Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, trên địa bàn tỉnh này hiện có 496 dự án FDI, với tổng vốn trên 9,2 tỷ USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 4 trong khu vực Đồng Bằng Sông Hồng và đứng 11 cả nước.
Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo với 437 dự án, tổng vốn 8.672,6 triệu USD, chiếm 94% vốn đăng ký; lĩnh vực dịch vụ có 42 dự án với số vốn 316,2 triệu USD, chiếm 3,4% tổng vốn đăng ký; lĩnh vực nông nghiệp có 17 dự án với số vốn 226,9 triệu USD, chiếm 2,6% tổng vốn đăng ký.
Hải Dương hiện có 496 dự án FDI, với tổng vốn trên 9,2 tỷ USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 4 trong khu vực Đồng Bằng Sông Hồng và đứng 11 cả nước. |
Trong 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn, các nhà đầu tư đến từ các nước Châu Á, chiếm 90%, còn lại là đến từ các nước châu Mỹ, Châu Âu. Trong đó, Hồng Kông là nhà đầu tư lớn nhất với số vốn đầu tư chiếm 40% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Nhật Bản chiếm 16,3%, thứ ba là Hàn Quốc chiếm 15,4%, thứ tư là Đài Loan chiếm 7,8% tổng vốn đầu tư đăng ký....
Những năm gần đây, vốn FDI chiếm từ 35% đến 40% cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, với trên 90% tổng vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực công nghiệp chế tạo, các doanh nghiệp FDI hiện đang đóng góp trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp tại Hải Dương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh,
Với lợi thế về vốn, công nghệ và kỹ thuật cao, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đang là các doanh nghiệp đi đầu trong xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế, tạo nhiều sản phảm mới cho hàng hoá sản xuất tại địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI luôn là điểm sáng trong đóng góp vào ngân sách tỉnh, hàng năm luôn chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách của địa phương. Riêng năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 5.000 tỷ đồng, vượt 157% dự toán giao và 108% so với cùng kỳ...
Xác định vai trò của doanh nghiệp FDI đối với sự phát triển của tỉnh, những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh cam kết tiếp tục chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Thời gian tới, để thúc đẩy việc thu hút, nâng cao hiệu quả khai thác và phát huy tối đa nguồn vốn FDI, Hải Dương xác định ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; Ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít đất đai, thân thiện với môi trường.
Đồng thời, thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng trong và ngoài nước; các nhà đầu tư từ các quốc gia thuộc nền kinh tế lớn, có tiềm lực về vốn, công nghệ và trình độ quản lý; kiên quyết không tiếp nhận các dự án quy mô nhỏ lẻ, suất đầu tư thấp, sử dụng công nghệ trung bình, lạc hậu, không thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư và các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.
>>> Mời độc giả xem thêm video 250 triệu EURO xây sân Hàng Đẫy - Hà Nội T&T sẽ thu hồi vốn thế nào?
Nguồn video: VTV1