Như thông tin báo chí đã đăng tải, trong ngày 15 – 16/5/2014 và ngày 19/5/2014 vừa qua, tại công ty TNHH giày HongFu Việt Nam và Công ty TNHH Rollsport Việt Nam (HongMy) đã xảy ra vụ việc làm 2.023 lượt người (đợt 1 là 1.355 lượt người, đợt 2 là 668 lượt người) phải vào cấp cứu, điều trị tại các cơ sở điều trị của tỉnh Thanh Hóa.
Trước những diễn biến của sự việc trên, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan chức năng của ngành y tế, phối hợp với các bên liên quan nhanh chóng tìm ra nguyên nhân.
TS.Trần Quang Trung thăm hỏi tình hình sức khỏe của công nhân. Ảnh: vfa. |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Đoàn công tác phối hợp do TS. Trần Quang trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm làm trưởng đoàn, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo và chuyên viên Cục Quản lý môi trường y tế, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường - Bộ Y tế, Trung tâm chống độc, khoa Thần kinh - Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hóa, các cơ sở điều trị và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành rà soát, đánh giá tình hình tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị bệnh tật đối với công nhân; phân tích, tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá điều kiện vệ sinh môi trường, điều kiện vệ sinh nhà xưởng, dây chuyền công nghệ sản xuất, nguồn hóa chất sử dụng trong sản xuất dày tại công ty; thảo luận, phân tích, đánh giá tình hình dựa trên các căn cứ khoa học, thực tiễn, thẳng thắn và thống nhất:
Kết luận ban đầu: Những trường hợp công nhân nhập viện vừa qua là do “Hội chứng nhiễm độc thần kinh của người lao động làm việc trong môi trường có dung môi hữu cơ”. Vụ việc trên không phải là ngộ độc thực phẩm và do sử dụng nguồn nước uống tại hai công ty trên.
Đoàn công tác làm việc với ngành y tế tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Vfa. |
Đồng thời Bộ Y tế cũng yêu cầu, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường – Bộ Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa: Tổ chức đo khí độc, xác định các chỉ tiêu vệ sinh, an toàn môi trường của các cơ sở sản xuất trên, đánh giá tâm sinh lý người lao động… bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động trước khi doanh nghiệp tiếp tục tổ chức sản xuất.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng, hiện tượng sức khỏe trên; tăng cường giám sát vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường cơ sở sản xuất trên, tổng hợp số liệu báo cáo kết quả hoạt động.
Đề nghị doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe cho những công nhân bị choáng, ngất trong cả 2 đợt trên để phân loại, đề nghị bố trí công việc cho phù hợp trong các dây chuyền sản xuất…
Cũng theo thông tin từ Đoàn công tác, tính đến ngày (21/5/2014), các bệnh nhân đã ổn định, bình phục và xuất viện.