Chia sẻ kết quả nghiên cứu của VPIS, TS tâm lý Trần Thành Nam cho biết: Báo cáo Tác động tâm lý của MXH với tâm lý người dùng 2017 là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam sử dụng phương pháp thực nghiệm 72 giờ không Facebook với 66 khách thể để đo lường sự thay đổi trạng thái tâm lý của người tham gia và mức độ gắn bó với Facebook sau 3 ngày.
TS tâm lý Trần Thành Nam - Đồng trưởng Ban nghiên cứu Internet & Cuộc sống, Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội. Ảnh: Huyên Nguyễn |
Kết quả đáng chú ý là gần 43,1% người tham gia thực nghiệm đã vi phạm cam kết ngay sau 6 tiếng đầu tiên tham gia.
Những người tham gia cảm thấy mất kết nối với bạn bè, lạc hậu do không nắm được các thông tin đang diễn ra và luôn bứt rứt, thiếu thốn một thứ gì đó.
“Facebook đang trở thành một "ngôi làng toàn cầu”, tạo cơ hội kết nối và tương tác hoản hảo để giao tiếp và liên lạc trong kỷ nguyên số.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, lợi ích của Facebook đối với học sinh, sinh viên giúp các em trong quá trình học tập vì hiện nay hầu hết tất cả lớp học, quá trình giảng dạy, trao đổi với nhau, thực hành làm bài tập nhóm đều sử dụng mạng xã hội để huy động, kết nối nhiều nguồn lực hay thông tin cùng lúc nhiều người.
Ngoài những lợi ích không thể phủ nhận của Facebook và Internet thì nó cũng có những mặt trái, tác động tiêu cực khôn lường. Các số liệu cho thấy, những hệ quả tiêu cực nhiều hơn tích cực. Các yếu tố tích cực thì thường chỉ là ngắn hạn, ứng phó nhất thời.
Ví dụ, khi lên Facebook giúp bạn trẻ thoải mái hơn, quên đi những ưu buồn, khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng khi dành quá nhiều thời gian để dử dụng Facebook thì khi trở công việc sẽ dồn đống. Sau đó, lại tự dằn vặt chính mình tại sao lại dành quá nhiều thời gian để làm những việc vô nghĩa.
Cụ thể, số lượng bạn trên Facebook càng nhiều thì mức độ hài lòng với cuộc sống càng thấp, mức độ cô đơn, điểm trầm cảm, mức độ lo âu, mức độ căng thẳng, mức nghiện internet càng cao.
Thời gian trung bình hàng ngày truy cập Facebook càng nhiều thì lòng tự trọng, điểm hài lòng với cuộc sống càng thấp và điểm trầm cảm, điểm mức độ lo âu, xu hướng chăm chút diện mạo trên Facebook càng cao. Bạn càng gắn bó chặt chẽ với Facebook, mức độ cô đơn cũng sẽ càng tăng.
“Từ những số liệu trên, chúng ta cần có những nghiên cứu cụ thể về các tác động đa chiều của mạng xã hội tới người sử dụng. Gợi ý cho chương trình phòng ngừa hay giúp các em nhận diện ra dấu hiệu mình đang lệ thuộc vào mạng xã hội. Qua đó, giúp học sinh, sinh viên biết cách sử dụng một cách thông minh và luôn ý thức được nguy cơ, hiểm hoạ từ thế giới ảo và có các biện pháp an toàn khi sử dụng mạng xã hội”, TS Trần Thành Nam cho hay.