’Hoa hậu lúa lai’ nuôi đồng nghiệp bằng nghiên cứu

’Hoa hậu lúa lai’ nuôi đồng nghiệp bằng nghiên cứu

Nhắc đến PGS-TS Nguyễn Thị Trâm là người ta nhớ tới giống lúa TH 3-3 bạc tỷ từng gây chấn động giới khoa học Việt Nam, đưa nữ giảng viên lên hàng tỷ phú.

"Tình cờ" đến với giống lúa 10 tỷ

Giữa năm 2008, giới khoa học Việt Nam được phen chấn động khi hay tin đứa “con đẻ” của TS Nguyễn Thị Trâm, giống lúa lai 2 dòng TH3- 3 được chuyển nhượng bản quyền cho một công ty tư nhân với giá “khủng” 10 tỷ đồng. Mức giá được xem là kỷ lục trong chuyển nhượng giống lúa mà đến bây giờ vẫn chưa có ai xô đổ.

Trước đó, chính TS Trâm cũng đã chuyển nhượng nhiều giống lúa khác với những mức giá khá cao như TH3-4 được cho Công ty Giống cây trồng Trung Ương với giá kỷ lục VN khi đó là 700 triệu.

Thành công lớn với lúa lai nhưng khá bất ngờ là PGS-TS Nguyễn Thị Trâm chẳng phải con nhà “nòi” về khoa học, thậm chí chọn đi theo lĩnh vực này cũng không phải đam mê của bà.

PGS-TS Nguyễn Thị Trâm nguyên là giảng viên Trường ĐH Nông nghiệp I,  và từng là phó viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp. Bà quê gốc ở Duy Tiên, Hà Nam nhưng  được sinh ra, lớn lên trên đất Thái Nguyên. Bố mẹ và cả tám anh chị em không ai theo ngành nông nghiệp.

Bà cho biết, thời của mình không có ý thức ngành nghề rõ như bây giờ nên bà đến với “nghiệp” lúa lai rất tình cờ: “Khi đó học xong lớp 10, tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình ở miền núi thì học nông nghiệp cho dễ. Sau khi tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp lại đúng vào dịp Viện cây lương thực tuyển 40 kỹ sư nên ứng cử luôn chứ không hề có ấn tượng mình phải vào chỗ này, xin vào chỗ kia làm”.

Về Viện cây lương thực, bà Trâm chính thức làm lai tạo giống lúa, khi được cử đi nghiên cứu sinh ở Nga, đề tài của bà cũng về lúa lai. Nghiên cứu sinh hoàn thành, bà mới về ĐH Nông nghiệp I để dạy giống cây trồng nói chung, nghiên cứu chọn lai tạo giống lúa.

ĐH Nông nghiệp được Liên Xô đầu tư, xây dựng khá đầy đủ nhưng sau đó bị chiến tranh tàn phá khốc liệt, bà Trâm về giảng đúng thời điểm này nên rất khó khăn. “ Mọi thứ đều phải tự lo, tự cải tạo để làm nghiên cứu. Tôi phải đi khắp nơi xin vật liệu từ cái chum, cái vại, mảnh lưới…cho sinh viên  học và để nghiên cứu, thực hành về lai, gieo trồng”, bà Trâm nhớ lại. 

PGS - TS Nguyễn Thị Trâm
PGS - TS Nguyễn Thị Trâm.

Sau một thời gian nghiên cứu và cho ra đời nhiều giống mới, năm 1993, bà bắt đầu “thai nghén” giống lúa lai TH 3-3. Sau hơn 10 năm nghiên cứu, năm 2005, giống lúa TH3-3 được chính thức công nhận và cấp bản quyền vào năm 2007.

Lúc này, khắp miền Bắc đã có 20.000 - 30.000ha lúa lai hai dòng TH3-3 được nông dân trồng thử cho năng xuất vượt trội, đã có lúc TH 3-3 “cháy kho” không đủ để bán cho nông dân.

Tháng 6/2008, bà quyết định chuyển nhượng bản quyền “đứa con đẻ” của mình cho Công ty TNHH Cường Tân ở Nam Định với giá “khủng” 10 tỷ đồng, con số mà bất cứ người làm khoa học nào cũng phải mơ ước.

“Tôi cũng chưa từng nghĩ mình có thể bán được một giống lúa nào với giá 10 tỷ, trước đó vài tháng, kỷ lục cao nhất của tôi với giống lúa TH 3-4 mới là 700 triệu đồng. Nhưng với những ưu điểm của TH3-3, nó xứng đáng với số tiền đó”, bà Trâm nói.

Đứa con TH3-3 bỗng chốc đưa nhà khoa học trở thành tỷ phú, không chỉ có tiền để tiếp tục nghiên cứu, nuôi sống cán bộ, nhân viên phòng nghiên cứu, bà còn “tậu” được xe hơi để đi lại và cùng gia đình sắm căn nhà 4 tầng khang trang.

Nuôi đồng nghiệp bằng hoạt động nghiên cứu

Bà Trâm cho biết, khi Viện nghiên cứu sinh học của trường ĐH Nông nghiệp I thành lập, bà ứng cử xin làm trong viện và tự thành lập một phòng chuyên nghiên cứu giống lúa lai. Ban đầu chỉ có 3 người và bà Trâm phải tự bỏ tiền túi để nuôi lương 2 người còn lại. Công việc tiến triển tới đâu thì phòng tuyển thêm người tới đó.

Sau khi giống TH3-3 thành công, có tiền trong tay, bà chi mạnh thêm cho nghiên cứu. Hiện tại, phòng nghiên cứu đã có tới 14 thành viên với lương thưởng của 14 người đều được “nuôi” bằng kết quả nghiên cứu nông nghiệp. Mặc dù thời gian qua kinh tế khó khăn nhưng nhân viên của bà Trâm được thưởng tết số tiền lên tới vài chục triệu đồng.

Bên cạnh đó, khu thí nghiệm lúa lai do Bộ Giáo dục - Đào tạo đầu tư xây dựng 1,2 tỷ đồng năm 2002 thì hiện tại bà Trâm đã trả lại đầy đủ nên mọi cơ sở vật chất từ nhà lưới, nhà kính, kho lạnh, ruộng thí nghiệm đều trở thành sở hữu của bà và phòng nghiên cứu.

Nói về việc nhà khoa học làm kinh tế, bà Trâm cười tự hào: “Tôi rất tự tin về việc các nhà khoa học sẽ làm kinh tế giỏi không kém bất cứ doanh nhân, doanh nghiệp nào. Hiện phòng nghiên cứu của tôi giống như một doanh nghiệp nhỏ về khoa học công nghệ. Vừa làm công việc nghiên cứu, vừa lấy những thành quả nghiên cứu đó để nuôi sống mình và tiếp tục đi về phía trước”.

Hiện ở cái tuổi 70 nhưng PGS-TS Nguyễn Thị Trâm vẫn rất bận rộn với khoa học, nay ở tỉnh này, mai hội thảo kia… Bà cho biết vẫn chưa hề bằng lòng với những gì mình đã làm được. “Sau khi bán TH3-3, tôi bắt tay ngay vào việc nghiên cứu. Làm khoa học thì không bao giờ là đủ, càng tiến lên thì lại càng có những ý tưởng mới hơn. Dù tốt đến đâu, giống cây trồng nói chung chỉ một thời gian trồng sẽ lạc hậu và bộc lộ những nhược điểm cần thay thế nên bắt buộc nhà chọn giống phải nhìn về tương lai. Tôi rất vui là cho đến bây giờ, sau 5 năm, giống TH3-3 của mình vẫn sống khỏe nhưng trước khi bán đã muốn nghĩ ra những giống lúa tốt hơn, nên bán xong lại càng thôi thúc để nghiên cứu ra những giống mới tốt hơn nữa. Nhiều người bảo tôi tham, nhưng cái tham chính đáng, có lợi cho Nhà nước, cho nông dân, không ảnh hưởng đến ai”, bà Trâm tâm sự.

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đã được trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2000 (cá nhân), giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005. Bà cũng là nhân vật trong chương trình “Người đương thời” của Đài truyền hình Việt Nam. Năm 2010, bà tiếp tục nhận vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động ngành giáo dục.


Nguyễn Đan

Đọc nhiều nhất

Tin mới