Hoa hậu Thu Trang có cái tên khá nam tính là Công Thị Nghĩa (một số tài liệu ghi là Bùi Công Nghĩa) sinh năm 1932, ở Hà Nội. Sau khi học xong tiểu học, bà theo gia đình vào Sài Gòn. Bà không chỉ là người đẹp được nhớ tên vì đạt danh hiệu tại một cuộc thi nhan sắc mà còn là một nhà báo, một ký giả, một Tiến sĩ Sử học nổi tiếng. Người ta thường nhắc đến bà với cái tên Thu Trang là bởi, đây là bút danh dành cho tất cả các trang viết, nghiên cứu lịch sử của bà.
Sau khi tham gia tổ chức Việt Minh, bị mật thám phát hiện và bị bắt giam trong vòng 1 năm trời. Ra khỏi phòng giam, người đẹp tiếp tục hoạt động cách mạng với vai trò là một nhà báo, một ký giả.
Trong một lần đi tác nghiệp về sự kiện hoa hậu, thấy cô phóng viên trẻ trung, xinh xắn nên một thành viên trong ban tổ chức đã “xúi” cô đi thi. Thấy hấp dẫn nên Thu Trang gật đầu với suy nghĩ, đi thi cho vui chứ có mất gì đâu.
Ngày 20/5/1955, nhân lễ Kỷ niệm Hai Bà Trưng, tại rạp hát Lido ở khu Sài Gòn-Chợ Lớn, cuộc thi Hoa hậu chính thức được diễn ra. Cuộc thi Hoa hậu năm đó thu hút sự quan tâm của rất nhiều cô gái xinh đẹp của Sài Gòn và các tỉnh lân cận khác ở miền Nam Việt Nam. Do quan niệm Á Đông vẫn còn khá nặng nề nên cuộc thi năm đó không có phần thi áo tắm và chỉ có phần thi váy dạ hội và tài năng, ứng xử.Với chiều cao 1m61 và số đo 3 vòng là số đo 3 vòng là 86-62-88 cùng gương mặt khả ái, cuộc thi Hoa hậu Sài Gòn năm đó đã gọi tên Công Thị Nghĩa (tức là Thu Trang).
Phần thưởng dành cho hoa hậu của cuộc thi vô cùng giá trị, đó là một chiếc xe mô tô hiệu Lambretta; 1 chiếc kiềng vàng nặng 1 lượng; 1 vé máy bay đi Mỹ; 3 ngàn đồng tiền lúc bấy giờ (tương đương với 10 cây vàng). Nên từ đó, người ta vẫn gọi bà là “Hoa hậu Lambretta”.
Sau khi có ngôi vị hoa hậu, Thu Trang nổi tiếng như cồn. Bà nhận được lời mời tham gia nhiều sự kiện, tiệc chiêu đãi với giới thượng lưu và bắt đầu bước chân vào làng giải trí. Bà tham gia nhiều bộ phim như: Chúng tôi muốn sống, Lục Vân Tiên ... và đều được công chúng đón nhận, giới chuyên môn đánh giá cao. Tuy nhiên, niềm đam mê với viết lách, với nghiên cứu vẫn luôn chảy trong huyết quản của người đàn bà đẹp này.
Rồi cũng như sự trớ trêu của tạo hóa, khi đang có trong tay mọi thứ từ nhan sắc, sự đưa đón, tiền tài... thì scandal động trời ập đến: "Hoa hậu Thu Trang không chồng mà chửa". Thông tin ấy rộ lên các mặt báo và khiến người ta nháo nhào. Thì ra, trong lần đi công tác 1 tháng ở Nhật với đạo diễn Tống Ngọc Hạp để làm hậu kỳ cho bộ phim Lục Vân Tiên, tình cảm nam nữ đã nảy sinh và cô mang thai.
Hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn những ngày tháng trên đất Pháp (ảnh: Dương Kỳ Anh) |
Ở thời điểm đó, chuyện không chồng mà có con, mà lại là có con với một người đàn ông đã có vợ là một việc cực kỳ động trời, thậm chí là khó chấp nhận trong tư tưởng của nhiều người. Cô âm thầm nuôi con, âm thầm chịu đựng mọi cay đắng từ miệng lưỡi thế gian.
Rồi sau đó, năm 1961, bà cùng con trai sang Pháp định cư và trở thành một tiến sỹ, một nhà thơ với việc tự học, tự trau dồi kiến thức, vượt lên những khó khăn, thiếu thốn ban đầu trên đất khách quê người. Cho đến tận bây giờ nhiều người vẫn nhầm lẫn Thu Trang là hoa hậu đầu tiên của Việt Nam nhưng thực tế bà là Hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn mà thôi.