UBND thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 4 dự án thoát nước và thu gom, xử lý nước thải.
Tháo gỡ thế bí
4 dự án gồm: Hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Kiến Hưng (quận Hà Đông); Nhà máy Xử lý nước thải Sơn Tây (thị xã Sơn Tây); hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ - giai đoạn I; hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở.
UBND thành phố Hà Nội cũng giao các sở, ngành liên quan phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện nhiệm vụ, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình.
Ngày 28/12/2021, UBND thành phố Hà Nội đã thông qua Kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025.
|
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra hệ thống ống nối của dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. |
Để tổ chức thực hiện kế hoạch này, song song công tác tuyên truyền về nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân trong việc chi trả phí bảo vệ môi trường, giá dịch vụ thoát nước; bố trí nguồn đầu tư; có cơ chế, chính sách cụ thể và tổ chức điều hành, phối hợp thực hiện, thành phố Hà Nội sẽ lựa chọn mô hình, công nghệ xử lý nước thải đó là tiếp tục triển khai các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn theo quy hoạch; xây dựng hệ thống xử lý nước thải phân tán (phi tập trung) cho từng tiểu khu hay từng công trình như các khu biệt thự, nhà vườn, các khu có tính chất nửa đô thị, nửa nông thôn và các cụm nông thôn nhỏ cách xa các khu đô thị tập trung. Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50-55%
Thành phố cũng sẽ định hướng ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực các quận: Hà Đông, Long Biên và khu vực phía Tây, nhằm giải quyết tình trạng úng ngập do mưa; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải để thu gom và xử lý nước thải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định nhằm góp phần cải thiện môi trường tại khu vực nội thành, khu vực đô thị có mật độ dân cư cao, tốc độ đô thị hóa lớn như quận Hà Đông, Long Biên..., giảm thiểu ô nhiễm lưu vực các sông: Nhuệ, Cầu Bây; ưu tiên đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu dân cư tập trung đã và đang hình thành của một số huyện theo Đề án lên quận vào năm 2025.
Một số dự án phát triển hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý nước thải được đề xuất thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng giai đoạn 2021-2025 là dự án Xây dựng trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh; xây dựng trạm bơm Cự Khối và tuyến mương xả ngoài đê tả Hồng, tuyến mương Việt Hưng - Cầu Bây; xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực hữu Nhuệ; xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả Nhuệ; xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông (công suất 30.000m3/ngày-đêm); xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây (công suất 17.000m3/ngày-đêm); xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ (công suất 58.000m3/ngày - đêm)...
Cần giám sát, đẩy nhanh tiến độ
Ghi nhận của PV, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì, Hà Nội) được khởi công xây dựng từ đầu tháng 10/2016, dự kiến được bàn giao vào năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD (hơn 16.000 tỷ đồng) với 84% là nguồn vốn ODA Nhật Bản.
Nhà máy có diện tích 13,8 ha, nằm ở cánh đồng Yên Xá, ngay cạnh trục đường đôi nối từ Nguyễn Xiển đi Xa La (quận Hà Đông). Đây được xem là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải. Công suất thiết kế 270.000 m3/ngày, chiếm 55% lượng nước thải của Hà Nội. Khi hoàn thành, nhà máy sẽ xử lý phần lớn nước thải đổ ra sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá do nhà thầu xây dựng là liên danh JFE - TSK (Nhật Bản) thực hiện đã hoàn thành công tác xây dựng công trình tạm, công tác cọc PHC và CDM, hạng mục khoan kích ngầm đã hoàn thành 100%.
Bên cạnh xây dựng nhà máy Yên Xá, dự án còn đặt 52 km đường cống ngầm ở các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì để dẫn nước thải. Tuy vậy, dự án đang bị chậm tiến độ.
Đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội cho biết, do dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản nên việc triển khai thực hiện các thủ tục của dự án phải hài hòa giữa luật pháp Việt Nam và quy định của Nhật Bản.
Để góp phần giải quyết các vướng mắc, mới đây, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa dân sinh lớn, thuộc danh mục đầu tư trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025". Công trình hoàn thành sẽ cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của lưu vực sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và lưu vực sông Lừ bằng cách phát triển hệ thống thoát nước để thu gom và xử lý lượng nước thải nhằm nâng cao khả năng phát triển bền vững cho Thủ đô.
Với tầm quan trọng của dự án, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành thường xuyên tổ chức họp giao ban giải quyết các vướng mắc, chỉ đạo sát sao, đôn đốc chủ đầu tư trong tổ chức thực hiện dự án; tuy nhiên vì nhiều lý do đến nay tiến độ dự án vẫn chậm.
Để thúc đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm hoàn thành để thực hiện xử lý nước thải 27% toàn thành phố theo dự kiến, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị cần nhanh chóng triển khai theo tiến độ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2022. Ban Quản lý dự án cần rà soát lại kế hoạch, ráo riết thực hiện các gói thầu kế hoạch tổng thể; tiếp tục thi công toàn bộ các hạng mục của gói thầu, nhập khẩu và lắp đặt thiết bị nhà máy; chủ động triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của thành phố với kết quả cuối cùng là hoàn thành chất lượng công trình.
Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị các sở, ngành chức năng của thành phố cộng đồng trách nhiệm, đôn đốc, hướng dẫn Ban Quản lý dự án hoàn thiện các thủ tục để dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.