Chịu “nhục” để tiến thân
Nay anh phải có một người vợ tương xứng với anh, có đâu “đốt đời” với một bà vợ vừa già, vừa xấu, vừa vô dụng thế này…
Khi chúng tôi mới biết nhau, chồng tôi là anh sinh viên trường y sắp tốt nghiệp, nghèo kiết xác, không có ai thân thích ở thành phố này. Tôi cảm phục ý chí và sự cần cù của anh, cộng với thái độ chân thành, không màu mè hình thức của một chàng trai tỉnh lẻ, nên gật đầu làm vợ anh, chẳng màng tới sự theo đuổi của nhiều người đàn ông “môn đăng hộ đối” khác.
Cưới nhau rồi, tôi càng tin mình không chọn lầm. Anh chăm chỉ làm việc, không ngại khó khăn vất vả, lại rất có ý thức học thêm, nâng cao chuyên môn. Ba tôi khi đó là phó giám đốc một bệnh viện lớn, đương nhiên nhận anh về làm việc, hết lòng nâng đỡ. Khỏi phải nói, sức phấn đấu của anh làm ba tôi thật sự hài lòng.
Bảy năm, chúng tôi có với nhau hai đứa con. Nhà anh ở quê được sửa sang lại, em út tiếp tục học hành cũng nhờ có anh chu cấp. Khi anh đủ sức mở phòng mạch tư kiếm sống thì ba tôi đến tuổi về hưu, mừng là con rể có thể vững vàng kế tục sự nghiệp của mình…
Đó cũng là lúc cuộc hôn nhân của tôi rẽ sang một khúc quanh mà có nằm mơ gặp ác mộng, tôi cũng không nghĩ ra: anh bỗng dưng đề nghị ly hôn! Chồng tôi thoắt cái trở mặt, nhanh đến không sao dám tin, mới hôm qua còn qua lại, lễ nghĩa, chu đáo, yêu thương…
|
Ảnh minh họa. |
Khi chỉ có hai vợ chồng với nhau, anh chẳng ngại ngần gì mà không lật bài bằng những câu cạn tình cạn nghĩa, trơ tráo, vô sỉ. Nào là chấp nhận lấy tôi, nín nhịn chịu đựng tôi chừng ấy thời gian là đủ lắm rồi. Tôi tưởng mình là ai kia chứ, lá ngọc cành vàng à? Chẳng qua lúc trẻ cần một chỗ dựa, một nơi yên ổn để tiến thân nên anh mới phải chịu “nhục” bấy lâu. Nay anh phải có một người vợ tương xứng với vị trí và tài năng của anh, có đâu “đốt đời” với một bà vợ vừa già, vừa xấu, vừa vô dụng thế này…
Con người ta, dường như khi đã bạc thì không bút mực nào tả xiết. Cả nhà tôi bất ngờ khi biết thêm góc khuất nhân cách của một người bấy lâu mình cứ tưởng là hiểu rõ lắm, thân thiết lắm và đối đãi hết lòng. Sự thất vọng ê chề, nỗi đớn đau vì lầm tưởng và bị lợi dụng làm cha tôi suy sụp. Cảm giác ghê sợ, khinh bỉ làm tôi không sao chịu đựng nổi, chỉ mong mau chóng thoát khỏi con người vô ơn, tệ bạc, phản trắc.
Khi nỗi bất ngờ choáng váng qua đi, khi ba tôi đã bình tâm hơn sau cú sốc lật lọng của gã con rể vốn được ông yêu quý chẳng khác con ruột, chúng tôi quyết định sẽ cắt bỏ cái khối u nhọt đó khỏi phần đời còn lại của mình. Chỉ thương hai đứa con nhỏ dại. Thế nhưng, cuộc ly hôn chẳng phải dễ dàng gì, bởi sự trơ trẽn đến tận cùng của người đàn ông vốn có học, từng chịu ơn cha tôi, từng thản nhiên đón nhận sự cưu mang chăm sóc của gia đình vợ nhiều năm dài để yên tâm học hành… Chồng tôi gây khó dễ trong việc đòi chia đôi mớ tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân, cố tình không nhìn nhận căn nhà, cái xe đều do ba tôi sắm sửa cho… Bần tiện đến mức, anh ta đòi mang cả chút nữ trang ít ỏi vốn là quà cưới cho cô dâu ngày xưa ra chia chác…
Thế nhưng, anh ta lại chẳng màng đến hai đứa trẻ luôn níu áo bố. Trong cuộc chiến tranh hơn thua từng chút quyền lợi đó, anh ta hoàn toàn chẳng đả động gì đến hai sinh linh tội nghiệp kia, tựa như chúng chẳng hề tồn tại. Anh ta “trả giá” từng trăm ngàn khi ra tòa thỏa thuận về tài sản. Trước mặt thiên hạ, người từng đầu ấp tay gối với tôi không ngần ngại than nghèo kể khổ, bao nhiêu tiền làm ra lâu nay bị bên vợ “siết” để đầu tư này nọ hết, giờ phải chia đều ra để anh ta bớt bị thiệt thòi!
Con chim ngỡ mình đủ lông đủ cánh đã bạc bẽo bay đi. Cuộc đời nhân quả nhãn tiền, tôi thực tâm không nuôi lòng oán hận, chỉ thương hai đứa con mất cha bởi những tham vọng và toan tính của chính người đã sinh ra chúng. Tôi càng tiếc nuối tình yêu và niềm tin đã đặt sai chỗ, uổng phí tuổi xuân cho một người không xứng đáng…