Liên quan đến phát ngôn “Đây là lứa tuổi mới lớn, nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì không bao giờ các em năng động được…”của bà Phạm Thị Ngọc Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.Huế) khi nói về vụ nữ sinh trường mình bị đánh. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đã không đồng tình với phát ngôn này.
Đánh nhau là năng động?
Theo thông tin, sáng ngày 18/2, khi tan tiết học thứ 3, nữ sinh Nguyễn Thị T.N (lớp 10A4, trường THPT Bùi Thị Xuân, TP. Huế) bị nhóm nữ sinh khoảng 5 người chặn đánh hội đồng tới tấp ngay trước cổng trường. Nhóm nữ sinh trên đã túm tóc, đánh liên tiếp vào mặt và đạp nạn nhân ngã xuống đất. Lúc này, rất đông học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân có mặt nhưng chỉ đứng nhìn bạn bị đánh. Theo N trình bày, trước khi xảy ra vụ việc, trong một lần đi ăn sáng, N. có làm đổ thức ăn vào chân một nhóm nữ sinh của trường khác, dẫn đến hai bên lời qua tiếng lại. Sáng nay, khi N. bước ra cổng trường sau khi tan học thì bị một nhóm nữ sinh xông vào đánh.
Nữ sinh Nguyễn Thị T.N (lớp 10A4, trường THPT Bùi Thị Xuân, TP. Huế) bị chặn đánh trước cổng trường. |
Liên quan đến vụ việc này, bà Phạm Thị Ngọc Tâm- Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết, vụ việc trên xảy ra vào lúc 9h30 phút ngày 18/2 và nạn nhân là em Nguyễn Thị T.N - học sinh lớp 10B4 của nhà trường. Theo bà Tâm, vào thời điểm trên, học sinh khối 10 của trường ra về sau khi học xong tiết thứ 3, còn học sinh các khối khác tiếp tục ở lại học. Khi nhận được thông tin có nữ sinh của trường bị đánh, giám thị của trường chạy ra thì nhóm học sinh đánh em N đã tháo chạy vì một người dân dọa rằng có công an đến.
Trả lời báo chí, bà Tâm đã nói rằng “Đây là lứa tuổi mới lớn, nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì không bao giờ các em năng động được…”. Câu nói trên khiến dư luận phản ứng gay gắt, đặc biệt là từ phía những chuyên gia giáo dục.
“Đánh nhau không phải năng động mà là manh động”
Trước sự việc trên, Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Xuân Nhĩ khẳng định phát ngôn như trên của Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân là hoàn toàn sai và cho rằng đánh nhau không phải năng động mà là manh động. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng trên cương vị một người đứng đầu, lãnh đạo trường học mà phát biểu như vậy là thiếu trách nhiệm. “Là hiệu trưởng mà nói như vậy thì cần phê bình. Nói theo ý của bà hiệu trưởng thì các nước trên thế giới đánh nhau, chiến tranh là các nước năng động à?” ông Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Xung quanh thông tin bà Phạm Thị Ngọc Tâm cho rằng "nữ sinh không đánh nhau sẽ không năng động" gây xôn xao dư luận, ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế cho biết: "Thông tin này không chính xác bởi cô Tâm nói đến học sinh bây giờ năng động và hiếu động không liên quan đến chuyện đánh nhau. Tôi đánh giá cô Tâm là một cô giáo rất tốt, nhân cách tốt nên rất chín chắn. Đây là người phụ nữ toàn tâm toàn ý cho ngành giáo dục".
Phân tích về tâm sinh lý tuổi học trò, ông Hùng cho rằng: "Lứa tuổi học sinh nói chung ở các trường THPT, THCS có tâm sinh lý rất phức tạp, vui thì quá trớn, buồn thì rầu rĩ, hiếu động, kích động. Mặt khác, tâm sinh lý tuổi học trò thời nay còn bị thổi bùng lên bởi công nghệ, internet, phim ảnh... Thời buổi kinh tế thị trường, đặc biệt là đạo đức của một số người lớn cũng không gương mẫu, sẵn sàng đánh nhau, vi phạm pháp luật. Chính những điều này cũng đang tác động đến các cháu".