăng sự dẻo dai của cơ bắp... Tuy nhiên, vì không hiểu rõ sức khoẻ bản thân, chưa tìm hiểu kỹ môn tập nên nhiều trường hợp đã bị ảnh hưởng sức khoẻ. Các chuyên gia khuyến cáo, người tập cũng như huấn luyện viên cần cân nhắc yếu tố này.
Buồn nôn, mờ mắt sau khi tập gym
Anh Nguyễn Văn Tùng (Hà Nội) đi tập gym tại một phòng tập ở Hoàng Mai đã gần một tháng nay. Ngày nào anh cũng tập, tuy nhiên mới đây anh không dám tiếp tục vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Số là, ngày vừa rồi anh tập đẩy tạ tay xong đứng dậy bỗng nhiên thấy hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Anh nghĩ có thể do mình choáng vì tập nặng hơn so với ngày thường, một lúc sẽ khỏi. Tuy nhiên, triệu chứng này càng lâu càng nặng. Anh hoàn toàn không còn nhìn thấy gì, buồn nôn, chân tay buông lỏng, đầu đau nhức... Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết, anh vốn bị thoái hóa đốt sống cổ, tập thể hình nặng gây nên chèn ép mạch máu, máu lên não dẫn đến các triệu chứng trên.
Còn anh Nguyễn Mạnh Đồng (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) thì cho hay, sau ngày đầu đi tập thể hình về anh bị đau hết cơ bắp. Thậm chí, thở ra hay uống nước, hắt xì hơi cũng đau. Sau này anh biết nguyên nhân do tập quá nặng, vượt sức.
Theo BS y học cổ truyền Nguyễn Trung Kiên, Phòng khám Đông y Sinh sinh đường, tình trạng hiện nay nhiều người đi tập thể hình (gym) nhưng không được hướng dẫn sao cho phù hợp, đúng kỹ thuật dẫn đến những hệ lụy về sức khoẻ không phải là không có, thậm chí nhiều. Một phần do các phòng tập làm dịch vụ nên chỉ thuê mặt bằng, mua máy về để đó, học viên muốn tập sao thì tùy. Còn học viên tập theo lối người này chỉ người kia. Hoặc có nơi có huấn luyện viên nhưng chỉ dạy rất qua loa, không chuyên sâu vào sức khoẻ, cường độ tập, bài tập cho từng người...
Cần tránh luyện tập với cường độ mạnh thời gian đầu. |
Cần lượng sức khi tập
Ở góc độ tập, BS Nguyễn Trung Kiên cho hay, điều đầu tiên khi đi tập gym, aerobic, yoga, người tập cần biết thể trạng, sức khoẻ, lứa tuổi của mình thế nào, phù hợp với các bài tập gì, bài tập nào nên tránh. Trong khi tập cũng biết lượng sức nên dừng ở đâu, kéo tạ bao nhiêu cân là vừa. Tránh vì thành tích, ham quá dẫn đến tập quá sức chịu đựng của cơ thể. Đặc biệt chú ý đến các động tác co giãn cột sống.
Đối với trường hợp người có tiền sử thoái hóa đốt sống cổ hay đau lưng thì không nên tập các bài tạ đẩy, tạ đứng, tạ vớt. Bởi đây là các bài tập cơ, cần huy động sức của toàn cơ thể trong đó chiếm phần lớn là tay, chân, ngực. Khi tập gây lực ép lên cột sống quá nhiều tạo nên sự chèn ép các mạch máu, dây thần kinh.
Ngoài ra, người tập gym có bệnh này cần tránh tập với cường độ mạnh. Bởi máu đáng lẽ được phân bổ khắp cơ thể thì khi tập mạnh lại được dồn để nuôi các cơ (cấp máu nhiều cho các cơ). Từ đó, dẫn đến hiện tượng máu lên não ít hơn. Điều này dẫn đến triệu chứng của bệnh tiền đình như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mắt nhìn kém của bệnh tiền đình, đồng thời gây nên các bệnh khác về rối loạn chuyển hóa.
Các bài tập những người có bệnh lý cột sống nên áp dụng như treo xà, đi bộ nhẹ nhàng, bơi. Trong đó, bơi là hoạt động tốt nhất. Bởi khi xuống nước, cơ thể sẽ được thả lỏng, lực nước sẽ sắp xếp lại cột sống, giảm chèn ép xung quanh khu vực này từ đó giảm đau.
"Điều hiện nay vẫn chưa được các trung tâm tập luyện chú ý chính là sự chuyên sâu của đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên. Họ có thể hiểu các bài tập mang lại lợi ích gì, tập thế nào cho đúng kỹ thuật nhưng chưa áp dụng cho từng thể trạng từng người. Trong khi điều này rất cần thiết, bởi đó là bài tập nặng, tác động lên toàn bộ cơ thể các học viên", BS Nguyễn Trung Kiên cho hay.
"Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng sau khi tập thể thao. Nếu tập tăng cường bao nhiêu thì nhu cầu dinh dưỡng cũng phải tương xứng với số calo mất đi. Trường hợp muốn giảm cân thì cần có chế độ ăn phù hợp, giảm từ từ, tránh nhịn ăn đột ngột gây thiếu dinh dưỡng, hoa mắt, chóng mặt".
BS Nguyễn Trung Kiên