Nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP và thực hiện nghiêm giãn cách xã hội trong dịp Quốc khánh 2/9, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành TP chỉ đạo các lực lượng thực hiện nghiêm việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch; tổ chức chế độ trực theo dõi, nắm bắt tình hình, giải quyết công việc phát sinh trong dịp nghỉ lễ.
Theo đó, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Trung ương và TP. Các lực lượng chức năng duy trì công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ, an toàn giao thông trên địa bàn TP; chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, xử lý những tình huống phát sinh, không để xảy ra đột biến, bất ngờ, đặc biệt là bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm trong dịp Quốc khánh 2/9.
Yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương và TP về giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu trong trường hợp có việc đột xuất, phát sinh, các đơn vị kịp thời báo cáo Thành ủy qua Văn phòng Thành ủy.
|
Hà Nội sẽ siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường - Ảnh: Ngô Nhung |
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 2801/UBND-NC về việc triển khai các nhiệm vụ tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Theo đó, UBND TP giao Công an TP chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thủ đô trong giai đoạn giãn cách xã hội và dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Hà Nội cũng sẽ siết chặt kiểm soát tại 23 chốt ra vào TP, kể cả xe công vụ, xe cứu thương, xe "luồng xanh", phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và lợi dụng xe ưu tiên để đưa người vào TP không đúng quy định.
Giao Công an TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát việc đi lại của người dân theo đúng quy định về giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ việc cấp và sử dụng giấy đi đường. Trong đó nghiên cứu, tham mưu UBND TP quy định rõ đối với từng loại hình trên nguyên tắc thực hiện theo đúng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Giao Công an TP Hà Nội có các quy định, phương án cụ thể và chủ trì tổ chức triển khai thực hiện nhằm bảo đảm việc chấp hành nghiêm giãn cách xã hội của tổ chức, cá nhân; kiểm soát hiệu quả việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển...); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, tổ chức khi tham gia lưu thông... Qua đó, thường xuyên đánh giá, phân tích, tổng hợp, báo cáo và đề xuất các giải pháp xử lý đối với các trường hợp ra ngoài không có lý do chính đáng; các đơn vị, tổ chức cấp giấy phép đi đường không đúng quy định; tăng cường kiểm tra, siết chặt công tác quản lý và cấp phép cho các phương tiện giao thông được phép lưu thông (kể cả xe chuyên dụng) để phục vụ phòng, chống dịch.
TP Hà Nội cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ động tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, chấn chỉnh việc cấp giấy phép đi đường của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức; các phương tiện lưu thông, kể cả xe cứu thương, xe công vụ, xe container... được cấp phép "luồng xanh", không để lợi dụng, vi phạm quy định phòng, chống dịch; kiểm tra các doanh nghiệp không thuộc nhóm sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, yêu cầu chấp hành nghiêm việc cấp giấy đi đường và phê duyệt phương án sản xuất, kinh doanh trong điều kiện phòng, chống dịch; kiên quyết xử lý và cho tạm dừng hoạt động những đơn vị không chấp hành nghiêm quy định.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ban hành phương án huy động phương tiện dự phòng ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, TP huy động dự phòng 2.163 phương tiện, trong đó có 1.011 xe tải và 1.152 xe chở khách (bao gồm cả người lái) của các doanh nghiệp.
Việc huy động phương tiện theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên. Các đơn vị, địa phương huy động tối đa nhân lực, vật lực sẵn có để kịp thời bố trí phương tiện vận chuyển lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu; mẫu sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ y tế và oxy y tế...
Trường hợp điều phối hàng hóa trên địa bàn thành phố sẽ dự phòng 450 xe tải các loại. Địa điểm tập kết dự phòng tại các bến xe: Mỹ Đình, Nước Ngầm, Sơn Tây, Yên Nghĩa, Gia Lâm hoặc các vị trí tập kết do Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã bố trí.
Trường hợp điều phối hàng hóa từ các tỉnh về cung ứng cho TP, dự kiến huy động 78 xe tải. Địa điểm tập kết xe do Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các quận, huyện, thị xã bố trí. Trường hợp một số địa điểm bán hàng bị thiếu hàng cục bộ hoặc bị ngừng kinh doanh sẽ huy động 50 xe buýt được chuyển đổi công năng tạm thời thành "xe bán hàng lưu động" phục vụ nhân dân...