CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG) vừa có giải trình liên quan đến việc hồi tố số liệu tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020.
Theo đó, số dư luỹ kế dự phòng được thực hiện điều chỉnh hồi tố trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2018 và 31/12/2019 lần lượt là 4.957 tỷ đồng và 5.057 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh hồi tố giá trị dự phòng cho các khoản công nợ phải thu tồn đọng ngắn hạn và dài hạn được thực hiện trong báo cáo tài chính kiểm toán 2020 đến báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017, 2018 và 2019. Trong đó, năm 2017 từ mức lợi nhuận sau thuế 371 tỷ thành lỗ 3.652 tỷ sau hồi tố; năm 2018 từ lãi hơn 6 tỷ thành lỗ 927 tỷ đồng; năm 2019 lỗ 1.809 tỷ hồi tố thành lỗ tăng lên 1.908 tỷ đồng.
Số dư luỹ kế dự phòng được thực hiện điều chỉnh hồi tố của HAG |
Theo HAG, tại thời điểm lập BCTC cho các năm 2017, 2018 và 2019 trước đây (kiểm toán đều có ý kiến ngoại trừ về khả năng thu hồi của các khoản phải thu), HAG cho biết luôn tin tưởng về khả năng thu hồi của các đối tượng phải thu tồn đọng lớn.
Mặc dù ở thời điểm đó, giá trị vườn cây của các đối tượng phải thu chưa được định giá cao do hầu hết các loại cây này đều đang trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản, nhưng HAG luôn tin tưởng tiềm năg tạo ra dòng tiền lớn trong tương lai để trả nợ.
Các số liệu định giá vào thời điểm các năm 2017, 2018 và 2019 dùng để đánh giá khả năng thu hồi chỉ mang tính thời điểm và nhằm mục đích tham khảo hơn là giá trị giao dịch.
Bên cạnh đó, do các hạn chế về thời gian và nguồn nhân lực, HAG chưa đánh giá được hết bức tranh tài chính về tình hình kinh doanh của các đối tác cũng như chưa thực hiện được việc sắp xếp chi tiết các tài sản đảm bảo tương ứng cho từng khoản phải thu cụ thể để đưa ra con số dự phòng phù hợp.
Chính vì điều này, HAG vẫn trên quan điểm là các khoản phải thu hoàn toàn có thể thu hồi được, và không có khoản dự phòng nào cần được trích lập trên báo cáo tài chính các năm này.
Tuy nhiên cũng do các hạn chế nêu trên, đơn vị kiểm toán E&Y đã chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến các ước tính của HAG về việc đánh giá khả năng thu hồi của các khoản phải thu.
Theo đó, E&Y đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ do giới hạn phạm vi kiểm toán trên các BCTC trong năm 2017, 2018 và 2019.
Trong năm 2020, do các ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của HAG cũng như của các đối tác, HAG đã rà soát lại khả năng thu hồi của các khoản phải thu tồn đọng lâu ngày từ các năm tài chính trước đây.
Theo đó, trên nguyên tắc thận trọng, căn cứ các khoản lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đối tác và các khó khăn chung của ngành nông nghiệp đã phát sinh từ những năm trước, HAG đã xem xét lại cơ cấu tài sản đảm bảo cho các khoản phải thu tồn đọng và thu thập thêm thông tin quá khứ về khả năng thanh toán của các đối tác trước đây chưa thể thu thập được do giới hạn về thời gian và nguồn nhân lực.
HAG nhận thấy việc ước tính khả năng thu hồi của các khoản nợ phải thu tồn đọng lâu ngày tại thời điểm lập báo cáo tài chính các năm trước chưa phản ánh đầy đủ rủi ro tổn thất của các khoản phải thu này.
Trên cơ sở đó, HAG đã điều chỉnh lại dữ liệu tương ứng trong báo cáo tài chính 2020 liên quan đến dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi lớn trong quá khứ.
Việc điều chỉnh hồi tố này cũng nhằm mục đích để kiểm toán viên xem xét bỏ ý kiến ngoại trừ về khả năng thu hồi trên, nhằm tránh việc HAG bị rơi vào diện xem xét huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định.
HAG cho biết, trải qua nhiều năm tái cấu trúc (cả về cơ cấu các khoản đầu tư và khoản nợ), tình hình kinh doanh của Tập đoàn có nhiều cải thiện khi đã thanh toán được phần lớn các khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng.
Đồng thời cũng xử lý được phần lớn các khoản đầu tư không hiệu quả và các khoản phải thu tồn đọng nhiều năm. Các chỉ tiêu tài chính cũng được cải thiện. Hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh 6 tháng 2021 đã có lãi. HAG cũng đã có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ, cải thiện tình hình tài chính.