Lãi 10 tháng chạm mốc ngàn tỷ sau gần một thập kỷ
Sau nhiều năm chìm trong khó khăn, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG) đã tái cấu trúc, chính thức thoái vốn khỏi Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HNG) kể từ cuối năm 2021 và có lãi trở lại (203 tỷ đồng) trong năm 2021 sau khi lỗ 1.255 tỷ trong năm trước đó.
Kể từ năm 2022, HAGL chỉ còn 3 mảng kinh doanh bao gồm cây ăn trái (7.000 ha chủ yếu trồng chuối), chăn nuôi lợn thịt (công suất tối đa 600.000 con/năm) và thương mại vật tư trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó, mảng thương mại vật tư trồng trọt, chăn nuôi chủ yếu phục vụ nhu cầu nội bộ hoặc hỗ trợ cho các hộ trồng trọt, chăn nuôi theo hợp đồng bao tiêu với HAGL.
Năm 2022, HAGL đặt mục tiêu doanh thu 4.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gần 10 lần lên 1,120 tỷ đồng. Trong khi đó, 10 tháng 2022, HAGL ghi nhận doanh thu thuần 3,650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chạm mốc 1,001 tỷ đồng sau gần một thập kỷ.
Như vậy, sau 10 tháng HAGL đã thực hiện được 76% kế hoạch doanh thu và hơn 89% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm. Đây là mức lãi ấn tượng trong điều kiện hoạt động chăn nuôi và trồng trọt tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn rất khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do tác động của căng thẳng Nga – Ukraina và việc Trung Quốc hạn chế hàng hóa các cửa khẩu do Covid-19.
HAGL cho biết đã tiêu thụ tổng cộng 205.270 con heo thịt trong 10 tháng năm 2022 và 241.424 tấn trái cây, bao gồm 139.273 tấn chuối xuất khẩu và 102.151 tấn chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc.
Chưa dừng lại ở đó, HAGL cho biết đang nghiên cứu và sẽ ra mắt dòng gà đi bộ ăn chuối trong tháng 11 này khi nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2 ha tại huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai). HAGL khá tham vọng khi đặt mục tiêu cung ứng 1 triệu con heo ăn chuối và 5 triệu con gà đi bộ ăn chuối ra thị trường và tiến đến xây dựng nhà máy chế biến thịt.
HAGL đặt mục tiêu cung ứng 1 triệu con heo ăn chuối và 5 triệu con gà đi bộ ăn chuối ra thị trường |
Nhận định về ngành sản xuất thịt thời gian tới, VNDirect cho rằng, khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ giảm bớt trong 2023 nhờ giá lợn được kỳ vọng tăng 5% do nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và thiếu hụt nguồn cung khi hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn do giá heo giảm trong thời gian gần đây trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam.
Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi đầu vào giảm và giá bán lợn hơi tăng nhẹ, VNDirect dự phóng biên lãi gộp của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ cải thiện trong năm 2023 như HAGL.
Dòng tiền thuần kinh doanh âm, nợ gấp 2,9 lần vốn chủ sở hữu
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, hiện đòn bẩy tài chính của HAGL đang ở mức cao và vẫn còn lỗ lũy kế tới 3.578 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2022, quy mô tổng tài sản của HAGL đạt 19.338 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 7.176 tỷ đồng, tăng 10%; hàng tồn kho tăng mạnh 152% lên 1.037 tỷ đồng; trong khi tiền mặt chỉ ở mức 131 tỷ đồng.
Ngoài ra, nợ phải trả của HAGL lên tới 14.404 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, chiếm hơn 74% tổng tài sản và gấp 2,9 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay nợ tài chính chiếm 8.628 tỷ đồng (tăng 337 tỷ so đầu năm) chủ yếu là trái phiếu.
Danh mục vay trái phiếu của HAG tại thời điểm cuối tháng 9/2022 |
Chính việc vay nợ cao khiến HAGL vẫn nặng gánh với chi phí tài chính khi “ngốn” tới 1.227 tỷ đồng trong 9 tháng, riêng chi phí lãi vay chiếm 553 tỷ đồng.
Thêm vào đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm của HAGL lại chuyển từ dương gần 2,551 tỷ đồng sang âm gần 479 tỷ đồng. Trong khi dòng tiền từ hoạt động tài chính lại chuyển từ âm 579 tỷ của cùng kỳ sang dương 79 tỷ đồng nhờ tiền thu từ đi vay.
Như vậy, cộng thêm chỉ số nợ trên vốn tới 2,9 lần cho thấy HAGL vẫn đang sử dụng nhiều vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
Thị giá HAG biến động thất thường, khi nào sẽ chào bán 162 triệu cổ phiếu huy động vốn?
Với tham vọng mở rộng đầu tư và trả nợ, HAGL đã lên kế hoạch huy động vốn qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho 9 nhà đầu tư. Theo đó, HAGL dự kiến chào bán gần 162 triệu cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cp nhằm huy động 1.699 tỷ đồng trong năm 2022.
Vốn thu được từ đợt phát hành, HAGL dự chi gần 1.200 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn lưu động thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai và CTCP Gia súc Lơ Pang. Còn lại 500 tỷ đồng trả nợ gốc đối với lô trái phiếu HAGLBOND16.26 phát hành ngày 30/12/2016.
Nếu việc huy động vốn của HAGL thành công sẽ giúp công ty giảm bớt lỗ tài chính so với cùng kỳ 2021.
Tuy nhiên, trên thị trường, cổ phiếu HAG mặc dù đang trong tình trạng bị cảnh báo nhưng đã có những biến động rất đặc biệt thời gian gần đây. Cụ thể, cổ phiếu HAG liên tục giảm sàn 4 phiên từ 10-15/11, nhưng ngay sau đó lại bật ngược trở lại tăng trần 4 phiên liên tiếp từ 16-21/11, lên mức 7.750 đồng/cp, ghi nhận mức tăng gần 22% chỉ trong vòng 1 tuần qua. Tính theo mức đỉnh thiết lập ngày 17/1/2022 là 15.650 đồng/cp thì thị giá này đã bốc hơi 50%.
Hiện chưa thấy HAGL có động thái gì tiếp theo trong việc phát hành riêng lẻ huy động vốn khi mà thời gian đang dần lùi về cuối năm cùng với đó là áp lực tài chính đến hạn không nhỏ.