Hàng loạt công trình "bức tử" dòng kênh
Trong suốt thời gian dài, hàng chục hộ dân đã thản nhiên xây dựng các công trình từ tạm bợ đến kiên cố để kinh doanh buôn bán, lấn chiếm lòng kênh T2 và kênh phụ tại khu vực chợ Đọ (xóm 1, xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Việc này khiến nhiều người dân bức xúc bởi các công trình lấn chiến đã làm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến việc nạo vét, tưới tiêu ruộng đồng của người dân địa phương.
Quan sát của PV Kiến Thức, tại khu vực kênh T2 - chạy dọc Quốc lộ 37 có đến hàng chục công trình lấn chiếm để làm nhà xưởng kinh doanh gạch men, đồ gỗ, quán cắt tóc, sửa xe...
Tương tự, tại con kênh chạy dọc đường thôn dẫn từ QL 37 vào khu vực trụ sở UBND xã Ứng Hòa cũng xảy ra tình trạng lấn chiếm dòng kênh để dựng hàng tạp hóa, tiệm vàng, thậm chí làm nhà ở, biến dòng kênh thành nơi để những thân gỗ lớn. Có những công trình lấn chiếm từ lâu nhưng cũng có những công trình vừa mới xây dựng, thậm chí đang xây dựng.
Công trình vi phạm xây lấp mặt dòng kênh. |
Kênh mương bị lấn chiếm là vấn đề nhức nhối tại địa phương này khi không chỉ dòng chảy bị thu hẹp, mà tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng làm ảnh hưởng đến người dân địa phương.
Thêm nữa, việc người dân thiếu ý thức vứt rác thải ngập ngụa dưới lòng kênh, trong khi đơn vị quản lý kênh mương lại không thể nạo vét do vướng các công trình xây dựng trái phép lấn lòng kênh nên việc ô nhiễm càng thêm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn H. (người dân địa phương cho biết) tình trạng lấn chiếm dòng kênh ở đây đã diễn ra từ lâu và ngày càng có thêm những công trình tiếp tục được xây dựng lấn chiếm nốt những mặt kênh còn lại.
Rác thải tràn ngập mặt kênh khiến môi trường bị ô nhiễm. |
"Ai cũng biết việc làm của mình là sai nhưng vì khu vực này gần chợ nên rất cần mặt tiền để buôn bán, chính vì vậy buộc họ phải xây dựng các công trình trên kênh để mở rộng mặt bằng.
Người này làm được thì người kia cũng làm theo, cuối cùng đoạn kênh này ai cũng xây dựng cầu, đường và đặc biệt họ còn xây nhiều nhà ở kiên cố.
Việc xây dựng các công trình trên đã ngăn dòng chảy, bốc mùi hôi thối do rác thải. Cả mặt kênh dài đã phủ kín các công trình xây dựng. Thay vì xây cầu tạm để đi lại, họ đổ bê tông và dựng trên đó những công trình để kinh doanh buôn bán", ông H. cho biết.
Chủ tịch xã than khó, Chủ tịch huyện nói không thể xử lý
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Đỗ Văn Tốt – Phó giám đốc Xí nghiệp công trình Thủy lợi huyện Ninh Giang cho biết, việc vi phạm lấn chiếm kênh mương trên địa bàn huyện Ninh Giang thì hiện nay có hơn 500 trường hợp. Tuy nhiên, nổi cộm nhất là khu vực xã Ứng Hòe.
"Doanh nghiệp được phân công quản lý các tuyến kênh này. Trước tình trạng vi phạm xây dựng tràn lan, lấn chiếm dòng kênh, sau khi phát hiện những trường hợp vi phạm, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương để lập biên bản và có những kiến nghị với địa phương.
“Hiện tại, chưa có chế tài nào làm triệt để vấn đề này, chúng tôi chỉ lập biên bản các trường hợp sai phạm. Mỗi một lần lập biên bản những trường hợp sai phạm thì đều có thông báo đối với UBND xã, đồng thời, cũng có báo cáo gửi sang UBND huyện. Việc đó cũng chỉ yêu cầu trong biên bản với người vi phạm là yêu cầu tháo rỡ và trả lại hiện trạng ban đầu, đề nghị chính quyền địa phương theo dõi giám sát việc sai phạm này và xử lý người vi phạm theo luật định”, ông Tốt nói.
Lòng kênh thành nơi tập kết gỗ. |
Theo bản danh sách vi phạm công trình thủy lợi do Xí nghiệp công trình Thủy lợi huyện Ninh Giang cung cấp, tại khu vực xóm 1, xã Ứng Hòe có đến hàng chục hộ dân vi phạm trong thời gian từ năm 2016 đến nay.
Ông Vũ Văn Tĩnh – Chủ tịch UBND xã Ứng Hòe cho biết, khu vực này thuộc Kênh T2 do xã và huyện Ninh Giang quản lý, trước đó có một số hộ gia đình xây dựng những cây cầu để đi qua. Hiện nay có một số nhà ở cũng tự ý xây dựng nhà ở kiên cố và xã đã phối hợp với Xí nghiệp khai thác công trình Thủy lợi huyện về lập biên bản xử phạt hành chính.
“Việc phối hợp để tình trạng rứt điểm thì chưa được bởi vì ngay cán bộ huyện về cũng chưa phối hợp với xã để có phương án giải quyết. Chính vì vậy thẩm quyền của xã cũng chỉ xử phạt với mức tối đa là 5 triệu, còn việc cưỡng chế thì chưa làm được vì không có kinh phí làm”, ông Tĩnh nói và cho biết thêm, UBND xã đã báo cáo bằng văn bản lên UBND huyện và ngay trong các cuộc họp cũng đã báo cáo trên cuộc họp nhưng đến nay huyện cũng chỉ ra thông báo về cho chính quyền địa phương.
"Việc để UBND xã làm việc giải tỏa này thì không thể nào làm được”, Chủ tịch UBND xã Ứng Hòe nói.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Nguyễn Tiến Tầng – Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang thừa nhận, đây là những vi phạm tương đối lớn. Tuy nhiên, theo Chủ tịch huyện Ninh Giang, khuyết điểm để tình trạng xảy ra như này không phải là của các lãnh đạo huyện bây giờ mà tình trạng xây dựng này sai lầm lớn nhất là do quy hoạch.
Vi phạm tràn lan, huyện than không thể giải tỏa. |
"Quy hoạch của xã Ứng Hòe đường đằng sau thì người dân phải làm cầu đi qua và xây nhà trên dòng kênh. Đó là sai lầm lớn nhất từ ngày xưa của xã Ứng Hòe lên hiện nay chúng tôi không thể xử lý được “giờ bịt vào thì họ đi đâu, không có lối thoát, có xử phạt hành chính nhưng giải tỏa không thể giải tỏa được”, ông Nguyễn Tiến Tầng nói và cho biết, vừa qua, khi giải phóng mặt bằng của tuyến Quốc lộ 37, huyện cũng có ý xem có giải phóng khu vực này nhưng quả thật không thể làm được.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ báo cáo lại với UBND tỉnh Hải Dương để xin ý kiến chỉ đạo”, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết thêm.
Trước tình trạng hàng loạt các công trình lấn chiếm dòng kênh T2 gây cản trở dòng chảy và làm ô nhiễm môi trường mà không hề có biện pháp nào xử lý được dứt điểm, đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các Sở, ban ngành và các đơn vị liên quan xác minh xử lý theo quy định để đảm bảo thượng tôn pháp luật.