500 triệu đồng mà Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang hứa thưởng là con số không hề nhỏ với đội tuyển nữ Việt Nam khi điều kiện tập luyện chưa được tốt, cuộc sống còn nhiều khó khăn, bữa ăn còn đạm bạc nhưng việc HLV Mai Đức Chung và tuyển nữ từ chối nhận số tiền từ doanh nghiệp trên được dư luận đồng tình.
Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang được cho là có cách hành xử lạ lùng khi đã hứa trao thưởng, thậm chí đến tận trụ sở VFF để trao bảng tượng trưng số tiền thưởng 500 triệu đồng cho đại diện tuyển nữ. Tuy nhiên sau đó, doanh nghiệp này lại yêu cầu HLV Mai Đức Chung phải công bố danh sách chia thưởng mới giải ngân.
Thậm chí khi trao đổi với báo chí, lãnh đạo Công ty Đức Giang còn nói rằng: “Đội tuyển của quốc gia nhưng tiền là tiền của tôi. Nếu không cho tôi biết mức chia thưởng thì tôi cắt, không trao tiền nữa” và tuyên bố thẳng thừng với báo chí: “Tôi là người cho tiền, tôi có quyền quyết định. Tôi đề nghị công khai, anh Chung bao nhiêu, các vận động viên bao nhiêu. Còn họ không tuân thủ, tôi không gửi. Tôi là người bỏ tiền ra, tôi có quyền yêu cầu. Đức Giang không phải thiếu gì 500 triệu đấy, thế thôi”.
Tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã tận hiến để 6 lần giành HCV SEA Games mang vinh quanh về cho Tổ quốc chứ không nhằm mục đích đạt tiền thưởng của các doanh nghiệp. |
Đòi hỏi trên của Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang là đòi hỏi vô lý bởi khi hứa thưởng, doanh nghiệp này không hề đưa ra điều kiện trên. Nếu đưa ra điều kiện thì phải ở thời điểm hứa thương nhưng nay khi doanh nghiệp đã trao bảng tượng trưng, thậm chí sử dụng hình ảnh, đăng bài lên website của công ty để quảng bá thì không thể đưa thêm lý do, điều kiện nhận thưởng thưởng vì sự việc đã diễn ra và công ty này đã đồng ý là đủ điều kiện nhận thưởng.
Hơn nữa, việc Công ty tuyên bố thưởng cho đội tuyển bóng đá nữ thì việc sử dụng tiền thưởng, chia thưởng sẽ theo quyết định của người trao thưởng và quy chế sử dụng tiền thưởng của tổ chức nhận thưởng.
Việc Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang đưa ra điều kiện trên mới giải ngân, thể hiện sự không tin tưởng khi để đội tuyển tự chia, làm ban huấn luyện và các cầu thủ tuyển nữ làm thấy bị tổn thương, thậm chí bị xúc phạm là một hành động không nên có của một doanh nghiệp sắm vai mạnh thường quân từng mạnh miệng tuyên bố trao thưởng 500 triệu cho tuyển nữ khi họ giành HCV SEA Games 2019.
Hành động trên còn được cho là “lạc lõng” và kỳ cục khi các doanh nghiệp hứa thưởng tuyển nữ với số tiền 24 tỷ đồng đều đã giải ngân mà không hề đòi hỏi điều kiện như Công ty Đức Giang.
Của cho không bằng cách cho, việc Công ty Đức Giang gây khó dễ cho đội tuyển nữ khiến không chỉ Ban huấn luyện, các tuyển thủ tổn thương mà dư luận cũng không đồng tình.
Như lời HLV Mai Đức Chung mới đây tâm sự: “Chúng tôi chưa bao giờ để lại điều tiếng gì về chuyện tiền nong và các cầu thủ, các thành viên trong đội chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn là có bất công. Cũng chưa có doanh nghiệp nào yêu cầu chúng tôi phải cung cấp danh sách chia thưởng cả. Công ty Đức Giang trao bảng thưởng dưới sự chứng kiến của các cầu thủ. Việc này công khai như vậy, chúng tôi đâu có giấu cầu thủ mà họ e ngại đội sẽ không chia. Chúng tôi cũng cảm thấy bị tổn thương và như bị xúc phạm nếu phải nhận cách cho như kiểu ban ơn. Đội nữ xin không nhận khoản thưởng này nữa”.
Tại SEA Games 30, các tuyển thủ nữ đã thi đấu tận hiến, quả cảm, vắt kiệt sức, thậm chí đổ máu trên sân để mang về thành tích vẻ vang là chiếc huy chương vàng SEA Games. Mục đích thi đấu của họ nhằm mang về vinh quang cho Tổ quốc chứ không phải vì tiền thưởng của các doanh nghiệp. Ban huấn luyện và các tuyển nữ cũng không ngửa tay để xin tiền các doanh nghiệp, bắt ép các doanh nghiệp phải ủng hộ mình. Việc các doanh nghiệp hứa thưởng là bày tỏ sự cảm phục trước sự quả cảm, cống hiến của tuyển nữ cho bóng đá nước nhà. Bên cạnh đó, cũng là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu cho mình.
Do vậy, việc Công ty Đức Giang hứa thưởng 500 triệu rồi đòi hỏi, yêu sách mới cho tiền đã chạm vào lòng tự trọng của các nữ tuyển thủ, khiến họ bị tổn thương sâu sắc. Tuy nhiên, việc tuyển nữ từ chối khoản tiền từ công ty này là điều dễ hiểu. Bởi không có số tiền thưởng của Công ty Đức Giang vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân khác sẵn sàng ủng hộ đội tuyển mà không đòi hỏi điều kiện gì, con số 23,5 tỷ các doanh nghiệp tặng tuyển nữ đã nói lên điều đó.
Không có tiền thưởng của công ty Đức Giang, tuyển nữ vẫn sẽ nỗ lực hết mình để tiếp tục đưa bóng đã nữ Việt Nam đi lên, không có tiền thưởng của doanh nghiệp này tuyển nữ Việt Nam vẫn được hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ khác sát cánh trong chặng đường chinh phục những vinh quanh. Thực tế, đã chứng minh, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, các cô gái của tuyển nữ Việt Nam vẫn luôn nỗ lực hết mình nhiều lần chinh phục các đỉnh cao của bóng đá khu vực, mang về vinh quang cho bóng đá Việt Nam với tấm HCV thứ 6 trong lịch sử.
Tuy nhiên, với việc hứa thưởng rồi gây khó khăn, ra điều kiện thậm chí cạy “là người cho tiền nên có quyền quyết định”, Công ty Đức Giang đã khiến dư luận cho rằng, doanh nghiệp này mượn việc trao thưởng để đánh bóng tên tuổi khi tiền chưa trao, hình ảnh và thông tin tự PR thưởng tiền cho đội tuyển Quốc gia đã chình ình trên trang chủ của công ty này. Thậm chí, qua vụ việc này, doanh nghiệp đã tự làm giảm uy tín của bản thân khi nói không đi đôi với làm, hứa một đằng rồi làm một nẻo, đưa ra những ràng buộc vô lý gây khó khăn để không trao tiền thưởng.
Đây không phải là lần đầu tiên, tuyển bóng đá nữ bị “xù” tiền thưởng. Tại SEA Games năm 2017, khi tuyển nữ giành HCV, nhiều doanh nghiệp hứa thưởng nhưng sau đó tất cả chỉ là thứ “bánh vẽ”. Tưởng rằng, lịch sử hứa thưởng rồi bùng sẽ không lặp lại ở kỳ SEA Games 2019 nhưng thực tế vẫn còn doanh nghiệp “bổn cũ soạn lại” dù chỉ là thiểu số rất nhỏ trong những mạnh thường quân nhưng cũng là điều đáng để suy ngẫm về tư cách, uy tín của doanh nghiệp trong việc hứa thưởng.
Từ chối số tiền 500 triệu đồng hứa thưởng của “kẻ có tiền”, tuyển bóng đá nữ cho thấy, không nhận tiền bằng mọi giá và luôn giữ sự tự tôn, lòng tự trọng của bản thân, bảo vệ hình ảnh của mình trước những nhà tài trợ không tử tế. Họ không chỉ là những cô gái vàng trên sân bóng mà còn là những cô gái có phẩm chất, có bản lĩnh để đấu tranh với những chiêu trò PR thấp kém của một số doanh nghiệp ăn theo chứ không phải là những mạnh thường quân chính trực.
May mắn thay, bên cạnh tuyển nữ vẫn còn nhiều doanh nghiệp tử tế luôn sát cánh, đồng hành trên con đường chinh phục những vinh quang trong thời gian tới.
>>> Mời độc giả xem video Tuyển nữ Việt Nam gay gắt trước "cách cho tiền" của doanh nghiệp:
Nguồn VTC Now.