Vào sáng 8/6, tại quốc lộ 37, cầu phao sông Hóa, địa phận giáp ranh giữa Hải Phòng và Thái Bình xảy ra sự việc hy hữu khi các xe buýt của Công ty TNHH vận tải Thịnh Hưng đang tập kết đón khách tại cầu phao sông Hóa thì bất ngờ bị các xã viên của hợp tác xã vận tải Quang Vinh mang xe ra chặn, không cho rời bến. Hành động trên khiến cho khu vực này bị tắc nghẽn khi xe buýt của Công ty Thịnh Hưng và xe của HTX đối đầu nhau.
Xe của HTX vận tải Quang Vinh đối đầu với đoàn xe buýt của Công ty Thịnh Hưng. |
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, mới đây, công ty Thịnh Hưng đã đưa phương tiện vận tải vào khai thác tuyến xe buýt cầu phao sông Hóa – sân bay Cát Bi. Tuy nhiên, chưa đạt được thỏa thuận giữa doanh nghiệp vận tải buýt và HTX vận tải ở địa phương mà vẫn đưa vào khai thác tuyến đã dẫn đến việc các xã viên trong HTX vận tải Quang Vinh đình công.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Khổng Hữu Giang (SN 1968, trú tại thôn Nam Am, xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) là xã viên của HTX vận tải Quang Vinh cho biết: “Chúng tôi đã khai thác vận hành tuyến Nam Am – Hải Phòng hơn 25 năm nay. Tuyến này trùng với tuyến cầu phao sông Hóa – Sân bay Cát Bi mà công ty Thịnh Hưng đang khai thác. Tất cả có 11 đầu xe chạy tuyến này với tần suất cả đi và về là 70 chuyến/ngày. Việc vận tải hành khách và hàng hóa đều diễn ra an toàn, thuận lợi. Bất ngờ, cách đây 3 tháng, chúng tôi nhận được thông báo trên truyền hình là công ty Thịnh Hưng sẽ khai thác tuyến này”.
“Kể từ khi đi vào hoạt động hàng chục năm nay, HTX vận tải Quang Vinh đã góp phần phục vụ có hiệu quả việc đi lại của nhân dân địa phương, người dân không có ý kiến gì về thái độ phục vụ của nhà xe, cũng như không có chuyện chặt chém vé xe khách”, ông Giang cho biết.
Cùng tâm trạng như ông Giang, ông Đỗ Văn Thắng, một xã viên trú tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Bảo bức xúc: “Là xã viên trong HTX, chúng tôi không hề biết được việc công ty Thịnh Hưng sẽ về khai thác tuyến đường mà chúng tôi đang lưu thông. Phía công ty Thịnh Hưng nói rằng việc khai thác tuyến này là được sự đồng ý của UBND TP Hải Phòng, Sở GTVT cùng các đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, các đơn vị kể trên không hề lấy ý kiến của các xã viên trong HTX chúng tôi. Họ làm thế khác gì đạp đổ nồi cơm bát cháo chúng tôi gây dựng bao nhiêu năm nay. Các đầu xe đang khai thác tuyến này đều do các xã viên chung tay góp vốn, gần 30 hộ gia đình cùng vợ con đều trông cả vào đấy. Công ty Thịnh Hưng nhảy vào khai thác, chúng tôi làm sao có thể sinh sống?”.
Ông Vũ Anh Chuyển, một xã viên trong hợp tác xã vận tải cho rằng, mức độ lưu thông tuyến Nam Am – Hải Phòng hiện đã ổn định. Việc công ty Thịnh Hưng cùng vào khai thác tuyến dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, lấn tuyến. Mặt khác, xe của các xã viên đều đang vay vốn ngân hàng, chưa thể hoàn vốn.
Các xã viên HTX vận tải Quang Vinh. |
Trước việc này, ông Bùi Văn Hắc, chủ nhiệm HTX vận tải Quang Vinh cùng các xã viên đã nhiều lần đề nghị các đơn vị chức năng giải quyết việc này nhưng chưa nhận được hồi âm. Đến sáng 8/6, khi chưa đạt được thỏa thuận giữa các bên, công ty Thịnh Hưng đã đưa xe vào khai thác tuyến dẫn đến việc các xã viên trong HTX vận tải Quang Vinh kéo người và mang xe ra ngăn chặn bến, không cho rời bến. Đến 16h chiều 8/6, một số xe của Công ty Thịnh Hưng đã di chuyển đến vị trí khác.
Sáng 9/6, PV liên hệ với ông Hà Duy Hưng, giám đốc Công ty TNHH vận tải Thịnh Hưng, ông Hưng cho rằng không có việc chồng tuyến và cáo bận, sẽ cung cấp thông tin sau. Liên hệ với Sở GTVT TP Hải Phòng, cụ thể là Phòng quản lý vận tải, ông Ngô Hồng Quang – trưởng phòng đang đi công tác, ông Quang nói sẽ thu xếp thời gian, hẹn làm việc với PV trong thời gian sớm nhất có thể.
PV Kiến Thức sẽ tiếp tục cập nhật thông tin sự việc.