Từ ngày 1/3, các doanh nghiệp ở Cẩm Giàng hoạt động trở lại
Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với phòng chống COVID-19 trên địa bàn huyện Cẩm Giàng.
Theo đó, để đảm bảo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn Huyện trở lại hoạt động trong tình hình mới (vừa hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch), Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo, đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh gắn với phòng chống dịch tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để trở lại hoạt động kể từ đầu tháng 3/2021.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh gắn với phòng chống dịch tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để trở lại hoạt động kể từ đầu tháng 3/2021. |
Riêng các doanh nghiệp có xuất hiện dịch bệnh thời gian vừa qua, ngoài yêu cầu lập kế hoạch như trên, cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương và huyện Cẩm Giàng để rà soát xử lý triệt để các yếu tố nguy cơ dịch bệnh trong doanh nghiệp hay từ người lao động của doanh nghiệp. Lập báo cáo gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Hải Dương xem xét thống nhất trước khi hoạt động trở lại.
UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, nhu cầu hoạt động trở lại của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch theo yêu cầu trên và trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với phòng chống dịch bắt đầu từ tháng 3 năm 2021.
Đồng thời, chủ động phối hợp với Sở Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Cẩm Giàng, các cơ quan liên quan quản lý, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được hoạt động thuận lợi, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Đối với UBND huyện Cẩm Giàng cần tổ chức thật tốt công tác phòng, chống dịch tại các khu dân cư, thôn, xóm; các xã, thị trấn trên địa bàn. Hướng dẫn người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại từng gia đình, thôn, khu dân cư; khi tham gia các hoạt động: đi lại, mua bán tiêu dùng… chấp hành nghiêm chỉnh các quy định phòng, chống dịch.
Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức quản lý, giám sát người lao động chấp hành quy định phòng chống dịch, từ nơi ở đến nơi làm việc và từ nơi làm việc về nơi ở (không tổ chức lập chốt, trạm kiểm tra người lao động).
Chuyển trạng thái mới kiểm tra, giám sát tại huyện Cẩm Giàng
Tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Cẩm Giàng sáng 28/2, ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, theo Quyết định của UBND tỉnh, chỉ còn 2 ngày nữa sẽ hết thời hạn giãn cách toàn xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn tỉnh Hải Dương và huyện Cẩm Giàng sẽ bước vào giai đoạn mới đòi hỏi những chỉ đạo phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch tại các địa phương. Ngày 27/2, UBND tỉnh đã có văn bản số 654/UBND-VP về việc thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với phòng chống COVID-19 trên địa bàn huyện Cẩm Giàng. Do đó, công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát tại huyện Cẩm Giàng sẽ chuyển sang trạng thái mới.
Để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Ban Chỉ đạo huyện Cẩm Giàng khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình để đề xuất Ban Chỉ đạo của tỉnh tiếp tục phong tỏa, cách ly các khu vực còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên nguyên tắc phạm vi thu hẹp nhất có thể.
Ông Lưu Văn Bản Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo tại cuộc họp sáng 28/2. |
Đồng thời tổ chức giám sát thật chặt chẽ các khu vực này, hạn chế tối đa việc ra vào khu vực phong tỏa, người dân khu phong tỏa phải tuân thủ quy định không ra khỏi nhà.
Ngoài các khu vực phong tỏa, Ban Chỉ đạo cấp cơ sở và Tổ covid cộng đồng yêu cầu từng gia đình ký cam kết thực hiện quy định phòng, chống dịch trong tình hình mới, trong đó nguyên tắc cơ bản tiếp tục thực hiện “5k: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế". Thông qua việc ký cam kết để người dân nâng cao ý thức tự giác phòng chống dịch. Đây cũng là căn cứ pháp lý để cơ quan chức năng xem xét xử phạt các trường hợp vi phạm.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trước khi tổ chức sản xuất, kinh doanh trở lại cần xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh gắn với phòng chống dịch tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, có các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch tại doanh nghiệp, cơ sở theo đúng quy định của Bộ Y tế, đồng thời thực hiện việc ký cam kết đảm bảo chấp hành quy định phòng dịch với cơ quan quản lý.
Người lao động không thuộc diện phải cách ly, ở ngoài các khu vực bị phong tỏa, làm việc tại các doanh nghiệp đủ điều kiện được hoạt động được phép đi làm trở lại, nhưng phải ký cam kết thực hiện quy định phòng, chống dịch, trong đó có nguyên tắc “5k” khi trở lại làm việc.
Các xã, thị trấn tăng cường vai trò Ban chỉ đạo và Tổ COVID cộng đồng; tăng cường, giám sát, phát hiện các trường hợp có biểu hiện triệu chứng của bệnh trong cộng đồng; nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; giám sát việc ký cam kết và thực hiện cam kết về phòng, chống dịch của từng hộ gia đình, người lao động. Lực lượng cán bộ từ thôn, khu dân cư, xã, thị trấn, các tổ chức chính trị, xã hội phải gương mẫu đi trước, nghêm chỉnh chấp hành quy định.